Du lịch kết hợp trợ giúp cộng đồng nơi vùng xa

Họ là những bạn trẻ thích du lịch, thích cùng nhau đi du ngoạn bằng xe đạp hay xe gắn máy, họ thường được gọi là “dân phượt”.

Các bạn trẻ này thích đến những vùng miền xa xôi của đất nước, vừa thăm thú ngắm cảnh vừa chụp hình vừa tìm tòi khám phá những việc công ích có thể kết hợp với nhau cùng thực hiện cho những cộng đồng dân cư nghèo khó tại những vùng sâu vùng xa trong nước.

Hợp sức, sẻ chia vì người nghèo

“Chỉ luôn mong là nhóm ‘Hạnh Phúc Sẻ Chia’ bọn em có thể mang hết sức lực nhỏ bé của mình để đóng góp việc xã hội chung, cũng như có thể định hướng được cho các nhóm những bạn sinh viên trẻ, thay vì đơn giản đi chơi đi chụp ảnh thì các bạn có thể vừa làm được những việc có ích hơn cho xã hội, các bạn sẽ thấy cuộc sống này nó đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều.”

Đó là lời bạn Đặng Ngọc Sơn của nhóm ‘Hạnh Phúc Sẻ Chia’, trường hợp điển hình thứ nhất của câu chuyện Thanh Trúc mang đến cho quí vị hôm nay.

Thành lập từ năm 2012, lúc đầu Hạnh Phúc Sẻ Chia chỉ là một nhóm nhỏ:

“Bọn em bắt đầu liên kết với từng nhóm bác sĩ của Bệnh Viện Bạch Mai, Bệnh Viện Quân Y 108, Bệnh Viện Saint Paul... Từ cuối 2012 đến tận bây giờ chủ yếu bọn em lên vùng núi phía Bắc, những tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, làm chương trình từ thiện gồm khám, chữa bệnh và phát thuốc cho người dân, đồng thời phát quả rồi hỗ trợ về mặt áo ấm, thực phẩm, chăn nệm các thứ cho trẻ em ở trường học.

Năm vừa rồi bọn em có thêm một mục nữa là trang bị cho Khối Mầm Non những là xích đu, ghế quay, đồ chơi, sân chơi cho trẻ con ở trên ấy. Bọn em cũng không đến những điểm trường cấp huyện cấp xã mà chủ yếu là đi vào những điểm trường sâu hơn. Nơi đó họ thiếu và họ cần hơn là những trường ngoài.”

Tháng Bảy 2016, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia kết hợp thêm cùng hai nhóm khác để xây một ngôi trường nhỏ cho vùng sâu vùng xa của Hà Giang, trường Tiểu Học Mầm Non Sơn Vĩ thuộc xã Sơn Vĩ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang:

“Dự án của Hà Giang thì bọn em đi khảo sát từ tháng Ba 2016, đi sâu vào trong Sơn Vĩ là một điểm trường rất khó khăn. Nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia kết hợp cùng 2 nhóm là nhóm Lá Lành Đùm Lá Rách và nhóm Bàn Tay Nhỏ . Bàn Tay Nhỏ là một nhóm mới của các bạn học sinh sinh viên có chung đam mê phượt, cuối cùng họ đi và tập hợp với nhau thành một nhóm.”

Để có phương tiện xây một trường mới cho vùng nghèo Sơn Vĩ, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia khởi sự đi vận động, kêu gọi sự đóng góp tài chính từ các tổ chức kinh doanh trong cộng đồng:

“Nhóm của em vận động được các doanh nghiệp chẳng hạn công ty in thuộc Bưu Điện Việt Nam, Trường Trung Học Phổ Thông Quốc Tế Olympia, đội ngũ các bác sĩ Bệnh Viện Quân Y 108, Bệnh Viện Quân Y 103, Bệnh Viện Bạch Mai. Đó là 5 đơn vị chính hỗ trợ cho bọn em gần như toàn bộ kinh phí xây dựng trường. Khi bọn em đưa ra ý tưởng như thế thì họ rất nhiệt tình ủng hộ.”

