Bế tắc vấn đề xe ba gác

Chỉ thị xóa bỏ xe tự chế có từ năm 2004, qua hơn 4 lần ra dự thảo liên quan vào năm 2008, đến tận năm 2017, nhiều mảnh đời vẫn còn vất vả mưu sinh từ loại phương tiện 3, 4 bánh tự chế.

Hiện trạng

Xe 3, 4 bánh từ lâu đã là một phần quen thuộc trong giao thông tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM).

Nhiều ý kiến cho rằng việc lưu thông các phương tiện này gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng giao thông.

Năm 2008, khi Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đương vị, ông từng khẳng định với báo chí “không thể lấy lý do vì "nồi cơm" mà không triệt để loại bỏ xe thiếu an toàn.”

Mức hỗ trợ được Ban xây dựng đề án đề xuất vào thời điểm tháng 6 năm 2008 là 6% lãi suất vay ngân hàng không đủ cho dân mua phương tiện mới.

Đến thời điểm hiện tại, tháng 11 năm 2017, số lượng xe 3, 4 bánh thiếu tiêu chuẩn vẫn lưu hành nhiều nơi trên Tp. HCM.

Ông Phúc, một người đạp xích lô chở hàng và hành khách hơn 40 năm tại tại Tp. HCM chia sẻ, ông nhiều lần gặp công an xử lý những chiếc xe ba gác “Trung Quốc” lẫn xe honda 2 bánh chở hàng cồng kềnh. Nhiều trường hợp bất chấp né tránh công an còn gây ra tai nạn, cản trở giao thông.

Xe Trung Quốc phải chở gọn gàng chứ như xe chở tôn ở Hà Nội cứa đứt cổ rất là nguy hiểm. Nhất là xe hai bánh chạy rất cồng kềnh, nguy hiểm. <br/>- Ông Phúc, Tp. HCM

"Đa số là xe Trung Quốc, xe ba gác rồi gây tai nạn thì chú chạy trên đường thấy liên tục luôn. Nó chạy ẩu hai và sợ công an. Thứ hai là xe hai bánh xe honda chạy quá cồng kềnh, rồi khi thấy đội trật tự giao thông, mặc đồ như công an phường, đến chỗ đứng đèn xanh đèn đỏ là nó quẹo bất kỳ vô hẻm, quẹo là được thôi.

Xe Trung Quốc, nhưng mà xe Trung Quốc phải chở gọn gàng chứ như xe chở tôn ở Hà Nội cứa đứt cổ rất là nguy hiểm. Nhất là xe hai bánh chạy rất cồng kềnh, nguy hiểm. Chẳng hạn như bữa chú chạy Ngô Gia Tự có xe chở 3 bao đồ to, thấy giao thông rượt nó bay lên lề luôn. Té, rồi dân ở đó họ cũng không đồng tình lối chở đó họ cũng không lại đỡ. Có sinh viên lại đỡ chứ dân họ không đồng tình chạy lạng lách rồi gây nguy hiểm. Mà đa số xe đó là xe cũ người ta đôn dây đôn nòng lên rồi chạy bạt mạng, chạy như kiểu mấy người mà bán thuốc lá ở Biên Hòa về Chợ Lớn này vậy."

Một phụ nữ ngụ ở Nhà Bè, Tp. HCM, khu vực thường xuyên có xe ba gác đi lại tại đường Huỳnh Tấn Phát cũng không thấy an toàn với tình trạng các xe ba gác chở hàng, bán hàng rong chạy ẩu, lấn vỉa hè.

“Theo cô thấy xe mà người ta chở thuê thì cũng nên để người ta tham gia trên đường, nhưng đừng chở quá cồng kềnh. Nhưng người buôn bán hàng rong trên vỉa hè thì đừng nên vì dễ xảy ra tai nạn giao thông .

Như hôm vừa rồi cô mới vừa đi, vẫn đi bộ đi được băng qua đường nhưng mà vẫn bị xảy ra tai nạn là bởi vì xe nó chạy ẩu quá thì đâm ra người dân mình không biết đâu mà tránh hết á. Thì nên là nếu mà người ta chở đi chở thuê thì không sao, nhưng mà người buôn bán mà chiếm lòng lề đường thì không nên.

Có đôi lúc mà xe của người tham gia giao thông chạy mà đôi lúc người ta ngại, tình huống xấu người ta không có lách kịp thì người ta trúng những người vô tội, chết oan uổng.”

Bản thân sống bằng chiếc xe ba gác nuôi gia đình, Chú Yến và một người bán rau tại Quận 7 thường xuyên bị công an, đô thị nhắc nhở về việc tham gia giao thông trên những chiếc xe này.

“Xe mình, mình không đủ tiền mua xe có giấy tờ thiệt, thì công an nó thổi vô hoài. Năn nỉ, người ta phạt, tốn tiền thôi.” (Chú Yến, chạy ba gác, Quận 7)

“Có mấy anh đô thị nhắc nhở là mình không được đậu bán. Chứ đâu phải là không nhắc nhở đâu.

Mấy anh đô thị đuổi, la, nhắc nhở. Nhưng mà công việc của mình mình phải buôn bán, mình phải kiếm tiền nuôi sống bản thân mình.” (Người bán rau dạo, Quận 7)

Nguyên nhân

Thực tế tình trạng các loại xe 3, 4 bánh tự chế gây ảnh hưởng đến giao thông là có thật. Chính quyền cũng ra các dự thảo để can thiệp đến tình trạng trên. Tuy nhiên, thiếu điều kiện ăn học cùng với cơ hội nghề nghiệp mong manh, một số người không xin được việc đành phải chọn bám víu vào những chiếc xe ba gác tự chế, thiếu giấy tờ để trang trải cuộc sống từ việc buôn bán dạo đến chở hàng thuê.

