Người dân tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết chính quyền địa phương đòi cưỡng chế đất của dân trong khi chính quyền đã làm sai quy trình và không thực hiện đúng cam kết. Phóng viên RFA tìm hiểu sự việc qua những người trong cuộc.
Nhiều uẩn khúc trong quy hoạch
Họ là người dân sinh sống lâu đời tại địa phương và đất của họ được cấp phép sử dụng hợp pháp. Nhưng kể từ khi các dự án khu công nghiệp Hố Nai bắt đầu triển khai, chính quyền địa phương đưa ra các phương án giải tỏa và đền bù với hứa hẹn tái định cư tại chỗ cho dân. Tuy nhiên, sau khi dân tin cam kết của chính quyền và nhận tiền bồi thường thì họ bị đứa đến một nơi thật xa, không như thỏa thuận.
Bà Lan, một người sỡ hữu đất ở khu vực này cho biết:
“Tôi sinh sống ở đây từ năm 1970, đất cát là do bố mẹ tôi để lại. Đến năm 2001 thì ba cấp chính quyền ở đây họ thông báo đất ở đây có quy hoạch theo quyết định 450. Đến năm 2003 thì gọi chúng tôi nhận tiền. Thì chúng tôi đi nhận tiền rồi. Khi nhận tiền người ta nói là tại đây, từ cái ngã tư đó tới đây là 5 hecta này làm đất tái định cư cho bà con ở đây, là không phải đi đâu xa, tái định cư tại chỗ. Sau khi nhận tiền xong, thì họ đưa tiền nhà trọ một tháng 6 trăm. Hết 6 tháng tôi chẳng thấy đất tái định cư đâu cả. Sau đó cứ tiếp tục nói dối chúng tôi là 6 tháng nữa có. Tái định cư ngay nhà quý vị. Họ đưa đầy đủ sơ đồ vườn cây xanh, dãy nhà liền kề. Chúng tôi chờ đợi mãi tới năm 2009 là các cấp chính quyền đây lại thông báo với tôi đi nhận tái định cư ở vị trí khác, ở ấp Bắc Hòa.”
<i>Thì tôi tìm được một cái văn bản tại văn thư lưu trữ tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 chỉ có 100 hecta. So với quyết định ban đầu thì nó chệnh nhau 129 hecta rồi.<br/> </i> <i>-Bà Lan, dân địa phương</i>
Bị thất hứa, người dân đi khiếu kiện và phát hiện ra nhiều uẩn khúc trong quy hoạch.
“Nói chung khu này, ba cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn luôn nói với chúng tôi rằng các ông các bà quy hoạch theo quyết định 450 của thủ tướng chính phủ. Là 229 mẫu, nhưng thực sự theo tôi tìm hiểu khiếu kiện trong 17 năm. Thì tôi tìm được một cái văn bản tại văn thư lưu trữ tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 chỉ có 100 hecta. So với quyết định ban đầu thì nó chệnh nhau 129 hecta rồi.
Tôi cứ đi khiếu kiện hoài, cứ lên sở Tài Nguyên Môi Trường, Tỉnh Đồng Nai rồi đi các nơi các sở. Đơn khiếu kiện của tôi tính ra cũng mấy kí lô rồi. Cứ hỏi đi tìm hiểu quyết đinh thu hồi đất, đi tìm hiểu bản đồ quyết định 450, sau này lòi ra quyết định 278 chỉ có 191 mẫu thành lập khu công nghiệp.
Hội đồng nhân dân huyện Trảng Bom có văn bản tiếp xúc cử tri là văn bản 1684 trong văn bản có một đoạn trích như thế này. Phần đất 39 mẫu này không phải đất Phú Sơn, phần đó chúng tôi cho một số công ty làm xe máy, công ty gì đó thuê trước rồi.”
Chính quyền trả lời rằng 39 hecta này đã được cho các công ty thuê từ lâu, và bây giờ ép buộc người dân nhận bồi thường và chuyển đến nơi khác sống. Cụ thể trong văn bản số 9781 này, có ghi rõ: ‘nền đất tái định cư tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom’. Không phải là tái định cư tại chỗ.
Một người dân cũng có đất đai bị nằm trong diện giải tỏa cho biết thêm thông tin về vụ việc này.
"Khi người dân đòi quyết định thu hồi cho cá nhân mỗi một hộ thì không có. Rồi họ trích ra cái điều, một cái văn bản của 306 của bộ Tài Nguyên Môi Trường là có văn bản hướng dẫn luật năm 93 là khi nhà nước thu hồi đất sẽ không có quyết định thu hồi cho từng cá nhân, hộ gia đình. Nhưng phải có cái thu hồi của tỉnh là quyết định thu hồi tổng thể. Nhưng hiện tại bây giờ chính quyền không đưa ra được cái quyết định tổng thể của tỉnh. 278 là quyết định thành lập khu công nghiệp, với diện tích bằng đó. Sau đó là quyết định 450 cho thuê đất."
Khủng bố tinh thần
Đúng ra trình tự thủ tục anh phải có quyết định thu hồi đất. Ở đây không có. Ụp một cái quyết định cưỡng chế.<br/>-Dân địa phương
Dù không đưa ra được quyết định thu hồi đất như thắc mắc của người dân; chính quyền lại khiến dân thêm bức xúc khi bàn hành một số văn bản phạt cảnh cáo những hộ dân không chịu giao đất.
“Tới năm 2005 thì đưa ra một quyết định cảnh cáo phạt cảnh cáo về hành vi không chấp hành quyết định thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư và dân kiện lại, thì chủ tịch UBND huyện lại rút lại quyết định cảnh cáo đó. Không hiểu tại sao chính quyền đưa ra quyết định cho 9 hộ, quyết định ký ngày 11 tháng 9 năm 2017 mà tới ngày 18 tháng 9 dân mới được nhận là quyết định cưỡng chế 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Chứ không phải tôi đã nhận tiền, tôi ký vào văn bản bàn giao đất mà tôi không giao đất mà cưỡng chế tôi. Đúng ra trình tự thủ tục anh phải có quyết định thu hồi đất. Ở đây không có. Ụp một cái quyết định cưỡng chế. Dân đối thoại lần cuối rồi ngay chiều hôm nay thông báo là tạm ngưng cưỡng chế chờ văn bản chờ văn phòng tỉnh ra thông báo hoặc chỉ đạo mới. Tôi nghĩ đó là một hình thức rất khủng bố tinh thần.”
Vụ việc tại ấp Phú Sơn như vừa nêu cũng tương tự vô số trường hợp khác tại các địa phương trên cả nước. Tình trạng người dân bị chính quyền địa phương thu hồi đất một cách bất minh để giao cho doanh nghiệp và hưởng lợi gây phẩn nộ trong dân chúng; buộc họ phải khiếu kiện đến tận các cơ quan trung ương.