Bão số 10 đi qua, người ta ví nó như một con quái vật có sáu đầu, một đầu quét vào thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, một đầu ngoạm vào Quảng Bình cách Hương Thủy gần 300 kilomet, bỏ qua tỉnh Quảng Trị, một đầu ngoạm vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đầu thứ tư ngoạm vào Cửa Lò, Nghệ An, đầu thứ năm ngoạm vào Thanh Hóa và đầu thứ sáu ngoạm vào Nam Định, cách biển Thanh Hóa chừng 100 kilomet. Có thể nói đây là một trận bão dữ đội và lạ lẫm nhất trong vài mươi năm nay. Và hậu quả của bão số 10 để lại là 10 người bị chết và mất tích, hàng chục ngàn nhà cửa hư hại, tổng thiệt hại có thể lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhưng đáng nói hơn là câu chuyện sau bão, tình người sau bão cũng như trách nhiệm và lương tri của nhà cầm quyền đối với người dân ra sao.
Thiệt hại chồng chất
Ông Trần Hiệt, một người dân huyện Kỳ Anh, chia sẻ: “Vừa qua thì thôn chúng tôi thiệt hại có 6, 7 nhà bị sập, tốc mái nhiều. Có một chiếc thuyền mất hẳn, những nhà gần bờ thì bị cát vùi lấp.”
Theo ông Hiệt, trận bão đã làm hư hại gần như toàn bộ tài sản gồm nhà cửa và tàu thuyền của các ngư dân Kỳ Anh, trong đó, âu thuyền lớn nhất của ngư dân Kỳ Anh bị sóng đánh đưa cát vào lấp hoàn toàn. Theo nhận xét của ông Hiệt, nếu muốn phục hồi trở lại âu thuyền này, phải tốn đến hàng trăm tỉ đồng nạo vét thì tàu thuyền mới vào ra trở lại bình thường. Điều này nằm ngoài khả năng của người dân nơi đây.
<i>Ăn mì tôm sống mấy ngày nay rồi nhờ cơm người xung quanh nấu rồi mang cho. Chứ giờ bếp gas hay bếp gì cũng không có để nấu - Bà Nguyễn thị Chinh, cư dân Kỳ Anh</i>
Bà Nguyễn Thị Chinh, cư dân huyện Kỳ Anh, chia sẻ: "Ăn mì tôm sống mấy ngày nay rồi nhờ cơm người xung quanh nấu rồi mang cho. Chứ giờ bếp gas hay bếp gì cũng không có để nấu."
Bà Chinh nói rằng để tồn tại cho đến ngày hôm nay, gia đình bà phải sống nhớ vào gạo cứu tế của một gia đình hàng xóm. Bởi bà vốn nghèo, mới dựng được căn nhà thì bão quật ngã, thùng gạo còn một ít của nhà bà bị tường đè, không thể moi lên được. Mấy ngày nay gia đình bà nhai mì tôm sống và sống nhớ vào cơm nhà hàng xóm tốt bụng. Nghiệt nỗi hàng xóm của bà cũng bị hư hại tài sản chẳng còn gì, chỉ còn một ít gạo không bị ướt để chia sẻ với bà.
Bà lấy làm bứt xúc là không hiểu vì sao, mãi cho đến hôm nay, khi chúng tôi tiếp xúc với bà, gia đình bà vẫn chưa thấy cán bộ địa phương đến thăm hỏi, động viên hay mang cho một ít gạo cứu tế để tồn tại. Trong khi đó, khi bà đi biểu tình chống Formosa thì sáng mai bà lên đường, tối nay họ đã có mặt trong nhà bà, yêu cầu bà đừng đi vì tương lai của con cháu bà. Bà Chinh kết luận rằng chính quyền địa phương quá hời hợt, hoàn toàn không có sự quan tâm đến nhân dân mà chỉ quan tâm đến Formosa.

Ông Đáng, một ngư dân kỳ Anh, chia sẻ: "Thiệt hại là đồ đoàn, máy móc mất hết, chỉ còn lại vỏ ghe thôi, chứ không còn gì trong ghe hết."
Hiện tại, vấn đề vật giá leo thang đang làm đau đầu những người dân vùng bão đi qua. Có một trận bão giá đang hoành hành trên đất kỳ Anh, Hà Tĩnh và nhiều vùng bão khác. Ông Đáng lấy làm tiếc vì chính quyền đã không can thiệp kịp thời để bảo vệ cho người dân và chính người dân đối xử với nhau cũng chẳng tốt đẹp chút nào khi các cửa hàng thi nhau tăng giá vật liệu xây dựng, có nơi tăng đến 30%, 40% so với trước bão. Giá tôn, ngói, xi măng và đinh, ốc tăng vùn vụt, nhiều nhà không mua kịp vật liệu thì bị tăng giá và lại chờ đến khi ngân hàng hoạt động để đi vay về sửa chữa. Hiện nay, điện, nước ở các vùng bão đi qua vẫn chưa có, mọi sinh hoạt hết sức khó khăn.
Chính quyền địa phương đã làm gì?
Một ngư dân Hà Tĩnh, không muốn nêu tên, chia sẻ: "Điện nước gì cũng không có, phải lên khe để múc nước về sinh hoạt. Yêu cầu các cơ quan thẩm quyền phải làm sao để dân có điện, nước để sinh hoạt chứ cuộc sống của người dân khổ quá…!"
<i>Điện nước gì cũng không có, phải lên khe để múc nước về sinh hoạt. Yêu cầu các cơ quan thẩm quyền phải làm sao để dân có điện, nước để sinh hoạt chứ cuộc sống của người dân khổ quá…! - Một ngư dân Hà Tĩnh</i>
Theo ngư dân này, chính quyền đại phương vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ thực sự quan tâm đến đời sống của người dân. Mặc dù ông nghe đứa con trai đi làm ăn xa điện về nói rằng đã nghe truyền hình, báo chí đã đăng tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát và có yêu cầu giúp dân kịp thời. Nhưng hầu như tại Hà Tĩnh vẫn chưa thấy gì.
Một người dân hiện sống tại Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, không muốn nêu tên chia sẻ: "Trên ủy ban có đi tham khảo, có đi vô nhìn ngó, có gì tối mới đi họp nhưng trước đó đài truyền hình lên quay rồi."
Theo ông này chia sẻ, hiện tại, giá vật liệu xây dựng ở Hương Thủy không đến nỗi leo thang như Hà Tĩnh. Nhưng vấn đề chính quyền địa phương thiếu quan tâm đến người dân vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Bởi từ lúc bão quăng quật đến nay, chính quyền đại phương vẫn đi qua đi lại các gia đình bị sập nhà, mất tài sản nhưng chẳng có lời thăm hỏi hay động viên nào. Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên dân phòng cũng như các đoàn thể đều sống dựa vào các khoản thu địa phương và thuế của dân. Họ hoạt động gì không rõ, nhưng khi dân cần, lúc khó khăn nhất không thấy họ đến giúp dân.
Nhìn chung, tình trạng chính quyền địa phương thiếu quan tâm đến người dân sau thiên tai và tình trạng xâu xé quà cứu trợ của dân vùng thiên tai vẫn là tình trạng nhức nhối chung chưa có lối thoát và điều này để lại nhiều ấn tượng xấu trong lòng nhân dân.