Chương trình Vi Tín Dụng , Micro Finance Initiative, cho người nghèo vay vốn là công việc đã mang lại cho người khởi xướng, giáo sư Muhammad Yunus của đại học Chittagong ở Bangladesh, giải Nobel Hòa Bình năm 2006.
Giúp vốn cho người nghèo
Ông Muhammad Yunus có bằng tiến sĩ kinh tế tại đại học Tennessee ở Mỹ. Khi về Bangladesh, ông nghĩ ra một trong những cách có thể giúp đỡ là Micro Finance tức cho người nghèo vay tiền. Một trong những mô hình ông làm là cho người nghèo mà chỉ cho đàn bà thôi. Khuôn mẫu đó rất thành công, được gọi là Micro Finance Initiative, Vi Tín Dụng.
Vừa rồi là lời giải thích của bà Trần Kiều Nga, khoa học gia từng làm việc cho Bộ Canh Nông Hoa Kỳ nhưng đã về hưu cuối năm 2011, cũng là một trong những người đã đưa chương trình Vi Tín Dụng về Việt Nam :
Trước đó tôi cũng có về Việt Nam theo những chương trình giúp đỡ người nghèo hoặc những chương trình y tế khám bịnh khám răng cho người nghèo.
Nhưng tôi thấy ngoài việc cho tiền người ta, điều quan trọng là mình làm sao giúp cho người ta có vốn và hướng dẫn người ta lấy cái vốn đó để làm ăn, để nhờ đó họ có thể thăng tiến đời sống và của cải của họ.
Bà Trần Kiều Nga còn cho là mình may mắn gặp luật sư Robyn Neiter, đang hoạt động theo khuôn mẫu Vi Tín Dụng của kinh tế gia Muhammad Yunus tại hai xứ nghèo ở Châu Phi là Uganda và Kenya:
Thoạt đầu, chỉ với 5.000 đô la, bà Robyn Neiter đã giúp hai nhóm phụ nữ nghèo ở Uganda vay vốn. Chỉ 4 năm sau, nhờ sự thành công và nhờ tài vận động khéo léo theo công thức của kinh tế gia Muhammad Yunus, từ 5.000 lúc đầu chương trình Vi Tín Dụng Cho Phụ Nữ của bà Robyn Neiter tăng thành năm trăm ngàn đô la.
Tôi đến gặp và hỏi cách làm việc của bà, đồng thời tôi cũng tìm được một số những người bạn cũng có ý muốn làm chương trình này ở Việt Nam. Tuy mình người Việt mình nói được tiếng Việt, nhưng mà làm việc trong chế độ bây giờ cũng khó lắm. May làm sao nhờ một người bạn giới thiệu tổ chức AVNES của một số Việt kiều trí thức ở bên Pháp, đa số cũng đã lớn tuổi và cũng đã về hưu, họ bắt đầu về Việt Nam cách đây cỡ sáu năm rồi họ cũng được những cái grant hoặc tiền của nhiều cơ quan bên Pháp cho.
Nhóm AVNES đồng ý cho người nghèo hoặc cận nghèo vay, với điều kiện những người này phải dùng tiền vốn đó để làm công việc gì cho họ chứ không được đi làm thuê cho người khác. Giúp những người nghèo này có công ăn việc làm để có thể trả tiền đó lại rồi dùng tiền đó giúp thêm cho một nhóm khác
bà Trần Kiều Nga
Với sự cộng tác của tổ chức HOPE ở Hoa Kỳ và AVNES ở Pháp, bà Trần Kiều Nga đã theo chương trình Vi Tín Dụng về với người nghèo ở nông thôn Việt Nam:
Theo định nghĩa ở Việt Nam, một người nghèo có lợi tức ít hơn 20 đô la một tháng, tất nhiên một gia đình bốn người lợi tức ít hơn 80 đô la một tháng là người nghèo. Từ hai chục đến bốn chục đô la là cận nghèo..
Nhóm AVNES đồng ý cho người nghèo hoặc cận nghèo vay, với điều kiện những người này phải dùng tiền vốn đó để làm công việc gì cho họ chứ không được đi làm thuê cho người khác. Giúp những người nghèo này có công ăn việc làm để có thể trả tiền đó lại rồi dùng tiền đó giúp thêm cho một nhóm khác. Những người được chọn lựa phải là không bà con không quen biết với nhân viên của Ủy Ban Xã hoặc của Hội Phụ Nữ. Trong những hợp đồng làm việc với nhau họ có nói rất rõ điều đó.
Cũng là một khoa học gia nhưng sống ở Pháp và đã về hưu, bà Mai Ninh là đại diện cho nhóm AVNES ở Việt Nam, kể tên những nơi chương trình Vi Tín Dụng đã có mặt:
Huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, rồi xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Sau đó chúng tôi mở hai trung tâm khác ở tỉnh Bến Tre, một ở xã Thành An huyện Mỏ Cày Bắc, hai là xã Vĩnh Hòa huyện Chợ Lách, và thứ tư là thôn Đạ Nghịch xã Lộc Châu thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Đấy là nơi có nhiều dân tộc thiểu số còn trong hoàn cảnh rất khó khăn.
