Cư dân vùng biển huyện Tuy Phong lâu nay gắn bó với nghề biển tuy nhiên kể từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động, họ cho biết phải gặp nhiều xáo trộn.
Tác động nhiều ngành nghề
Vùng biển Tuy Phong là nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận với trữ lượng hải sản dồi dào, ngư dân trước đây chưa bao giờ thiếu cá, nhưng từ 2 năm nay, sau khi nhà máy điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động, những ngư dân địa phương mà chúng tôi nói chuyện cho biết thực tế số cá đánh bắt được:
“Cá bạc má, cá mình đi lưới vây, năm nay không có gì hết, đi mấy bữa vô năm ba kí cá, bán đủ ăn qua ngày, có bữa dô không đủ cá nấu phải lên chợ mua cá ăn, thảm, thảm không ra gì hết.
Chả biết làm sao, năm bữa tới hôm giờ cá không có luôn.
Mấy năm trước làm cũng được, có bữa năm ba trăm có bữa khá thì kiếm được triệu.”
Mọi năm làm ăn được cũng khá, từ hồi nhà máy nhiệt điện làm ở đó thì mất cá mất tôm luôn à.<br/>-Một người dân
Không chỉ đối với ngư dân đánh bắt cá biển, mà một số ngành khác như nuôi tôm giống hay tôm lồng cũng chịu tác động:
“Mấy cái nhà nuôi tôm phải chạy tàu ra ngoài khơi hút nước đem vô chứ nước sát biển không nuôi được nữa, ô nhiễm tôm chết.”
Đối với các hộ dân nuôi tôm lồng bè xung quanh, hiện tượng tôm chết bất thường gây thất thu làm họ hoang mang, một số người phải bỏ đi nơi khác, một số cố bám trụ trong cảnh ngèo đói:
“Hai năm nay là đói hơn mấy năm trước, không có gì hết, không biết làm sao mà tôm không có sinh sản được nữa.
Mọi năm làm ăn được cũng khá, từ hồi nhà máy nhiệt điện làm ở đó thì mất cá mất tôm luôn à, mấy năm là nhờ tôm đó chớ, mấy chỗ này thả là tôm nó bu vô nè mà năm nay nó bỏ bờ hết, không có.”
Các cánh đồng muối bạt ngàn xung quanh nhà máy đứng trước nguy cơ phải sử dụng nguồn nước biển không đảm bảo để sản xuất. Ngành làm nước mắm Cà Ná, cũng giống như ngành làm muối, đã có truyền thống từ lâu đời, sử dụng cá và muối đánh bắt từ vùng biển địa phương, đang đối mặt sự e ngại từ người tiêu dùng. Trước đây trên tuyến quốc lộ 1A đi ngang làng mắm Cà Ná, các du khách thường hay dừng chân để mua đặc sản mắm Cà Ná nổi tiếng, nhưng nay dường như chẳng ai màng dừng lại, xung quanh, các cửa hàng đóng cửa im lìm, một số cửa hàng lớn có mắm xuất khẩu hay thị trường tiêu thụ manh hơn vẫn mở cửa nhưng không có ai vào mua bán tại chỗ.

Những chủ thuyền phải vay ngân hàng để đóng tàu nhưng nay phải nằm bờ hết sức lo lắng vì không biết xoay đâu ra để trả cả gốc lẫn lãi:
“Vay ngân hàng mà ghe đậu bờ thì tiền lãi đẻ ra nhiều có mà chết thôi.”
Nhiều chủ tàu phải chọn cách đi đánh bắt xa bờ để duy trì kế sinh nhai cho bản thân cũng như người làm công:
“Nhà chị tàu đánh cá phải đi xa chứ làm đây không được. hai mươi mấy người đi một ghe, hễ một người đi là nuôi cả gia đình đó, mà một chiếc ghe là biết bao nhiêu gia đình. hễ không có là người ta chết đói hết.”
Quá nhiều bất cập
Tuy vậy, nghề đi biển đầy rủi ro khiến nhiều người trong ngành này nay không còn mặn mà nữa; nhất là khi họ có thể kiếm được công việc trên bờ:
“Đi tìm bạn không có bạn để làm nữa, ghe đó người ta nằm bờ không có bạn đi biển là do ở dưới nhà máy nhiệt điện người ta đi làm cái đó bỏ.
Từ ngày nhà máy nhiệt điện làm lên là không có bạn đi biển, hồi đó ghe mình là bạn nó tới hỏi đông lắm, nhưng giờ công nhân lao động người ta bỏ ghe đi biển.<br/>-Một người dân
Từ ngày nhà máy nhiệt điện làm lên là không có bạn đi biển, hồi đó ghe mình là bạn nó tới hỏi đông lắm, nhưng giờ công nhân lao động người ta bỏ ghe đi biển.”
Thực tế cho thấy, ngoài những mặt lợi từ nhà máy điện Vĩnh Tân được phía chính quyền đề cập như tăng cường điện năng, giải quyết công ăn việc làm cho một số người dân địa phương… thì còn quá nhiều bất cập mà chính người dân địa phương nêu ra:
“Điện thì chị không biết, giá cả vẫn vậy chứ cũng đâu có rẻ hơn cho dân nhà, dân Cà Ná không có nhà máy nhiệt điện thì vẫn dùng điện bình thường.
Kéo dài 2 năm nay rồi, ghe người ta làm ăn không có cái đổ nợ người ta bỏ làng đi.
Dân thì không có biết chờ cấp trên đi họp giải quyết chứ dân người ta nói không được.”
Trong khi những thực tế xảy ra sau khi nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đi vào hoạt động gây nên chưa giải quyết xong; thì dân chúng địa phương tại Tuy Phong lại nghe tin Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng ý cho phía điện lực đổ gần 1 triệu mét khối bùn, cát nạo vét xuống biển Bình Thuận gần khu bảo tồn Hòn Cau.
Giới chuyên gia và người dân được hỏi ý kiến đều cho rằng đổ bùn cát xuống biển chắc chắn tác động đến môi trường và từ đó gây ảnh hưởng bất lợi cho kế mưu sinh của dân địa phương.