Dzuy Lynh, người lính chưa bao giờ giải ngũ

"Có người lính già thao thức trong đêm
Nghe dấu đạn bom chưa mờ ký ức
Nhìn ánh sao sa mà ngỡ hỏa châu rơi
Gọi tên non sông gọi tên đồng đội
Tàn đêm cô đơn gọi tên chiến trường
Mũ Xanh áo trận mang kiếp sống ly hương…" (Người lính không bao giờ chết)

“Là một người lính, tôi cũng như các chiến hữu, những người đang sống lưu lạc ở xứ người đất khách vẫn quan niệm rằng cái cuộc đời binh nghiệp của mình vẫn chưa chấm dứt sau cái ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cái lý tưởng đó đeo đuổi chúng tôi suốt cả cuộc đời.”

9 giờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972, đơn vị Thuỷ quân lục chiến tiếp bước con đường của binh chủng nhảy dù vào tái chiếm và lấy lại Cổ Thành Đinh Công Tráng, trong đó, có một người lính trẻ đã bị thương. Lúc đó, nhìn ngọn cờ đất nước bay ngạo nghễ giữa chiến trường chưa tan mùi khói đạn, những hố bom hố đạn loang lổ trên đường, anh lính xúc động trong niềm vui chiến thắng, nhìn và nghĩ đến một ngày hoà bình không xa.

“Sau khi băng bó tạm, sau khi các phóng viên chiến trường cùng Tổng thống Thiệu ra thăm tại mặt trận. Lúc đó cây đàn của tôi bị đạn pháo kích bể hết rồi chỉ còn hai sợi dây thôi. Tôi viết bài Buổi sáng tiếng chim và mặt trời."

“Mặt trời lên mặt trời lên

Xua tan bóng đêm hãi hùng chiến tranh

Cho đất quê ta thôi cày lên xác thù

Hoà bình ơi ơi hoà bình ơi”

Đó là tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của người lính Dzuy Lynh. Thành phố Quảng Trị với Cổ Thành điêu tàn, xơ xác, âm thanh chỉ toàn tiếng súng, tiếng hoả châu. Nhưng người lính trẻ Dzuy Lynh vẫn cảm thấy như tiếng chim đang hót vang trên bầu trời.

40 năm sau kể từ khi ca khúc đầu tiên ra đời với vài câu đơn giản ấy, ông thú nhận rằng mình không thể nào viết tiếp lời thứ hai.

Bài hát trở thành kỷ niệm!

Tất cả nhạc tôi viết ra bằng con tim, bằng ký ức, bằng vết thương lòng. Mà cho đến bây giờ, vết thương đó chỉ có phai mờ đi thôi. Lâu lâu nó cũng bưng mủ và nó làm nhức nhối mình lắm.

Tôi vẫn là người lính

Dẫu cho rằng, thời gian và năm tháng đã bào mòn tuổi tác và sức khoẻ, nhưng với ông, một ngày đi lính, là một đời mang dòng máu lính trong người.

“40 năm trước và 40 năm sau, Dzuy Lynh vẫn là một người lính, vẫn làm thơ, vẫn viết nhạc, và lúc nào cũng hoài hương, nhớ về cố quốc. Tình yêu nước vẫn nồng nàn như xưa không có gì thay đổi.”

Có lẽ vì vậy mà khi nghe nhạc của Dzuy Lynh, bất cứ ai, dù là thế hệ nào cũng có thể nhắm mắt và hình dung được cả một vùng trời chiến thuật. Vì ông đã mang hình ảnh của đồng đội mình, từng người một, từng ngọn núi, từng ngọn đồi trên con đường hành quân ngày trước chuyển hoá thành linh hồn trong ca khúc ông sáng tác.

Nhạc của Dzuy Lynh không ca ngợi chiến tranh, cũng không khóc thương cho cuộc chiến. Mà nhạc của ông là những câu chuyện không bao giờ dứt về cuộc đời của người lính, về những đêm hành quân nhìn hoả châu, về những mật danh oai hùng đã hằn sâu trong ký ức.

“Bài hát đầu tiên mà viết ở Hoa Kỳ là viết để vinh danh những đồng đội trong cuộc chiến, mà cũng là viết cho mình. Có những đêm ngồi nhìn ngôi sao nó sa xuống thung lũng mà cứ ngỡ là hoả châu rơi ngày xưa. Bài hát đó tên là ‘Người lính không bao giờ chết’”

"Nhớ gì không? Khe Sanh, Hạ Lào, Ấp Bắc!
Nhớ gì không? (Thức dậy đi!) Mãnh Hổ, Quái Điểu, Thần Ưng!
Nhớ gì không? Sấm vang Cổ Thành: Lôi Hỏa!
Nhớ gì không? (Thức dậy đi!) Nỏ Thần, Thần Tiễn xé không gian...

