Một phụ nữ bị cơ quan công quyền Philippines bắt giữ do nổ lực truyền bá ý tưởng cực đoan và tuyển dụng hàng trăm người nước ngoài để bổ sung lực lượng nổi dậy Nhà nước Thánh chiến Hồi giáo IS từng chiếm đóng thành phố Marawi ở miền nam Philppines.
Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre cho biết như vừa nêu vào ngày 18 tháng 10 trong một cuộc họp báo.
Theo ông Vitaliano Aguirre, người phụ nữ bị bắt giữ có tên Karen Aizha Hamidon, là vợ góa của một cựu lãnh đạo của một nhóm cực đoan nhỏ ở Mindanao. Bà này bị Lực Lượng Đặc Biệt bắt giữ tại nhà riêng ở ngoại ô Manila cách đây tuần trước, và bị cáo buộc tội kích động nổi dậy.
Bà Hamidon bị buộc tội sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các ứng dụng nhắn tin để kêu gọi người nước ngoài tham gia cuộc nổi dậy của những phe hồi giáo cực đoan chiếm đóng thành phố Marawi.
Tin Reuters cho biết chuyên viên Philippines đã tìm thấy gần 300 nội dung mà bà Hamidon đăng tải trong nhóm chat bằng ứng dụng Telegram và WhatsApp. Nội dung “kêu gọi người Hồi giáo ở Philippines, Ấn Độ và Singapore hãy đến Marawi để thành lập một khu vực của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria"
Bên cạnh đó, họ tìm thấy có khoảng 250 tên trong danh bạ lưu trữ, đa số là người nước ngoài. Những người trong danh sách này bị nghi ngờ là nhóm người ủng hộ Hồi giáo.
Bà Hamidon trong y phục màu đen, đã được xuất hiện trước giới truyền thông nhưng không được phép nói chuyện. Máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị điện tử của bà đang được các chuyên gia pháp y điều tra.
Theo Reuters, bà Hamidon kết hôn với Mohammad Jaafar Maguid, hay còn được gọi là Tokboy, là cựu lãnh đạo của nhóm cực đoan Ansar Al-Khilaf đã bị giết trong một cuộc đụng độ với cảnh sát vào tháng Giêng.
Sau đó bà chuyển sang đạo Hồi giáo.
Bộ trưởng Tư pháp Aguirre cho biết thêm bà Hamidon cũng có liên quan đến những kẻ cực đoan ở Singapore và Úc hiện đang bị giam giữ trong nước của họ.
Tuy nhiên, chuyên gia chống khủng bố Sidney Jones nghi ngờ rằng liệu bắt giữ bà Hamidon có thật sự mang lại hiệu quả hay không? Vì theo ông Jones cho biết, sự có mặt của bà Hamidon trong các cuộc trò chuyện của những người ủng hộ Hồi giáo đã không được hoan nghênh.
Nhưng theo Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre, đây là một diễn biến đáng hoan nghênh trong cuộc chiến chống khủng bố.