Trong Thượng đỉnh vừa qua của Diễn đàn Hợp tác Á châu Thái Bình Dương gọi tắt là APEC tại thành phố Đà Nẵng, người ta đã hy vọng là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được 11 quốc gia còn lại thông qua sau khi Hoa Kỳ rút lui từ đầu năm nay. Nhưng vào phút cuối, các nước lại gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương từ đầu năm nay, 11 quốc gia còn lại vẫn xúc tiến việc đàm phán để hoàn tất. Thượng đỉnh tuần qua của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương gọi là APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng là cơ hội cho 11 nước hoàn tất Hiệp ước này nhưng họ lại gặp những trở ngại bất ngờ và cuối cùng thì Hiệp ước TPP được cải danh mà chưa rõ bao giờ mới thành hình. Theo dõi những biến chuyển đó, ông rút tỉa được những bài học gì cho thính giả của chúng ta?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin đi từ bối cảnh chung rồi mới tập trung vào cốt lõi thì mình mới có hy vọng nhìn ra sự thể. Khởi đầu thì có bốn nước nhỏ trên vành cung Á Châu Thái Bình Dương muốn lập ra một khuôn khổ giao thương với tối đa tự do và tối thiểu hạn chế về thuế suất và hạn ngạch. Từ năm 2008, là gần 10 năm trước, Hoa Kỳ thấy sáng kiến này là hay và xin tham gia khiến nhiều nước khác cũng muốn nhập cuộc vì kinh tế Mỹ có sức tiêu thụ cao nhất. Vì vậy, có 12 quốc gia xúc tiến việc đàm phán với nhau để hoàn thành Hiệp ước TPP vào năm 2015. Sau hai chục vòng thương thuyết của các chuyên gia thuộc 12 nước, văn kiện cơ bản của Hiệp ước TPP được Quốc hội Hoa Kỳ cứu xét để phê chuẩn theo lời yêu cầu của Tổng thống Barack Obama, là người mất cả năm đắn đo do dự vào năm 2009 trước khi thúc đẩy việc đàm phán. Nào ngờ, đảng Dân Chủ và một số dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa thấy ra nhiều điểm bất lợi trong Hiệp ước và từ chối việc phê chuẩn vào năm ngoái, là một năm có cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ. Các ứng cử viên của cuộc tranh cử cũng thấy như vậy, kể cả bà Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ là người đã nhiệt liệt cổ võ cho Hiệp ước khi còn là Ngoại trưởng. Kết cục thì Hoa Kỳ bác bỏ Hiệp ước và Tổng thống tân cử là ông Donald Trump hợp thức hóa sự việc khi chính thức ký văn kiện triệt thoái vào ngày 21 Tháng Giêng năm nay. Vấn đề chính nằm trong những cam kết quá chi tiết của Hiệp ước làm từng nước thành viên sẽ phải sửa đổi lại khuôn khổ luật lệ quốc gia để chấp hành. Vấn đề không là ông Donald Trump.
Vấn đề chính nằm trong những cam kết quá chi tiết của Hiệp ước làm từng nước thành viên sẽ phải sửa đổi lại khuôn khổ luật lệ quốc gia để chấp hành.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ rút lui thì 11 nước còn lại vẫn cố xúc tiến Hiệp ước này nhưng vì sao họ lại gặp trở ngại vào khúc cuối ở tại Đà Nẵng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngược với quan điểm của đám đông, tôi cho rằng chính Tổng thống Hoa Kỳ lại gián tiếp đưa ra giải đáp lời cho câu hỏi đó. Tại Thượng đỉnh với các doanh gia của Diễn đàn APEC, như trước đó tại Bắc Kinh, ông Trump nói đại để rằng quốc gia nào cũng có nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ quyền lợi tối thượng của mình, chứ không nên tin vào những cam kết quốc tế. Khái niệm quốc gia đối nghịch với quốc tế là một khía cạnh đáng chú ý.
- Vì vậy, bên lề Thượng đỉnh APEC, trong khi Nhật Bản và Úc cố thúc đẩy các quốc gia còn lại hoàn tất Hiệp ước TPP thì Thủ tướng Canada lại do dự và gây ra biến chuyển nhức tim gần như mỗi nửa ngày. Lý do là nội tình quốc gia của Canada có những chống đối, thí dụ như từ các tỉnh Toronto hay Quebec, ngược với quan điểm của chính quyền trung ương tại thủ đô Ottawa. Họ chống vì quyền lợi của địa phương liên hệ tới nông sản hay sản phẩm gốc sữa từ nay phải cạnh tranh với sản phẩm của New Zealand, hay vì những sản phẩm và dịch vụ liên hệ tới văn hóa và giải trí. Canada còn viện dẫn những ràng buộc ngoại thương với xứ Mexico trong khuôn khổ của một Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ gọi là NAFTA.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, quả nhiên là trong các ngày mùng chín, mùng 10 và 11, người ta đã nhức tim theo dõi những biến chuyển của Hiệp ước TPP bên lề Thượng đỉnh APEC mà có lúc dư luận coi là sẽ tiêu vong vì ngoài Canada, nhiều nước cũng nêu ra vấn đề khác. Thưa ông, kết cuộc thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng là hôm mùng chín, Thủ tướng Canada viện cớ nghị trình công tác mà không tham dự buổi họp để ký kết Hiệp ước TPP giữa 11 quốc gia còn lại và Tổng trưởng Kinh tế của Canada xúc tiến việc đàm phán lại để đòi một số thay đổi. Các nước khác cũng thế, họ nhân cơ hội yêu cầu một số thay đổi trong hai ngày sau đó. Tức là khung sườn quốc tế được thỏa thuận sau bảy năm đàm phán giữa 12 nước lại bị những yêu cầu quốc gia phá vỡ. Hiệp ước TPP không yểu tử tại Đà Nẵng mà được hồi sinh sau khi cải danh và cải sửa nội dung. Nó có tên mới là Hiệp ước Toàn diện và Tiến bộ giữa các Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, ghi tắt theo Anh ngữ là CPTPP.