Tại sao chương trình dành cho phụ nữ
Được biết mỗi lần vào một chương trình Vi Tín Dụng như vậy thì từ 15 đến 20 người được giúp đỡ theo kỳ hạn hai năm. Trong hợp đồng, ngoài tiền lời phải trả mỗi tháng, người mượn còn phải để dành 10% để có thể trả hết nợ khi đáo hạn. Cứ tuần tự, số tiền nợ nhóm này trả hết sau hai năm sẽ được Hội Phụ Nữ giao cho nhóm khác mượn:
Phải nói đối tác địa phương chính thức của AVNES là Hội Phụ Nữ. Tại sao Hội Phụ Nữ mà không phải Hội Thanh Niên hay là hội gì khác? Tại vì chúng tôi quan niệm rằng trong xã hội thôn làng ở Việt Nam người phụ nữ giữ một vai trò rất quan trọng, phụ nữ là người quán xuyến gia đình. Ngay cả những người có thể chỉ ở nhà nuôi con thôi, nhưng việc điều khiển về kinh tế về cách sinh sống, con cái... vẫn là phụ nữ chịu trách nhiệm nhiều nhất.
Mai Ninh cũng để ý thấy khi trong gia đình có vấn đề có sự cố gì thì chính phụ nữ cũng là người xông xáo đi ra ngoài để tìm cách cứu vãn tình thế. Do đó, Hội Phụ Nữ là những người có lẽ hiểu biết nhiều nhất về tình trạng sinh sống của từng gia đình trong làng xã đó. AVNES ở ngoài về không thể biết rõ nhưng có thể tìm đến Hội Phụ Nữ để tìm hiểu và từ đó việc giúp đỡ của mình được thiết thực hơn.
Tuy nói là cho vay vốn trong thời hạn hai năm, bà Kiều Nga bổ túc, nhưng trong trường hợp AVNES có thêm tiền thì bất cứ lúc nào tổ chức này cũng có thể phối hợp với Hội Phụ Nữ địa phương để cho thêm một nhóm khác cũng từ 15 đến 20 chục người vay tiền làm ăn. Cho đến khi nào làng này có được khoảng một trăm người nghèo vào chương trình Vi Tín Dụng và thành công thì AVNES lại đi qua làng khác để tiếp tục công việc:
Theo báo cáo năm 2012, về chuyến đi thăm và phát vốn Vi Tín Dụng cho bà con nghèo ở Bến Tre, việc trao 20 phần vốn đợt thứ năm đã diễn ra tốt đẹp tại xã Thành An, 14 phần vốn đợt hai được cấp phát tại xã Vĩnh Hòa.
Điển hình hộ của bà Nguyễn Thị Hai, khi được cấp vốn đã bỏ ra hai triệu rưỡi để mua hai con heo nái nhỏ. Tiền còn lại thì mua thức ăn nuôi heo. Dàn dà bà Hai đã trả sáu triệu vào chi phí này.
Trong khi đó hộ của bà Huỳnh Thị Minh Khoa, cũng vay tiền nuôi heo, nhưng sau thấy không có lợi bèn chuyển sang mua một máy may và một máy vắt sổ trị giá tất cả bảy triệu rưỡi. Từ khi có máy và lãnh hàng về làm ở nhà, bà Minh Khoa nói cuộc sống gia đình ổn định hơn trước.
Chương trình Vi Tín Dụng cho người nghèo nông thôn vay vốn làm kinh tế theo nhu cầu và khả năng của gia đình, thực sự có hữu hiệu? Bà Mai Ninh:
Chúng tôi nhìn thấy rõ sự thành công là vào năm 2011, khi mà chu kỳ đầu tiên chúng tôi cho vay vốn ở đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc. Tại vì mỗi lần vốn cho vay trong chu kỳ hai năm, khi mà chúng tôi bắt đầu ở Đồng Tháp đầu 2009, đến đầu 2011 thì coi như đã qua chu kỳ đầu tiên với kết quả chính xác là hơn 87% số người vay đã hoàn vốn đầy đủ.
Chúng tôi quan niệm rằng trong xã hội thôn làng ở Việt Nam người phụ nữ giữ một vai trò rất quan trọng, phụ nữ là người quán xuyến gia đình. Ngay cả những người có thể chỉ ở nhà nuôi con thôi, nhưng việc điều khiển về kinh tế về cách sinh sống, con cái... vẫn là phụ nữ chịu trách nhiệm nhiều nhất
bà Mai Ninh
Hoàn vốn xong họ còn đủ tiền để tiếp tục đi tới, tiếp tục làm ăn chứ không phải trở về bước đầu tiên là không có đồng vốn nào để sinh hoạt kinh tế.
