Một tòa án Hong Kong vào ngày 13 tháng 10 cáo buộc chín nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tội hình sự bất tuân lệnh tòa khi từ chối không rời cuộc biểu tình đợt ‘Chiếm đóng’ năm 2014 khiến cho nhiều đường phố tại đặc khu này bị tắc nghẽn.
Cáo buộc vừa nêu liên quan đến một lệnh tòa yêu cầu giải tỏa một trại biểu tình tại khu Mong Kok sau gần 79 ngày chiếm đóng để đòi hỏi quyền dân chủ thực sự cho Hong Kong.
Thẩm phán Andrew Chan cho biết 9 người bị cáo buộc lúc bấy giờ từ chối không rời khỏi nơi chiếm đóng mặc dù được viên chức hữu quan cảnh báo nhiều lần.
Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 theo qui định ‘Một Quốc gia, Hai thể chế’ bảo đảm cho đặc khu mức độ tự trị cao và những quyền tự do mà ở Hoa Lục người dân không có được.
Tuy nhiên, việc can thiệp ngày càng sâu của Bắc Kinh khiến nhiều nhà hoạt động tại Hong Kong mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ những quyền tự do tại đặc khu hành chánh Hong Kong.
Sau đợt biểu tình vào năm 2014, vừa qua có chừng 100 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hong Kong bị tòa kết án. Tình trạng này gây quan ngại về nền pháp trị từng được xây dựng dưới thời Anh Quốc quản trị Hong Kong.
Lãnh đạo Hong Kong lên tiếng vụ cấm công dân Anh nhập cảnh
Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vào ngày 13 tháng 10 lên tiếng bác bỏ cáo buộc Trung Quốc kiểm soát vấn đề nhập cư vào đặc khu hành chánh này.
Tuyên bố của đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga được đưa ra sau khi xảy ra vụ nhà hoạt động người Anh, ông Benedict Rogers, bị ngăn chặn không cho nhập cảnh vào Hong Kong hôm ngày 4 tháng 10 vừa qua.
Sau đó phía Anh yêu cầu Hong Kong giải thích lý do và rồi Bắc Kinh chính thức đưa ra phản đối ngoại giao với London.
Ông Benedict Rogers là nhà hoạt động nhân quyền, ông này là một đảng viên Đảng Bảo thủ Anh.
Lãnh sự quán Anh tại Hong Kong lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi chính quyền Bắc Kinh tôn trọng mức độ tự trị của đặc khu này theo qui định lâu nay.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London, trong email trả lời cho hãng tin Reuters, vào chiều tối ngày 12 tháng 10, lặp lại quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng đó là chuyện chủ quyền của Hoa Lục trong việc cho hay không cho một người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.