Lực lượng mang tên Quân Đội Cứu Rổi Arakan Rohingya lên tiếng bác bỏ cáo buộc có liên hệ đến những tổ chức khủng bố, nói rằng lực lượng chỉ làm công tác bảo vệ tập thể thiểu số Hồi Giáo Rohingya đang sống và bị đàn áp bởi quân đội và chính quyền Miến Điện, một quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo.
Trong bản tuyên bố phổ biến qua trang mạng xã hội Twitter, lực lượng Quân Đội Cứu Rổi Arakan Rohingya, gọi tắt là ARSA, này viết rằng họ không liên hệ gì với các tổ chức khủng bố quốc tế như Al-queda, ISIS, hoặc những tổ chức khủng bố khác.
Bản tuyên bố được đưa ra sau khi Al-qaeda lên tiếng kêu gọi người Hồi Giáo khắp nơi ủng hộ các hoạt động của ARSA. Al-qaeda còn khuyến khích người Hồi Giáo tham gia những chương trình huấn luyện quân sự để tiếp tay với ARSA trong việc bảo vệ người theo đạo Hồi đang bị đàn áp ở Miến Điện.
Quân Đội Cứu Rổi Arakan Rohingya tức ARSA là một nhóm vũ trang người Rohingya được thành lập một vài năm trước đây, hoạt động trong bang Rakhine, nơi có cả triệu người Hồi Giáo Rohingya cư ngụ. Đây là tập thể bị chính phủ Miến Điện xem là những người di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, nên không được hưởng các quyền lợi tối thiểu.
ARSA được chú ý đến từ hôm 25 tháng Tám, khi mở những cuộc tấn công nhắm vào một số đồn cảnh sát và một căn cứ của quân đội, giết chết 20 nhân viên cảnh sát và an ninh. Để trả đũa, quân đội Miến liên tục mở những cuộc hành quân quy mô, nhấn mạnh những cuộc hành quân này nhằm bài trừ khủng bố.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc và những tổ chức hoạt động nhân quyền và từ thiện quốc tế cho rằng quân đội Miến sử dụng lý do truy lùng khủng bố để đàn áp người Rohingya, khiến gần 400,000 người phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn trong 3 tuần lễ vừa qua.
Hôm thứ hai vừa qua, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc gọi hành động của quân đội Miến sẽ được ghi lại là thí dụ điển hình cho chính sách diệt chủng.
Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm về những bất ổn đang xảy ra tại bang Rakhine, đòi hỏi chính phủ Miến phải có biện pháp giải quyết vấn đề, để người tỵ nạn Rohingya có thể trở về.
Đó cũng là quan điểm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau phiên nhóm đặc biệt hồi chiều hôm 13 tháng 9 ở New York.
Đến giờ, chỉ có Trung Quốc lên tiếng ủng hộ việc làm của quân đội Miến, gọi đó là việc làm chính đáng để chống khủng bố, đồng thời xem những gì đang xảy ra ở bang Rakhine là chuyện nội bộ của Miến Điện, không quốc gia hay tổ chức nào được quyền can thiệp.