Đầu tháng Mười vừa qua, gần 1.500 nhà bè, nhà nổi của người Việt ở Kampong Chnang, Kampuchia, được lênh di dời sang vùng Phnom Pwan cách chỗ cũ khoảng 3 km.
Nhập tịch và đóng thuế
Việc dời làng nỗi là một trong những cách giải quyết tình trạng không chính thức của người Việt, vì ngoài chuyện lên bờ, người Việt còn phải đi khai báo làm thủ tục giấy tờ, phải đóng tiền 2 năm một lần, mỗi lần 250.000 Ria, sau 7 năm đóng đủ thì sẽ được vào quốc tịch Kampuchia.
Đến đầu tháng Mười Hai này, người Việt ở tỉnh Prey Veng, không bị ảnh hưởng bời chính sách di dời vì không ở dưới sông, cũng được chính phủ Kampuchia loan báo cho nhập tịch với qui định đóng thuế hợp thức hóa ba lần, mỗi lần 250.000 Ria như bà con trên Kompong Chnang.
Từ Neak Leong, mà bà con người Việt đọc trại ra là Hố Lương, linh mục Paul Hoàng, quản nhiệm nhà thờ Thánh Gia Hố Lương và 5 giáo điểm khác thuộc Neak Leong tỉnh Preveng, cho biết tuần trước có đoàn của tòa đại sứ Việt Nam ở Kampuchia cùng đi với bên Hội Việt Kiều Kampuchia đến báo tin này cho bà con:
Nếu kêu mấy người này ở bất hợp pháp thì không đúng gì mấy tại vì họ ở đây hai ba đời cha ông rồi. Theo hiến pháp chỉ 10 năm mà họ đã ở đây 20, 30 năm, thì chính phủ khoảng một hai năm nay đang tính cho hợp thức hóa mấy người này. Khoảng chừng sáu tháng nay họ bắt đầu xuống lấy danh sách những người gọi là ở lâu, những người có đăng ký sở cư trú với với làng xã nhưng vẫn để tên Việt Nam. Họ ở từ năm 83, từ năm 85, từ năm 90 lận.
Bà con khổ sở, lo ngại là không có tiền để đóng thuế cho mỗi một người từ 18 tuổi đổ lên, mỗi một người đóng một lần là 250.000 Ria và có giá trị 2 năm, thì có những gia đình nghèo lại đông con cháu dâu rể này kia thì bà con không có tiền.Thành thử bà con có những người không dám lại đăng ký
Ông Nguyễn Văn Quen
Thì mới vừa tuần rồi có tin vui là tòa đại sứ thông báo là các công ty lớn, ở Việt Nam qua đây làm ăn, sẵn sàng giúp tiền đóng thuế. Theo tòa đại sứ xuống báo cáo thì họ đang gom góp lại và đóng cho một lần chừng 100 gia đình hay 100 người gì đó. Đó là mới bắt đầu, đang tiến trình làm.
Như vậy, để có giấy tờ hợp lệ cho việc nhập tịch sau này, bà con người Việt ở Preveng cũng phải đóng 250.000 Ria mỗi đầu người, đóng hai năm một lần. Đóng đủ ba lần trong vòng 6 năm, sang đến năm thứ bảy thì được vào quốc tịch:
Đóng rồi họ sẽ ra cho một cái thẻ có nghĩa là đã đăng ký để nhập tịch, còn chưa đóng thì chưa có thẻ.
Khi được tiếp xúc để hỏi cho rõ hơn, ông Tanh Sarin, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Quen, trưởng Chi Hội Việt Kiều tỉnh Prey Veng xác nhận:
Vần đề này rất là thực tế. Vừa rồi ban chấp hành tỉnh hội chúng tôi có đi với đoàn công tác của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Kampuchia, một lần là xuống huyện Tim Rô của tỉnh Prey Veng, có mời bà con hai xã Tà Bao và Tim Rô, coi như động viên bà con tuân thủ luật định cư tại Vương Quốc Kampuchia, đồng thời coi như việc bà con khổ sở, lo ngại là không có tiền để đóng thuế cho mỗi một người từ 18 tuổi đổ lên, mỗi một người đóng một lần là 250.000 Ria và có giá trị 2 năm, thì có những gia đình nghèo lại đông con cháu dâu rể này kia thì bà con không có tiền.Thành thử bà con có những người không dám lại đăng ký, họ sợ không có tiền đóng.