Năm 2011, mỗi gia đình được vay 300 đô la, về sau tăng lên 350 đô la. Bà Kiều Nga:
Tại vì giá sinh hoạt tăng, mình thì muốn giúp cho người ta vốn đầy đủ, nếu ít quá người ta làm làm ăn không được. Chương trình Vi Tín Dụng của nhóm HOPE bắt đầu năm 2012. Khi đó mình chỉ cho 14 gia đình ở Bến Tre vay.
Đến tháng Mười Một 2014 là đúng hai năm, khi mình đến để thu tiền vốn thì 100% , 14 gia đình, đều hoàn lại hết. Chẳng những thế, trong thời gian đó mỡi tháng họ đều đóng tiền lời đầy đủ.
Sau đó, đến 2013 rồi đến 2014 và đến 2015 là năm nay thì tổng cộng thì chương trình Vi Tín Dụng của nhóm HOPE đã cho tổng công 68 gia đình, kể cả 14 gia đình đã hoàn vốn lại. Trong những gia đình mới được cho vay vốn thì đến ngày hôm nay tất cả mỗi thang họ đều trả tiền lới đúng như dự định và khi theo dõi thì thấy họ làm ăn cũng được, không có người nào gặp khó khăn.
Năm 2015, do giá sinh hoạt tăng, số vốn Vi Tín Dụng cho vay cũng được tăng lên mức hơn bốn trăm đô la, tương đương khoảng 90 triệu đồng Việt Nam.
Tháng Tư 2015, đoàn các thành viên thiện nguyện trong AVNES ở Pháp cùng bà Kiều Nga trở về Bảo Lộc, cấp vốn Vi Tín Dụng cho 20 hộ dân người Thượng ở thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, tiếp đó 20 hộ dân khác tại thôn 4 xã Lộc Châu:
Hai chục gia đình đồng bào Thượng đó thì khoảng 50% không biết độc, không biết viết. Khi mình giải nghĩa cho họ biết mượn tiền như vậy họ phải làm gì thì họ đồng ý nhưng họ không ký tên được, họ phải lăn tay thôi. Thường thì họ làm cà phê hoặc làm trà, nhóm này là nhóm thứ nhì . Nhóm thứ nhất họ đã trả được 100%, bây giờ bắt đầu nhóm thứ nhì.
Được hỏi về vấn đề tài chánh để trang trải cho việc cấp vốn Vi Tín Dụng cũng như sự di chuyển và việc làm của những người thiện nguyện, bà Trần Kiều Nga nói:
Tiền từ đâu mà ra thì có khi do từ nhóm HOPE tức là tiền chúng tôi quyên từ bên Mỹ, hoặc tiền đó do nhóm AVNES là tiền quyên từ bên Pháp đưa về, cùng một mục đích, cùng làm chung với nhau, khi đi thì đi cùng với nhau. Tất cả những anh chị em thiện nguyện đều tự trả hết những chi phí, còn tất cả tiền xin được thì 100% để cho vay vốn.
Công việc thiện nguyện nào cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định của nó. Điểm khó nhất mà những người Việt có lòng trong nhóm AVNES ở Pháp hay nhóm HOPE ở Mỹ là :
Trước khi về Việt Nam làm chương trình này thì mình gặp rất nhiều người đã làm thiện nguyện ở Việt Nam. Hầu như người nào cũng khuyến cáo là bao nhiêu cơ quan họ đem về họ chỉ cho tiền người ta thôi mà còn gặp khó khăn huống hồ về cho người ta vay rồi sau đó bắt trả tiền lời bắt trả tiền vốn ...không cách chi mà thanh công được.
Khó khăn thì nhiều lắm, tại vì nhóm của chúng tôi, kể cả nhóm HOPE hoặc nhóm AVNES đều không phải là cơ quan thiện nguyện được chính phủ công nhận. Một phần là vì chúng tôi quá nhỏ, hai nữa chúng tôi không có đủ người để làm những thủ tục giấy tờ mà họ đòi hỏi rất nhiều.
Chúng tôi ở ngoại quốc về chỉ có một mục đích duy nhất là giúp người nghèo thôi, họ đồng ý thì chúng tôi mới làm được. Chẳng những thế chúng tôi phải nói chuyện với họ trước, tiếp xúc với họ trước để coi họ có cố tình muốn giúp đỡ những người nghèo trong thôn trong xóm của họ, họ vui lòng cộng tác với chúng tôi, giúp chúng tôi trong việc lên danh sách, trong việc báo cáo những người gặp khó khăn . Thành ra chuyện tìm được những người lãnh đạo địa phương mà phần lớn là trong Hội Phụ Nữ, có thiện chí, có lương tâm, chịu khó muốn giúp đỡ đồng bào nghèo trong trong xã của họ để mình cộng tác với họ, điều đó hết sức là quan trọng cho sự thanh công của chương trình Vi Tín Dụng này.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, chương trình Vi Tín Dụng cho phụ nữ nghèo ở nông thôn Việt Nam, đến đây tạm ngưng.
Thanh Trúc sẽ trở lại thứ Năm tuần tới. Liên lạc góp ý : nguyent@rfa.org