Đã có tổng cộng 313,000 người Hồi giáo Rohingya chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar đến nước láng giềng Bangladesh kể từ hôm 25 tháng 8 đến nay. Người phát ngôn của cơ quan phụ trách về người tị nạn Liên Hợp quốc cho biết như vậy hôm 11 tháng 9.
Cả chính phủ Bangladesh và Liên Hợp Quốc đều cho biết con số người Rohingya đến Bangladesh đã giảm xuống trong những ngày gần đây mặc dù chiến sự vẫn tiếp diễn.
Theo Liên Hợp Quốc hôm chủ nhật cuối tuần qua, đã có 294,000 người Rohingya đến Bangladesh. Báo cáo phối hợp của Liên Hợp Quốc cho biết vẫn còn nhiều người tiếp tục đến Bangladesh nhưng họ ở lại bên đường và do vậy không được tính bao gồm vào con số chung.
Hiện đã có khoảng 400,000 người Rohingya ở các trại tị nạn và nơi tạm cư trên đất Bangladesh gần biên giới với Myanmar và hiện tại những nơi này đã quá tải khiên cho hàng nghìn người mới đến không có nơi trú ngụ trong khi mùa mưa đang đến.
Bangladesh mới đây đã đồng ý cấp thêm đất để làm trại mới cho những người tị nạn Rohingya đến từ Myanmar. Trại mới được cho là sẽ giúp giảm sức ép lên hai trại tị nạn hiện có ở quận Cox’s Bazar trên biên giới giữa hai nước.
Một thông báo trên Facebook hôm 11 tháng 9 của một Thứ trưởng Ngoại giao Bangladesh, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đồng ý cấp thêm khoảng 0,8 hectare đất gần các trại hiện tại cho trại tị nạn mới. Ông này cũng cho biết chính phủ Bangladesh sẽ bắt đầu lấy dấu vân tay và đăng ký cho người mới đến vào hôm 11 tháng 9. Thủ tướng Bangladesh dự đính sẽ đến thăm những người tị nạn Rohingya vào thứ ba, ngày 12/9.
Trong khi đó, Liên Hợp quốc hôm 11 tháng 9 lên tiếng chỉ trích chính quyền Myanmar vì đã tấn công một cách có hệ thống nhắm vào người thiểu số Rohingya, cảnh báo báo một vụ thanh lọc sắc tộc đang diễn ra ở Myanmar.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Văn phòng cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc nói rằng vì Myanmar đã từ chối không cho các điều tra viên nhân quyền tiếp cận để điều tra hiện trạng một cách đầy đủ nên dường như có một vụ thanh lọc sắc tộc đang diễn ra.
Ông Zeid nói rằng Liên Hợp quốc đã nhận được nhiều báo cáo và hình ảnh vệ tinh cho thấy các lực lượng an ninh và du kích địa phương đốt phá làng của người Rohingya, có những thông tin về những vụ giết người và bắn thường dân đang chạy loạn.
Liên Hợp quốc kêu gọi chính phủ Myanmar phải chấp dứt các hoạt động quân sự hiện tại và phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm đã xảy ra, không để tình trạng phân biệt sắc tộc tiếp diễn rộng khắp đối với người Rohingya.