- Về cụ thể thì có 20 điều khoản trong văn kiện hoàn thành năm 2015 bị hoãn áp dụng, kể cả những quy định liên quan tới các sản phẩm gốc sinh hóa, các thiết bị y tế, thông tin viễn liên và nhất là đầu tư. Mấy chi tiết lắt nhắt ấy cho thấy là các chuyên gia đàm phán một Hiệp ước quốc tế đã muốn chi phối quá nhiều và gây phản ứng dội ngược trong nhiều quốc gia. Còn lại có bốn điều khoản khác chưa được các nước thông qua trước khi Hiệp ước CPTPP thành hình.
Nguyên Lam: Quả thật là vấn đề rắc rối hơn người ta nghĩ lúc ban đầu và nó lại chẳng liên hệ gì đến quan điểm của Hoa Kỳ. Thưa ông, bốn điều khỏan chưa được thông qua là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo dõi sự kiện từ đầu, chúng ta có thể thấy ba nước chậm tiến nhất của nhóm 12 quốc gia sẽ có lợi nhất nhờ khuôn khổ giao thương giữa 12 nước. Đó là Việt Nam, Malaysia và Tiểu vương quốc Brunei. Nhưng muốn được hưởng lợi như vậy thì họ phải cải tổ cơ chế một cách toàn diện. Bây giờ, khi thấy Hiệp ước TPP gặp trở ngại, ba nước này tìm cách trì hoãn cải cách, đó là ba trong bốn điều khoản chưa được thông qua. Điều khoản thứ tư còn bế tắc thì liên hệ tới Canada vì họ muốn bảo vệ các khu vực văn hóa và giải trí như phim ảnh, truyền hình và ấn loát.
- Riêng tôi thì chú ý đến trường hợp của Việt Nam. Dù có Hoa Kỳ hay không, Việt Nam vẫn có lợi khi gia nhập Hiệp ước Đối tác này vì lý do kinh tế lẫn chính trị. Lý do kinh tế là sẽ có thị trường khác để giảm thiểu sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Lý do chính trị là sẽ cải cách cơ chế cho người dân, công nhân và doanh nghiệp thoát khỏi sự khống chế của đảng, nhà nước và cải thiện từ môi sinh tới điều kiện lao động. Nhưng vì những trục trặc giữa 11 nước còn lại, Hà Nội lại trì hoãn và đẩy lui việc cải cách đó. Các nước kia đều thấy chuyện đáng tiếc này.
Dù có Hoa Kỳ hay không, Việt Nam vẫn có lợi khi gia nhập Hiệp ước Đối tác này vì lý do kinh tế lẫn chính trị.
Nguyên Lam: Ngay từ đầu, ông đã trích dẫn lời phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ là quốc gia nào cũng phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của mình. Trong hồ sơ TPP hay CPTPP theo tên gọi mới, ta thấy Canada bất ngờ gây khó cho 10 nước vì yêu cầu bảo vệ quyền lợi quốc gia qua sức ép trong nội bộ. Nhưng, khi lợi dụng cơ hội này, phía Việt Nam lại đòi trì hoãn việc cải cách thì điều ấy có lợi cho ai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đây mới là điều đáng suy ngẫm. Sau khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Hiệp ước TPP và muốn có những đàm phán song phương là tay đôi giữa hai nước với nhau thì Việt Nam cần chuẩn bị cho khung cảnh mới để phần nào giảm thiểu sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Dù Hiệp ước TPP có điểm bất toàn và đòi hỏi quá chi ly làm Hoa Kỳ triệt thoái thì trên đại thể, những yêu cầu cải cách đó cũng có lợi cho người dân. Chúng ta quay trở lại với định nghĩa của quyền lợi quốc gia, đó là quyền lợi của dân tộc. Các quốc gia như Canada, Mexico hoặc New Zealand mà nêu vấn đề về Hiệp ước này là vì quyền lợi của người dân. Vì vậy, Hiệp ước này không tiêu vong mà đang được cải tiến theo yêu cầu thực tế của các nước.
- Nhân cơ hội đó, phía Việt Nam lại gài vào những yêu cầu không để bảo vệ quyền lợi của người dân mà để duy trì ách thống trị của lãnh đạo thì ưu tiên không là quyền lợi của dân tộc. Kết cuộc thì Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu và để lỡ một cơ hội cải cách.
Nguyên Lam: Trở lại với Hiệp ước TPP giữa 11 nước, ông kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến khái niệm hay phạm trù "động lượng", "momentum", nôm na là cái trớn. Các thành viên còn lại của Hiệp ước TPP cần cái trớn để hoàn tất càng sớm càng hay. Nếu tiếp tục cãi cọ về những tiểu tiết thì Hiệp ước này tan vỡ. Kẻ thắng cuộc sẽ là Trung Quốc, một quốc gia gian manh giương cờ tự do mậu dịch mà vẫn bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi của họ. Chuyện chính ở đây là quyền lợi của ai? Các nước dân chủ ưa tranh luận và đổi ý, chính là vì quyền lợi của người dân. Các nước độc tài thì chỉ nhìn vào quyền lợi của tầng lớp thống trị. Việt Nam đang để lỡ một cơ hội và tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.