Người phụ nữ bán rau dạo tại Quận 7, Tp. HCM trên chiếc xe ba bánh tự chế mua với giá 3 triệu đồng cho biết, chị không có cơ hội làm nghề khác để nuôi nấng 4 đứa con đang ăn học.

“Lao động chính nuôi 4 đứa con đang ăn học. Cuộc sống công việc mình phải làm rồi, phải nuôi con. Đi làm đâu có ai chấp nhận, đâu có ai mướn.

Nếu mà không đi bán thì cũng đâu có đi làm gì nữa đâu. Không có làm được gì hết trơn, tôi chỉ đi bán thôi à. Tôi đi bán, không có làm được gì ngoài chuyện đó hết. Tại vì mình thất học mình không có ăn học mình không có biết làm gì.”

Xe mình, mình không đủ tiền mua xe có giấy tờ thiệt, thì công an nó thổi vô hoài. Năn nỉ, người ta phạt, tốn tiền thôi.<br/>- Chú Yến, chạy ba gác, Quận 7

Chú Nguyễn Công Yến, một người đổ xà bần tại khu vực đường Lê Văn Lương, Quận 7 có hơn 10 năm gắn bó với nghề chạy ba gác. Tính đến nay, chú Yến vẫn chưa sở hữu cho mình được một chiếc xe có giấy tờ hợp lệ và chỉ có thể kiếm sống qua ngày với chiếc xe này.

“Tôi làm nghề ba gác này từ năm 2000. Tôi hồi đó đi phụ hồ mà nó vất vả quá, không có nghề khác để làm. Theo nghề ba gác này cũng được mười mấy năm rồi. Lấy tiền hàng ngày để nuôi vợ con.

Không có tiền mua xe thì mới bỏ nghề thôi. Chứ còn tiền đi vay mua xe cũng chạy tiếp. Cái nghề của mấy chú là vậy thôi. Chứ đâu còn cái nghề nào khác hơn cái nghề này.

Sáng đi làm, chiều về lấy tiền lo cho gia đình. Còn làm phụ hồ bị người ta nặng nhẹ với lại cuối tuần mới được lấy tiền lận.

Việc làm đâu có buồn đâu, việc làm lúc nào cũng mến hết. Thích cái nghề này từ nhỏ mà, không có bỏ nghề này được. Từ đó tới giờ mười mấy năm rồi, không có bỏ. Tới già tới chết luôn chứ không có bỏ. Kỷ niệm luôn.”

Yêu nghề, gắn với chiếc xe ba gác, tuy nhiên những người lao động nghèo này lại không sở hữu nổi một chiếc xe có đăng ký đầy đủ. Trong khi chiếc xe của chị bán rau có giá 3 triệu, của chú Yến chở xà bần giá gần 30 triệu, thì một chiếc xe có giấy tờ đầy đủ có giá mua mới lên tới 160 triệu – cái giá gấp hơn 5, và 50 lần số vốn mà hai người lao động kia có thể chi trả.

“Cô thấy có nhiều người muốn mua bán này kia tìm kế sinh nhai thì người ta mua một chiếc xe rẻ tiền thôi, chứ xe giá cao quá thì người ta không có đủ tiền mua. Một số người ở chỗ cô thì người ta phải mua góp, mua sắt về hàn, mà người ta phải đi vay vốn ở Ủy ban để mua, rồi để tìm kế sinh nhai thì phải đi vay mượn. Không phải là 1-2 triệu, đôi lúc 5-3 triệu người ta cũng phải đi vay chứ người ta không có. Có những người dân hoàn cảnh rất khó khăn.” (Người dân, Nhà Bè, Tp. HCM)

Tuy khó khăn thực tế là như vậy, những người kiếm sống từ những chiếc xe ba gác này lại hầu như không nhận được hỗ trợ chuyển đổi hay trợ cấp khác từ nhà nước nên họ vẫn phải mưu sinh bằng loại xe này. Lệnh ban hành từ năm 2008 đến nay vẫn chưa thể thực hiện triệt để. Nhiều người vẫn hàng ngày rong ruổi trên đường phố với những chiếc xe không đủ tiêu chuẩn.

“Bây giờ không có ai tạo điều kiện cuộc sống cho mình để cho con mình ăn học. Sau này con mình ăn học thành tài rồi thì cũng phụ giúp nhà nước mà đúng không? Đâu có ai làm gì? Mình phải nuôi con mình chứ.

Nhà nước không có hỗ trợ gì hết. Tự làm tự sống thôi. Không có vay tiền nhà nước gì hết trơn.

Chừng nào nhà nước hỗ trợ thì tính sau, giờ chưa có hỗ trợ thì hoàn cảnh khó khăn mình phải buôn bán. Nếu mà nhà nước cấm quá, siết quá thì phải kiếm công ăn việc làm gì đó để nuôi con." (Người bán rau dạo, Quận 7)
Bất cập tiềm ẩn từ xe ba gác là có, nhưng những khó khăn của người lao động nghèo mưu sinh từ những chiếc xe này cũng không phải là chuyện có thể giải quyết một sớm một chiều.