Gần 400 người thiệt mạng trong chiến dịch tảo thanh của quân đội Miến Điện nhắm vào quân nổi dậy Rohingya tại vùng Tây Bắc nước này.
Theo nguồn tin của Chính phủ Miến, có 370 quân nổi dậy, 13 quân chính phủ, 2 viên chức chính quyền và 14 thường dân bị thiệt mạng.
Phía quân đội nói rằng họ thực hiện cuộc tấn công để tiêu diệt quân khủng bố, bảo vệ thường dân, trong khi phe nổi dậy nói rằng những cuộc giết chóc và đốt phá của lính chính phủ là nhằm để đuổi người Rohingya ra khỏi Miến Điện, nơi họ bị bức hại về tôn giáo và sắc tộc.
Vào hôm thứ Năm, 31 tháng Tám quân nổi dậy cũng đã tấn công các vị trí đóng quân của quân chính phủ, còn quân đội thì cho hay họ đã di tản những đến 11700 người thuộc các sắc tộc thiểu số ra khỏi vùng chiến sự, đây là những người không theo Hồi giáo sống trong bang Rakhine.
Nhiều người Rohingya chạy trốn sang cả Ấn Độ, nơi họ đang phải đối diện với nguy cơ bị trục xuất.
Hiện có khoảng 40 ngàn người Rohingya đang sống ở Ấn Độ sau khi trốn thoát khỏi Myanmar.
Việc trục xuất người tị nạn Rohingya của Ấn Độ làm dấy lên những chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và bảo vệ người tị nạn.
Một vụ kiện Chính phủ Ấn Độ, bảo vệ hai người tị nạn Rohingya đã được bắt đầu, và tòa án Ấn Độ sẽ nghe điều trần về vụ kiện này.
Luật sư của hai người Rohingya nói rằng không thể đuổi người ta về nơi mà người ta phải đối diện với cái chết, điều đó vi phạm điều thứ 21 của hiến pháp Ấn Độ.
Bộ Nội An của Ấn Độ từ chối không bình luận về chuyện này.
Trong khi đó Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, vào ngày 31 tháng 8, lên tiếng thúc giục lực lượng an ninh Myanmar phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh tấn công thường dân vô tội khi tiến hành ngăn chặn nhóm dân quân vũ trang Rohingya gây thêm bạo loạn tại bang Rakhine ở mạn bắc Myanmar.
Bà đại sứ Nikki Haley lên án những vụ tấn công gần đây do nhóm có tên Đội Quân Cứu Tế Rohingya Arakan; nhưng đồng thời nhắc nhở thêm như vừa nêu.
Đại sứ Nikki Haley kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar cần bảo đảm phẩm vật cứu trợ đến được tay những đối tượng cần giúp đỡ và bảo đảm quyền lợi cho tất cả các cộng đồng.
Liên Hiệp Quốc vào ngày 31 tháng 8 cho biết trong suốt tuần qua có hơn 27 ngàn người Rohingya theo Hồi Giáo đã chạy sang được Bangldesh để lánh nạn bạo lực; trong khi đó có chừng 20 ngàn người khác bị kẹt tại vùng đất giữa hai nước.
Cũng trong ngày 31 tháng 8, lực lượng biên phòng Bangladesh phát hiện được xác của 20 phụ nữ và trẻ em người Rohingya khi chiếc thuyền chở họ đi lánh nạn bị lật trên sông.