Do đó đoàn công tác Cục Quản Lý Việt Kiều Kampuchia xuống thông tin cho bà con là nên đi đăng ký để thống kê. Bà con đừng lo không có tiền đóng mà Đại Sứ Quán cùng với Tổng Hội Người Kampuchia gốc Việt Nam tại Kampuchia là đang tổ chức vận động các nhà mạnh thường quân, những ông giàu từ Việt Nam sang Kampuchia làm ăn, thì coi như họ sẵn sàng tài trợ tiền đó cho bà con đóng thuế.
Vẫn theo lời ông trưởng Chi Hội Việt Kiều tỉnh Preveng Tanh Sarin, tức ông Quen, hiện Chi Hội Việt Kiều đang lập danh sách những bà con đã có giấy thông báo của Bộ Nội Vụ Kampuchia :
Có người đã có thông báo từ năm 2007 tới giờ mà không có tiền để đóng, do đó là cứ cầm cái thông báo đó hoài chứ không có tiền đi nộp thuế. Bây giờ tôi đang thống kê để lên danh sách cho cụ thể rõ ràng để báo cáo lên cho tổng hội, rồi tổng hội mới quan hệ với nhà tài trợ.
Thí dụ ở tỉnh tôi có 200 người đã có thông báo thì nhà tài trợ mang đủ tiền cho 200 người đó, cử người xuống cùng với tỉnh hội chúng tôi đến Phòng Quản Lý Ngoại Kiều của tỉnh, đồng thời mời bà con có thông báo đến và có mặt tại chỗ thì công an ngoại kiều mới cấp cho cái lai (biên lai). Xong xuôi đủ 200 người thì nhà tài trợ giao tiền đủ cho 200 người đó cho công an để công an giao nộp lên trên.
Mừng mà lo
Đúng như lời linh mục Paul Hoàng, quản nhiệm nà thờ Hố Lương Thánh Gia và năm giáo điểm khác trong tỉnh Preveng, được chình phủ Xứ Chùa Tháp hứa cho vào quốc tịch nếu đóng đủ ba lần thuế mỗi lần 250.000 Ria, được sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh cam kết vận động giúp cho có tiền đóng, là một tin đáng phấn khởi. Thế nhưng khi niềm vui lắng xuống thì hoang mang lại nỗi lên trong lòng những người tuy được gọi là người Khmer gốc Việt vốn nghèo và không có công ăn việc làm vững chắc. Câu hỏi mà bà con chuyên sống trong cảnh gạo chợ nước sông vẫn hỏi nhau là lấy gì chắc chắn chuyện nhập tịch, lấy gì bảo đảm được hỗ trợ tiếp khi đáo hạn và phải nộp thêm hai đợt 250.000 Ria còn lại? Ông Tanh Sarin:
Thật sự bị bà con sợ không có tiền nên không dám đăng ký, cho nên nó bất hợp pháp là như vậy. Thì ông Nguyễn Mạnh Cường là tham tán của Sứ Quán nhấn mạnh với bà con, động viên bà con là sứ quán sẽ vận động để giúp tài trợ cho bà con đầy đủ để bà con được định cư hợp pháp này kia.
Thật sự mà nói trước mắt thì bà con rất vui mừng nhưng bà con vẫn còn lo ngại bây giờ đóng được một lần rồi lần sau có tạo điều kiện để giúp cho bà con nữa không? Bị họ công bố mình ngoại kiều là phải đóng đến 7 năm họ mới xét cho nhập tịch. Thời gian xét thì đòi kêu bằng đủ cái điều kiện, thêm phong tục, tập quán rồi tiếng Kampuchia chữ Kampuchia này kia đủ thứ... Thì tôi nghĩ người được nhập tịch rồi là phải nói từ cây mía mà trở thành đống xác mía thôi. Được nhập tịch rồi coi như là hết khả năng hết sức lực rồi. Giờ trước mắt là mừng dữ dằn lắm, nhưng có cái vẫn còn lo nghĩ rồi hai năm kế sau này rồi hai năm tiếp nữa là phải lo tiền mà tổng cộng như vậy là 7 năm, biết ai giúp cho mình nữa hay không? Cái tình cảnh của bà con cộng đồng người Việt nó vậy đó.
Theo linh mục Paul Hoàng, dù có nói thế nào thì cuộc sống của người Việt ở Kampuchia mấy chục năm qua chỉ là tạm bợ:
Thật sự mà nói trước mắt thì bà con rất vui mừng nhưng bà con vẫn còn lo ngại bây giờ đóng được một lần rồi lần sau có tạo điều kiện để giúp cho bà con nữa không? Bị họ công bố mình ngoại kiều là phải đóng đến 7 năm họ mới xét cho nhập tịch
Ông Tanh Sarin
Chỉ là tạm bợ không có tương lai là như thế này. Các em mới học mới tiểu học thì một số thấy giáo hơi khắc khe đã đòi giấy khai sanh, không có thì muốn cho nghĩ học. Tôi đến xin hiệu trưởng thì vài trường hợp họ thông cảm họ cho học.
