Ngô Tâm An, nữ sinh lớp 9 trung học La Quinta ở thành phố Westminster, Nam California, là câu chuyện điển hình của một trong những học sinh Mỹ gốc Việt vừa học giỏi vừa có tinh thần cầu tiến trong môi trường giáo dục có thể đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng cho người ham học và biết nắm bắt cơ hội.
Trường tư danh tiếng
Tháng Ba năm nay, Tâm An nhận được học bổng toàn phần cho 3 năm trung học từ lớp 10 đến hết lớp 12 của trường Hotchkiss. Đây là một trong chuỗi 10 trường tư nổi tiếng, được coi là trường điểm của nước Mỹ.
Vào được những tư thục nội trú như Hotchkiss không chỉ con nhà khá giả mà còn phải học giỏi.
Mặt khác, học sinh nào được học bổng của một trong những tư thục này là một vinh dự vì mức học phí đắt tương đương đại học. Mỗi năm, học sinh tốt nghiệp từ Hotchkiss được nhận vào vào các đại học danh tiếng như Yale, Havard, Cornell, Stanford vân vân...
“Em là Ngô Tâm An, năm tới em sẽ vô học Lớp 10 ở Hotchkiss School, là trường tư ở Connecticut mà ai đi học thì sẽ ở nội trú tại đó.”
Là một trường điểm mà lại là trường nội trú, cách thức tuyển chọn của Hotchkiss khá là khắc khe, sĩ số mỗi lớp chỉ 12 hoặc 13 học sinh là nhiều. Ngoài chương trình học ở trường, học sinh còn được gởi đi dự thính tại các lớp trong đại học hoặc được làm việc trong phòng thí nghiệm của các đại học:
“Trường này cho mình học sâu, học nhanh, mình cũng học như trung học. Sau mấy lớp cao nhất là người ta cho mình lấy mấy lớp college luôn, cho mình làm research làm nghiên cứu luôn hay là đi học chỗ nào cao hơn.”
Nữ sinh xuất sắc
Con đường từ phổ thông cấp 2 La Quinta đến trường điểm cấp 3 Hotchkiss không quá khó đối với Tâm An, nhưng ngẫm lại cũng không đơn giản, khi mà cô nữ sinh xuất sắc, năng động, thích bơi lội, có đai đen Taekwando và cũng là một đoàn sinh Hướng Đạo Việt Nam ở Hoa Kỳ, phải luôn cố gắng hết mình trong việc tìm tòi, học hỏi, phải làm quen với nhiều trường đại học, đồng thời phải sắp xếp thời gian như thế nào để hoàn thành những công việc em yêu thích.
Dù bận rộn như vậy, mùa hè cũng không hẳn là thời gian nghĩ ngơi mà còn là những ngày hăng hái tham gia chương trình học ba tuần của CTY, Center For Talented Youth, Trung Tâm Thiếu Niên Tài Năng, của Đại Học John Hopkins, chìa khóa mở ra cánh cửa cho Tâm An bước vào trường điểm Hotchkiss ở tiểu bang Connecticut:
“Từ khi nhỏ ba mẹ của em cho em đi học đàn, đi Hướng Đạo, đi học Toán, đi CTY, chỗ nào em đi được mà gặp nhiều người muốn học thêm thì cha mẹ cho em đi.”
CTY, Trung Tâm Thiếu Niên Tài Năng, là chương trình học hè, đúng hơn là một trại hè 3 tuần do Đại Học John Hopkins bảo trợ, dành cho học sinh giỏi trên toàn nước Mỹ, từ lớp 2 đến lớp 6 và lớp 7 đến lớp 12.
“Em cảm giác mấy người chung quanh em không phải không giỏi bằng mà là không muốn học như mấy bạn ở CTY. Em suy nghĩ cần có trường mà có mấy đứa muốn học giỏi thì em đi tìm mấy trường boarding.
Em muốn đi CTY tại vì em thích sống và ở với mấy người giỏi mà cũng muốn học như mình. CTY là chương trình trong mùa hè mà có nhiều chỗ lắm, có chỗ trong Los Angeles, Pensylvania và Rhodes Island.... Đây là một chương trình độc lập trên toàn quốc Hoa Kỳ.”