Có người lính già đi dưới quân kỳ

Nghe dấu đạn bom nhớ đời Viễn Thám
Dầu đã nát chinh y... dầu đã gãy gươm thiêng...
Còn vòng tay quê hương! Còn tình yêu đồng đội!

Khi người lính già người lính chỉ mờ đi...

Người lính chỉ mờ đi ...
Mà không chết bao giờ!"(Người lính già không bao giờ chết)

Tuy những ngày tháng đó là bất tử trong tâm tưởng của ông, những ông phải chấp nhận rằng mình có những bạn bè, đồng đội đã nằm xuống, ngủ giấc ngủ dài xuyên qua cuộc chiến.

“Hôm nay tôi trở về đây

Ngồi môt mình nghe tiếng dế nỉ non

Một chiều buồn ngủ vội giấc hoàng hôn

Ánh trăng non chốn tha ma mộ địa

Soi bóng một mình tôi bên nghĩa trang buồn..." (Xin cho anh tròn giấc ngủ)

Nền âm nhạc của Việt Nam chúng ta có cố nhạc sĩ Phạm Duy từng có những ca khúc viết về cuộc chiến, viết cho người thương binh, người nằm xuống. nhưng chúng ta sẽ thấy hình ảnh của người lính trận “trở về” trong ca khúc của Phạm Duy mang đậm nét hào hoa diễm lệ, bi tráng với băng ca và trực thăng sơn màu tang trắng.

hqdefault400.jpg
hqdefault400.jpg (Screenshot of Youtube)

Còn người lính trong ngày trở về của Dzuy Lynh là một nghĩa trang buồn, tiếng dế nỉ non thay không có tiếng phi cơ oai hùng. Người thương binh trong ca khúc của ông là những nhân vật tên gọi là mày, là tao. Là những câu chuyện trong đời thường của những người mà ông nói rằng họ đang bị bỏ quên bên lề cuộc sống.

“Tất cả nhạc tôi viết ra bằng con tim, bằng ký ức, bằng vết thương lòng. Mà cho đến bây giờ, vết thương đó chỉ có phai mờ đi thôi. Lâu lâu nó cũng bưng mủ và nó làm nhức nhối mình lắm.”

Trong miền ký ức của người lính Dzuy Lynh, ông dành hẳn một khoảng trời rộng để nghĩ đến những người lính trở về từ cuộc chiến với thân thể không còn lành lặn. Họ không xa lạ, chính là đồng đội của ông, những chứng nhân của cuộc chiến.

“Bài hát này viết ra xong, nhẹ lòng lắm, coi như mình đã trả 1 món nợ cho đồng đội mình, những người đã bỏ quên 1 phần thân thể trên chiến trường mà đồng đội không có thể cầm về cho họ. Giữa quê người tôi vẫn gọi vang tên anh.”

" Người Thương Binh Việt Nam non sông nợ ơn Người!

Người Thương Binh Việt Nam Tổ Quốc nhớ công Anh!

Người Thương Binh Việt Nam chúng tôi vẫn nhớ Người!

Người Thương Binh Việt Nam giữa quê người tôi hát nhớ Anh!

Xin viết vần thơ về người thương binh phương Nam…” (Giữa quê hương tôi viết tên anh)

Hình ảnh và những tiếng long trời của đại bác hằng đêm vang cả một góc trời, tiếng gầm thét của những con chim sắt tung mây lướt gió ngoài mặt trận để ngăn bước quân thù, những quả mìn xé nát màn đêm trong phòng tuyến như còn văng vẳng đâu đây. Đó là một trong những miền ký ức của Dzuy Lynh. Từ đó, ông viết lên Giữa quê người tôi hát tên anh.

Buông súng, cầm đàn

Ông rời quê hương, mang theo cuộc chiến đã tàn và một đất nước chỉ còn trong tâm tưởng. Ông nói rằng ông là người lính buông súng cầm đàn, để thực hiện sứ mệnh mà ông chưa bao giờ từ bỏ.

"Con đường chúng ta trong tương lai còn rất dài và rất gian khổ. Chúng tôi, thế hệ thứ nhất đã mỏi mòn rồi.bây giờ những người ở lứa tuổi chúng tôi chỉ còn sống trong giấc mộng trầm kha của thời xưa thôi. Người ta nói tuổi trẻ sống cho tương lai, trung niên sống cho hiện tại, niên lão sống về quá khứ. Những chuyện xảy ra ở mặt trận mấy mươi năm về trước, tôi không thể nào quên được. Không bao giờ!"

Với ca nhạc sĩ Dzuy Lynh, tất cả vẫn còn đó. Lý tưởng, niềm tin, niềm hân hoan sau những trận thắng và cả những nỗi kinh hoàng khi phải đối diện với cái chết của đồng đội vẫn chưa bao giờ bị phai mờ, cho dù ông đã bước ra khỏi cuộc chiến hơn 40 năm.