Rồi một số đông các em lên Cấp Hai, vì không thấy được tương lai, cho nên không có tinh thần để học. Cha mẹ thì chẳng có tinh thần gì về tương lai cả, mua bánnhẩn nha để sống qua ngày vậy thôi.
Ví dụ nho nhỏ thôi, giờ các em thanh niên muốn đi vào công ty làm mà không có thẻ chứng minh không có quốc tịch họ đâu có cho vô. Cho nên một số cũng phải lén làm tên người, vài trường hợp cũng được đi làm việc. Còn đi học chắc chắn là phải đổi tên rồi, có nghĩa họ Nguyễn gì đó thì mình lấy họ Kampuchia, đọc tên trại trại như người Kampuchia rồi vô học chứ không để tên người Việt được.
Chính vì thế, linh mục nói tiếp, dẫu gì được cấp thẻ có biên nhận nộp thuế nhập tịch là bước đầu, đến khi nhập tịch dù có muộn màng nhưng đó là tấm vé bước vào đời sống cho ra sống, cho ra nhân dáng người dân của đất nước đang dung chứa mình:
Nếu tình trạng này mà được giải quyết thì tương lai sáng hơn, cộng đồng người Việt sẽ có một tinh thần khác một cách sống khác hơn.
Thứ nhất là con em của họ được vào trường học hẳn hòì. Có quốc tịch thì họ có quyền công dân như một người Kampuchia, họ sẽ đóng góp xây dựng đất nước này. Sở hữu đất đai , làm kinh tế, làm ăn đủ thứ chuyện hết, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Nhiều người Việt Nam, đặc biệt những người sống ở hải ngoại, khi đến thăm những làng nghèo của người Việt bên Kampuchia thì hay thắc mắc là khổ như vậy, lầm than như vậy mà sao không về Việt Nam sống cho đỡ hơn. Linh mục Paul Hoàng nói đây là câu hỏi muôn đời cho một câu trả lời muôn đời:
Đây là câu hỏi đa số đặt ra. Cha ông của họ ở trên này ít nhất hai ba đời, khi chạy về Việt Nam năm 70, năm 75 thì có một số ở lại, một số trở lên vì quen sống trên này.
Phần nữa, khi đã sống trên này mười mấy hai chục năm nay giờ về Việt Nam lại thì có vẻ khó sống hơn tại vì không nơi nương tựa, không có đất đai. Cho nên chẳng thà họ sống bám ở đây vì cũng có được miếng đất nho nhỏ để ở dù số đông vẫn là ở tạm bợ vậy thôi.
Nhắc tới Hố Lương, tức vùng Neak Leong của Kampuchia, thì bà con Việt bên Lương cũng như bên Giáo sống lẫn vào với nhau. Nếu kể riêng về người Khmer gốc Việt theo lời vị chủ chăn Hố Lương thì
Giáo xứ Hố Lương là giáo xứ lớn nhất, sau đó trên Quốc lộ Một đi về Việt Nam thì có một giáo họ nhỏ của người Kampuchia, sau đó nữa tới tỉnh Xoài Riêng cũng có họ đạo Bavet khoảng chừng hai ba chục gia đình. Dài cho tới biên giới Việt Nam ở Mộc Bài thì có bốn năm chục gia đình đang sắp sửa xây nhà thờ.
Sau đó có hai nơi nữa là con đường Sông Bé đi về Hồng Ngự, dọc đường đó hai giáo họ nhỏ. Một giáo họ tiếng Kampuchia gọi là Katlen, nhưng tiếng Việt gọi là Cả Cùm, rồi một họ nữa cũng vừa mới được xây một nhà thờ nhỏ nhỏ nằm tuốt ở phía biên giới gần Cả Xách, tên Việt Nam, giáo xứ đó gọi là giáo xứ An Nhơn, tiếng Kampuchia gọi là Kossom Speu, ở đó có ba bốn chục gia đình sống dọc bờ Sông Bé. Hàng tuần tôi phải chạy xuống mỗi Chúa Nhật ba nơi, có chỗ hai tuần một lần.
Thanh Trúc vừa mời qui vị đi thăm khu vực Hố Lương, và những vùng nghèo của người Việt ở Kampuchia dọc theo Quốc lộ Một thẳng về Việt Nam . Xin phép tạm ngưng mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở phút này. Hẹn gặp lại quí vị thứ Năm tuần tới.