Khoảng cách giàu nghèo đang đe doạ khu Đông Á, Thái Bình Dương

Khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước đang phát triển ở khu vực Đông Á đang là mối nguy cho nền tảng của sự thành công về kinh tế khu vực này.

Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định vừa nêu vào hôm thứ Hai, 4 tháng 12. Theo một báo cáo mới nhất được đưa ra thì tăng trưởng kinh tế bùng nổ đã giúp hàng triệu người trong khu vực thoát khỏi tình trạng đói nghèo cùng cực kể từ những năm 1980. Số lượng người nghèo trong khu vực – tại khoảng hơn chục quốc gia và đảo quốc Thái Bình Dương, trừ các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, có giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới khoảng hai phần ba dân số của các nước này đã có kinh tế ổn định hoặc ở tầm trung lưu vào năm 2015, tăng đến 20% kể từ năm 2002. Tuy nhiên tình hình này chưa bảo đảm được sự tiến lên và an ninh kinh tế cho nhiều cộng đồng dân cư.

Báo cáo của Ngân Hàng Thế giới cũng nêu rõ tình trạng bất bình đẳng về thu nhập tăng cao và nhanh, đặc biệt nghiêm trọng ở Indonesia và Trung Quốc.

Từ năm 1988 đến năm 2012, 5% số người giàu nhất trong khu vực đã tăng mức chi tiêu cá nhân lên chừng 400 $US/1 năm, so với mức chi tiêu dưới 30 $US của 20 % dân số nghèo.

Tại khu vực này xuất hiện tầng lớp giới siêu giàu mới với khối tài sản tương đương chừng 9% tổng sản phẩm nội địa khu vực.