Để vào được chương trình hè của Trung Tâm Thiếu Niên Tài Năng CTY, học sinh phải vượt qua hai kỳ thi thử thách . Nói một cách khác, ứng viên của chương trình của CTY là những học sinh có trình độ học vấn cao hơn độ tuổi của mình, phải tham gia những kỳ trại hè 3 tuần để sinh hoạt học tập cùng với những học sinh xuất sắc khác của nước Mỹ:
“Trong 3 tuần đi học thì mình chọn cái lớp mình cần và mình thích. Sáu ngày mỗi tuần mình học trong lớp 8 tiếng một môn học. Em bắt đầu năm 2013 cho lớp 6, em đi Loyola Marymount University ở Los Angeles. Mỗi mùa hè đi học gặp lại bạn em vui lắm, đây là chương trình em thích nhất trong cuộc đời. Em đi 3 lần rồi, 3 mùa hè.”
Đến sau lớp 8 thì thay vì CTY, Tâm An đã ghi danh vào Early Entry Program tại Cal State University nhưng rồi trở lại với CTY mùa hè năm lớp 9:
“Ở Early Entry Program em thấy không vui bằng CTY, ở CTY ai cũng thấy thoải mái hết.”
Nhiều nỗ lực
Và để được học bổng của một trường tư có đẳng cấp hàn lâm như trung học tư Hotchkiss chẳng hạn, Tâm An kể là em phải nỗ lực gần như quá sức mình:
“Em nộp đơn vào 13 trường và khi apply là em quá mệt chưa từng thấy. Tại vì mình cần thi, cần viết, cần được phỏng vấn, cần hỏi thư từ cô giáo, nhiều lắm. Khi apply em xin nhiều tiền vì đi học ở đó đắt lắm, mình cần mỗi năm khoảng 60.000 USD thì em hỏi cho Full Financial Aid, trợ cấp tài chánh toàn phần.
Em bị 1 trường reject không cho vô, 11 trường không cho tiền và một trường cho tiền hết là Hotchkiss.”
Đó là ngày 18 tháng 3 mà Ngô Tâm Anh đã khóc vì hạnh phúc:
“Ngày đó là cả hết 13 trường gởi thư nói em vô hay không vô, cho tiền hay không cho tiền. Buổi sáng đó là 11 trường nói không đủ tiền cho em, em quá mệt không muốn nhìn thêm, em sợ không có trường nào cho em đi hết. Khi ba em nói em nhìn thư của Hotchkiss đi, em mở Laptop thấy chữ “Congratulations”. Em nhìn mà không hiểu tại vì quá mệt. Khi em bấm thư đọc thì em khóc vì vui quá. Sáu tháng rồi em apply, em đi phỏng vấn, em viết bài thi... Em cố gắng hết sức rồi, được trường Hotchkiss nhận em và gia đình em quá vui.”
Ngô Tâm An đã thắng học bổng khoảng 170.000 cho 3 năm cuối trung học ở trường Hotchkiss trước khi có thể chọn một đại học nào em thích khi tốt nghiệp.
Hè năm nay, dù không được nghỉ ngơi trọn vẹn do phải chuẩn bị cho những ngày học xa nhà ở trung học Hotchkiss, Tâm An vẫn không thể dấu được sự phấn khích:
“Mỗi năm Hotchkiss sẽ cho em 56.545 USD và cái đó chỉ là học phí thôi, sau đó Hotchkiss sẽ cho 800 để mua sách, 180 cho máy tính và 750 để tiêu. Vé máy bay từ California đến Connecticut thì trường trả cho em hết, mùa hè em muốn đi đâu người ta cũng trả luôn.”
Ước mơ nghiên cứu
Mộng ước tương lai của Ngô Tâm An là trở thành nhà nghiên cứu về di truyền học mà cô nghĩ Hotchkiss sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho giấc mơ này:
“Em muốn nghiên cứu về gene, em muốn học về genetic khi em lớn lên, em muốn nghiên cứu về di truyền học để chữa bệnh ung thư”.
