Giải Nobel Hòa Bình năm nay vào tay hai nhà hoạt động cho quyền con người tại hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan.
Ông Kailash Satyarthi, công dân Ấn Độ, sinh năm 1954 nhận được giải thưởng cao quý này vì sự nghiệp tranh đấu chống lại việc sử dụng lao động trẻ em tại Ấn Độ kể từ năm 1990.
Ông là người thành lập tổ chức mang tên Bachpan Bachao Andolan với mục đích phát hiện và tranh đấu chống lại việc sử dụng lao động trẻ em. Trong hơn 25 năm tổ chức này đã giải thoát cho 80 ngàn trẻ em thoát khỏi cảnh lao động cùng khổ và hòa nhập với xã hội Ấn cũng như được đi học trở lại.
Người thứ hai chia giải thưởng cao quý này với ông Satyarthi là Malala Yousafzai, một học sinh lớn lên từ mảnh đất hồi giáo Pakistan.
Sinh năm 1997 Yousafzai sớm tham gia vào hoạt động tranh đấu cho nữ quyền, đặc biệt lên tiếng đòi quyền được đi học của phụ nữ trong các khu vực do Taliban kiểm soát.
Các bài viết tranh đấu cho nữ quyền của Malala xuất hiện trên trang web của BBC khi cô mới 11 tuổi đã làm cho Taliban, thành phần hồi giáo cực đoan nổi giận. Năm 2012 Taliban ám sát Yousafzai trên một chuyến xe bus chở học sinh tại phía Tây bắc Pakistan nhưng cô thoát chết và được mang đi điều trị tại Anh Quốc.
Tuy được cả thế giới biết tới nhưng Malala Yousafzai vẫn không thể trở về Pakistan, quê hương của cô vì sự hăm dọa của phiến quân Taliban.
Điều thú vị là giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay đã được chia cho hai quốc gia có bề dài thù địch lẫn nhau nhưng công dân của hai nước không hề từ bỏ tranh đấu cho quyền con người.
Giải thưởng năm nay sẽ được trao tại Olso, Na Uy vào ngày 10 tháng 12 tới.