Các bạn trẻ của nhóm Lá Lành Đùm Lá Rách và Bàn Tay Nhỏ chịu trách nhiệm cung cấp nhân lực. Các bạn đã xây trường bằng chính công sức của mình:

“Bọn em bắt đầu triển khai dự án đấy từ tháng Bảy, khi mà các bạn sinh viên được nghỉ hè. Trong vòng hai tháng, bọn em luân phiên nhau, lên đấy tự trát, xây, lợp mái. Trước đây nó chỉ là một ngôi nhà vách nứa , mái lợp bro xi măng, thậm chí những lúc rét phải căng cả ni lông để che. Bọn em xây lại bằng cách san mặt bằng, đổ sàn xi măng, xây tường gạch và lợp mái tôn.

Trong quá trình bọn em làm thì cũng nhờ sự giúp đỡ của đội ngũ công nhân xây dựng thủy điện. Người ta giúp mình vận chuyển những vật liệu như gạch, xi măng... còn lại 100% là chính các bạn sinh viên tự trộn vữa, tự trát, tự xây tường, tự lợp mái. Tất cả đều là công sức của các bạn sinh viên, kết hợp cùng người dân bản ở đấy,làm nên một ngôi trường cho chính con em của họ.”

Tiếp tục các sứ mệnh tình người

Tháng Chín năm 2016, trường Tiểu Học Mầm Non Sơn Vĩ thuộc xã Sơn Vĩ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hoàn tất, khánh thành vào đúng ngày 5 tháng Chín 2016 để kịp cho năm học mới:

“Đấy là điểm trường gồm hai cấp, Cấp Mầm Non và Cấp Một. Mầm Non có được 17 em, Cấp Một có được 32 em. Các em Mầm Non là nội trú, một tuần về nhà một lần. Các cháu đi học đều được miển phí hết, những cháu vào nội trú thì được thêm một phần hỗ trợ tiền của nhà nước mà cũng không đáng kể lắm.”

Xây trường, trang bị lớp học, sân chơi bên cạnh những phương tiện cần thiết khác cho học sinh sắc tộc miền núi là điều quan trọng hàng đầu.

Nói một cách khác, cảnh sống khó nghèo và thiếu thốn mọi bề tại những thôn làng khuất lấp nhưng đẹp tuyệt vời trên vùng cao Tây Bắc, điển hình như vùng Sơn Vĩ, đã tác động mạnh đến tâm tư của những bạn trẻ mê phượt này:

"Vùng Sơn Vĩ chủ yếu là dân tộc H'mong thuộc vùng sâu và vùng xa nhất của tỉnh Hà Giang. Đi vào đấy rất khó, ví dụ gặp trời mưa là không thể vào được, xe máy, ô tô không thể vào được.

Độ 3 năm đổ lại đây, khi nhà nước bắt đầu xây thủy điện trong đấy thì bắt đầu con đường nó mới khá khẩm hơn nhưng do xe tải vật liệu xây dựng vận chuyển liên tục thành ra con đường rất xấu. Trời mưa thì gần như cái việc bị sạt hoặc bị cô lập là việc rất dễ và thường xuyên xảy ra.

Người dân tộc ở đấy một năm chỉ có thể trồng một vụ mùa thôi, đa phần người ta trồng ngô, đậu Hòa Lan và khoai. Nuôi thêm con gà con lợn thì mang ra chợ đổi nhu yếu phẩm hay thực phẩm chứ người ta không kinh doanh buôn bán gì được đâu.”

Công việc nhỏ, đánh thức nhiều trái tim

Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương Lịch 2017 vừa qua, Đặng Ngọc Sơn cho biết anh và các bạn đã quay lại Sơn Vĩ với những vật dụng cho mùa Đông lạnh cắt da trên vùng cao:

“Bọn em quyên góp áo ấm, sách, vở, gạo, thực phẩm, bọn em hỗ trợ thêm chăn rồi. Tết Tây vừa rồi được nghĩ 3 hôm thì bọn em đã quay lại đấy, mang đồ chơi, truyện, vở, bút áo ấm, chăn, giày cho các em học sinh tại chính ngôi trường Sơn Vĩ đấy”.

Từ giờ cho đến Tết ta, nhóm của Đặng Ngọc Sơn lại có một dự án liên kết với các nhóm khác ở Hà Nội và sẽ luộc bánh chưng kèm thêm một số thực phẩm cần thiết rồi mang lên cho bà con tại một số xã xa xôi ở tỉnh Cao Bằng.