Thực tế, từ lúc còn nhỏ Tâm An hay bị cô giáo phê bình là thường xuyên lơ đãng trong lớp học. Thân phụ của Tâm An, ông Ngô Công Đức, giải thích:
“Từ tiểu học đến trung học điểm của cháu lúc nào cũng A+ nhưng thường bị thấy cô giáo phê là ưa sao nhãng trong lớp, đôi khi đọc sách trong lớp nữa. Khi chúng tôi biết và nói chuyện thì cháu nói là bài dễ quá do đó cháu có thể làm hai ba chuyện cùng một lúc. Thì cái đó có thể là bài dễ quá cháu không chú ý.”
Sau khi hội ý với nhà trường và các huynh trưởng Hướng Đạo, là đoàn thể mà Tâm An gia nhập từ nhỏ, đặc biệt sau khi xem bản tin về CTY Trung Tâm Thiếu Nhi Tài Năng của đại học Johns Hopkins trên một đài truyền hình Việt ngữ ở Washington DC, ông Ngô Công Đức tìm tòi rồi khuyến khích con gái ghi tên dự thi mà kết quả là cháu đã đậu vào chương trình này.
Về phần Tâm An, lý do được như ngày hôm nay chính là nhờ gia đình, chỗ dựa thân thiết nhất, kế đó là Hướng Đạo Việt Nam với Liên Đoàn Chi Lăng mà em ược uốn nắn từ lúc còn nhỏ:
“Từ Hướng Đạo em học để làm người tự lập, Hướng Đạo dạy cho em lúc nào cũng sắp sẵn, dạy cho mình làm người tốt và minh cần giúp người khác. Em muốn ai cũng có cơmay để được học như mình.”
Một điểm đáng chú ý là năm Lớp 6, khi Tâm An bắt đầu thi vào CTY Trung Tâm Thiếu Niên Tài Năng thì Lavina, em gái học lớp 4 của Tâm An, cũng đi thi như chị và cũng đậu như chị:
“Trong gia đình của em là mẹ em mê học, cha của em cũng mê học, em gái của em cũng mê học. Gia đình em và mấy bạn của em trong CTY cũng mê học. Trong cuộc sống của mình có nhiều người thích học, mê học thì mình cũng muốn học thêm để giỏi theo.”
Em yêu tiếng Việt...
Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất, cũng là động lực thúc đẩy Tâm An, học sinh người Mỹ gốc Việt hiếm hoi tại CTY, là khi qua người bạn tên Nhật, mà mọi người quen gọi là Nat, và Tâm An có thể trao đổi tiếng Việt thoải mái với nhau như các học sinh quốc tịch khác nói chuyện bằng ngôn ngữ nước họ:
“Ở CTY có nhiều người lắm, em gặp mấy người từ Đức, từ Pháp, từ Thailand, từ Hongkong, từ Taiwan, từ Hongkong, từ Bahamas, từ Korea, Tàu, Ấn Độ, Mỹ, chỗ nào cũng có hết. Mấy người đó nói tiếng của họ khi gặp bạn.
Trong 3 năm em đi em chưa bao giờ gặp người Việt và nói tiếng Việt. Năm nay em gặp một bạn từ San Jose tên là Nhật, khi em và Nhật gặp nhau và biết được mình là người Việt thì em và nhật nói tiếng Việt. Mấy bạn khác mình có vẻ “khó chịu” tại không hiểu chi cả.
Sau đó em mới thấy ra tại sao cha mẹ của em nói em cần đi học tiếng Việt khi em còn nhỏ, tại vì bây giờ mình gặp bạn mà cũng nói tiếng Việt được. Có một người mà mình trao đổi bằng tiếng của mình thì thật là vui, mình có tiếng riêng của mình và mình nói gì cũng được hết. Bây giờ em yêu tiếng Việt và em muốn học thêm.”
Câu chuyện về Ngô Tâm An, nữ sinh xuất sắc Mỹ gốc Việt, một đoàn sinh Hướng Đạo Việt Nam, Liên Đoàn Chi Lăng ở California, được học bổng vào Hotchkiss, một trong những trung học tư thục nội trú nổi tiếng dạy giỏi của Hoa Kỳ, tạm kết thúc ở phút này.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : nguyent@rfa.org