Dự thảo Luật An ninh mạng mới đây dấy lên mối lo ngại về nguy cơ các nhà cung cấp ứng dụng Facebook, Google, Viber, Skype... rời bỏ Việt Nam do quy định phải đắt máy chủ tại nước này. Người sử dụng mạng xã hội trong nước có ý kiến gì về quan ngại vừa nêu?
Ảnh hưởng
Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cho rằng nếu Facebook, Google rút khỏi Việt Nam thì đây sẽ là một tổn thất lớn.
Xuân Tiến, sinh viên một trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu giả định trên thực sự xảy ra sẽ gây khó khăn khá nhiều, đặc biệt là cho sinh viên. Theo Tiến, khi mất quyền sử dụng Google tìm kiếm sinh viên sẽ phải quay lại hình thức tra cứu thông tin bằng cách truyền thống như hỏi anh chị khoá trên, hoặc tìm hiểu thông qua sách báo…
"Một ngày nào đó bạn thức dậy rồi vô trang Google tìm kiếm mà không thấy nó hiện diện nữa, thì khi bạn muốn tìm kiếm tài liệu nào đó để học tập thì nó cực kỳ khó khăn. Nguồn đưa lên trên mạng sẽ không còn nữa và mình phải tự bỏ tiền ra đi mua sách hoặc là mua các bản photo mà không đảm bảo được chất lượng của những bản đó."
Thành Trung, một sinh viên thường xuyên sử dụng hệ thống Google Drive để lưu trữ dữ liệu cho rằng người dùng sử dụng hệ thống Gmail, Drive sẽ gặp bất tiện nếu Facebook, Google rút khỏi Việt Nam. Nguyên nhân là vì họ phải chuyển đổi hệ thống dữ liệu database của họ từ đầu.
“Thật sự thì hiện tại có rất nhiều kênh cho các bạn sử dụng, nhưng kênh thường xuyên sử dụng nhất như bạn đã nói mà bị out ra thì bắt buộc người ta phải chuyển toàn bộ cái quy trình lại từ đầu, tức là các thông tin, database phải chuyển này nọ rất phức tạp. Mình nghĩ rất bất tiện.”
Ngoài ra, Google Maps, một trong những ứng dụng của Google cũng được nhiều người dùng Việt Nam sử dụng. Khi mất quyền sử dụng Google Maps nhiều người dùng Việt Nam sẽ bị mất quyền lợi, Xuân Tiến cho biết:
“Ở Việt Nam chưa có một ứng dụng nào để tìm đường đi từ điểm A đến điểm B hết, trong khi Google lại làm điều đó rất tốt và tìm đường đi ngắn nhất. Nên mình nghĩ là sự hiện diện của Google tại VN có thể là sẽ không bị biến mất.
Nếu Google biến mất thì Google Maps sẽ không hoạt động được mà nếu bạn muốn đi từ điểm A đến điểm B mà là một người không sành đường thì chắc chắn là sẽ không biết được đi đường nào là gần nhất và tốn rất nhiều chi phí. Ví dụ như đi xe ôm từ điểm này đến điểm kia chẳng hạn.”
Quý Quốc, một diễn viên tập sự có mật độ trao đổi thông tin dày đặc trên mạng xã hội Facebook cho rằng sự biến mất giả định của Facebook sẽ khiến anh khó khăn rất nhiều trong việc trao đổi, giao tiếp với mọi người:
“Có nhiều công việc mình làm ở trên Facebook. Đa số mình liên lạc với bạn bè qua Facebook là nhiều. Nói chung là nếu không sử dụng Facebook nữa thì khó liên lạc với mọi người, nên mình hy vọng là chuyện này không xảy ra.”
Theo Quý Quốc, dù sau này Facebook có bị chặn tại Việt Nam thì khả năng cao là anh sẽ tìm cách để truy cập vô trang mạng xã hội này:
"Cái đó là chuyện tất nhiên rồi, bây giờ quan trọng là bất cứ việc gì mình cũng chỉ lên Facebook hết. Bất cứ gì, theo bản thân mình tuy mình làm không nhiều nhưng mình cần phải có Facebook. Có Facebook mình mới làm việc được nhiều, mới liên lạc với bạn bè của mình được. Chứ không có sao mình làm gì được."
Theo Dự thảo Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.
Những ý kiến chúng tôi ghi nhận đều cho rằng việc bắt buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng tại Việt Nam là chưa phù hợp.
"Mình thấy việc đăng ký và quản lý Facebook như vậy thì không ok lắm."
Đề nghị
Xuân Tiến cho rằng không bắt buộc phải có máy chủ quản lý người dùng đặt tại lãnh thổ Việt Nam thì các nhà cung cấp dịch vụ vẫn có thể nắm bắt, quản lý được người dùng:
"Quản lý người dùng thì mình nghĩ là nó đặt trụ sở ở đâu cũng được. Vì khi mà mình đăng ký một tài khoản nào đó thì tất cả server của họ đã nắm được thông tin, không cần thiết phải đặt tại Việt Nam."
Theo Thành Trung, trình độ kỹ thuật và kiến thức chuyên môn của nhân lực Việt hiện vẫn đang ở tầm trung và thấp, chưa sẵn sàng để chào đón các công ty lớn như Facebook, Google vào Việt Nam theo hình thức cơ quan đại diện.
"Mình nghĩ hiện tại Việt Nam chưa sẵn sàng để đón các tập đoàn lớn như Google hoặc Facebook để vào Việt Nam. Một phần là về kinh tế, một phần là về nhân lực."
Bàn luận xoay quanh phương thức quản lý cần thiết và phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện tại, các ý kiến cho rằng Việt Nam trước mắt nên xem xét các biện pháp kỹ thuật thay vì yêu cầu đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam.
“Mình nghĩ là cho đặt trụ sở tại Việt Nam thì cũng tốt thôi bởi vì gia nhập vào Việt Nam thì cũng tăng thêm vị trí, tiếng tăm cho Việt Nam. Tốt nhất cho hiện tại thì mình nghĩ là chưa cần thiết, nếu như chưa có khả năng đưa trụ sở vào Việt Nam thì có thể đưa một kỹ thuật nào đó để an ninh mạng.
Theo mình nếu quản lý thì chỉ quản lý một phần nào đó thôi chứ đâu cần quản lý hết tất cả đâu. Quản lý những trang mạng xấu, bán hàng cấm thì nên quản lý những cái đó. Còn những thông tin cá nhân của người khác thì không cần quản lý.”
Ngay cả Phòng Thương Mại - Công Nghiệp Việt Nam VCCI cũng có phản biện cho rằng quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam là trái với các cam kết quốc tế mà Hà Nội đã tham gia và ký, như WTO, EVFTA…