Đạp Xe Xuyên Việt- Hành Trình Kết Nối Yêu Thương, là tên của một câu lạc bộ do các bạm trẻ trong nước khởi xướng từ Hà Nội mà quí vị có thể truy cập trên mạng.

Ngoài những chương trình đã được phát động như Racing Up 1.000 ngày vì sức khỏe, những tuyến vượt đèo vượt nuối bằng xe đạp, những khoảnh khắc sinh hoạt không thể quên qua ba miền đất nước, Đạp Xe Xuyên Việt-Hành Trình Kết Nối Yêu Thương còn mang lại cho người tham gia những trải nghiệm và những kết thân đáng nhớ để có thể biến ý nghĩ san sẻ giúp đỡ thành hiện thực.

Cho tới lúc này, con số thành viên của câu lạc bộ đã lên khá đông, được chia làm ba nhóm hay ba cụm gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, mỗi chuyến đi dọc ba miền đất nước có thể qui tụ sáu bảy chục người từ ba miền Trung, Nam Bắc.

Từ Sài Gòn, bạn trẻ Kiều Phương, trong năm 2016 hoàn tất chuyến xuyên Việt bằng xe đạp từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ Hà Nội trở vô Cà Mau rồi về lại Sài Gòn:

“Có bạn thích đi du lịch, thích phượt ở tất cả mọi miền của tổ quốc, có bạn thích thử sức coi mình có thể chịu đu6ng, có thể đối mặt với những khó khăn như thế nào, cái khả năng cái giới hạn của bản thân mình tới đâu. Có những người muốn kết nối bạn bè tức là muốn dung hòa bản thân mình trong môi trường tập thể.”

Trong tất cả những điều vừa nói, Kiều Phương cho biết tiếp, mọi người đã gặp nhau ở một điểm chung là:

“Thích đi du lịch và thích làm những công việc từ thiện, ví dụ như ở Hà Nam, Ninh Bình và vùng Kỳ Nam, Hà Tĩnh. Tụi em phát quà, trao tặng tập vở trắng cho trẻ em nghèo, trao tặng xe đạp cho trẻ nghèo mà học giỏi và hiếu học.

Ở Ninh Bình thì tụi em đi vận động người dân xin những bộ sách giáo khoa cũ, tập hợp lại và trao tặng cho những đứa trẻ ở Ninh Bình. Ba chỗ tụi em đều làm như nhau, tổ chức những hoạt động ca hát vui chơi ở Nhà Văn Hóa và Ủy Ban của tỉnh đó.

Những hoạt động như vậy giúp tụi em thấy bản thân tụi em sung sướng hơn những đứa trẻ nghèo rất nhiều. Những món quà nhỏ đó giúp ích rất lớn trong việc học tập của bé. Thực ra làm từ thiện thì tụi em làm hết cả đoàn luôn, gần 60 người, đa số là những bạn sinh viên các trường đại học từ năm nhất tới năm ba, đa số là như vậy.”

Về hoạt động của Đạp Xe Xuyên Việt-Hành Trình Kết Nối Yêu Thương, từ Hà Nội cô giáo Giang Thị Nhiên, một người yêu thích những công việc có tính cách giáo dục và xã hội, nhận xét:

“Ở Việt Nam có nhiều tổ chức tình nguyện, thiện nguyện có ích và rất giỏi. Các bạn ấy làm một việc nhỏ thì không hẳn là nhỏ nhưng rất hay. Các bạn đẹp xe xuyên Việt, đạp xe từ tình này tỉnh kia thì trong lúc đi tôi nghĩ các bạn đã có sự tìm hiểu rồi.

Mặc dù các bạn tình nguyện viên đó chỉ làm trong những dịp hè hoặc những dịp nào rất ngắn nhưng cũng đánh thức được nhiều trái tim và đánh thức được nhiều những con người chưa nhìn thấy được những khó khăn những vất vả của người khác. Các bạn thức tỉnh được những người chưa có khái niệm mình vì mọi người mà chỉ loanh quanh trong cuộc sống bản thân mình.

Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm kết thúc ở đây. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn trở lại tối thứ Năm tuần tới.