Chiến sự tại Myanmar vẫn tiếp diễn

Tại Myanmar vào ngày 21 tháng 9 xảy ra cuộc đụng độ giữa cảnh sát và một nhóm người chặn chuyến hàng cứu trợ ở bang Rakhine. Trong khi đó một chiếc xe tải của Hội Chữ Thập Đỏ gặp tai nạn ở Bangladesh khiến chín người thiệt mạng.

Tin cho hay vào chiều tối ngày 20 tháng 9 một nhóm 300 tín đồ Phật giáo ở thủ phủ Sittwe của bang Rakhine tập trung tại một cầu cảng, nơi một chiếc thuyền chở hàng cứu trợ đang chuẩn bị lên đường đến vùng Maungdaw bị tác động mạnh do bạo động.

Tờ Global New Light của Myanmar trích dẫn thông tin của Uỷ ban Thông tin Myanmar, rằng nhóm tín đồ Phật giáo buộc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế phải dở số hàng viện trợ từ thuyền xuống và ngăn không cho nhổ neo.

Cảnh sát đến tại hiện trường và một số nhà sư Phật giáo kêu gọi đám đông bình tĩnh; thế nhưng những người biểu tình ném đá và bom xăng tự chế vào cảnh sát. Có 8 người biểu tình bị bắt và một số cảnh sát bị thương trước khi trật tự được vãn hồi.

Theo AFP, tình hình vẫn còn căng thẳng ở Rakhine, nơi các cuộc nổi dậy của những người vũ trang Rohingya vào cuối tháng trước dẫn đến đợt tảo thanh quân sự khiến hơn 420.000 người phải lánh nạn sang Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc lên tiến gọi đây là một chiến dịch "tảo thanh sắc tộc".

Cuộc khủng hoảng làm dấy lên những lời lên án nhắm bà Aung San Suu Kyi vì đã từ chối không nhìn nhận sai phạm của quân đội Myanmar tiến hành cuộc đàn áp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi là "diệt chủng".

Facebook cấm các tài khoản của quân nổi dậy

Trong khi đó, Facebook đã tiến hành cấm tài khoản của nhóm dân quân nổi dậy Rohingya bị cho là ‘nguy hiểm’ với những phát ngôn của họ có thể làm cuộc khủng hoảng sắc tộc thêm trầm trọng.

Phát ngôn nhân Facebook nói với hãng AFP rằng chính phủ Miến Điện không hề lên tiếng yêu cầu họ phải chặn các tài khoản của nhóm có tên Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (ARSA). Người này cũng nói rõ rằng Facebook biết nhiều nhóm Hồi giáo Rohingya đã sử dụng trang mạng xã hội này để kích động bạo lực; tuy nhiên các nội dung không kèm hình ảnh có thể vẫn được phép đăng tải.

Theo phát ngôn nhân của Facebook thì biện pháp vừa nêu phù hợp với chính sách của mạng này.

Những nhà hoạt động Rohingya lâu nay sử dụng mạng xã hội Facebook để đưa lên những cảnh được nói là tàn bạo tại vùng bạo loạn nơi mà các tổ chức nhân đạo cũng như truyền thông bị hạn chế dữ dội; trong khi đó thì quân đội của chính quyền Myanmar lại có cập nhật tin tức hằng ngày.