Bệnh nhân và VN Pharma: Số phận tùy thuộc bác sĩ

Hơn 300 người VN tử vong mỗi ngày vì ung thư. Liên quan đến vấn đề này, sự kiện lãnh đạo công ty VN Pharma, ông Nguyễn Minh Hùng - em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải hầu tòa trong vụ án liên quan đến việc nhập thuốc ung thư giả vào thị trường Việt Nam lại làm dậy sóng dư luận trong và ngoài nước.

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới cuối năm 2016, Việt Nam đang nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư thế giới với hơn 300 người tử vong mỗi ngày vì ung thư.

Bệnh nhân lo sợ

Và nay số phận của những người mắc bệnh ung thư đang chết đứng vì thuốc giả. Hãy cùng phóng viên chúng tôi tìm hiểu về suy nghĩ của những bệnh nhân ung thư và thân nhân xung quanh vụ việc này.

Phóng sự được thực hiện tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM.

Theo phản ánh từ những bệnh nhân mà chúng tôi được dịp tiếp xúc, tâm lý chung của họ là lo sợ.

Mình thấy thì sợ cho bà con nông dân, uống tin tưởng, đâu tưởng hết bệnh ai dè uống bệnh càng bệnh thêm nữa.<br/>-Ông Năm

Bà Lê Thị Mỹ Nga, bị ung thư bao tử cho biết:

“Nó di căn tùm lum hết á. Cũng nghe thuốc này kia rồi cũng ớn. (Cũng nghe nói là thuốc giả nhưng mà trị thì trị chứ giờ biết sao giờ). Nhưng mà giờ mình trị mình phải trị thôi chứ đâu có biết được. Chứ mình cũng không có biết là thuốc giả. Thí dụ mình biết là thuốc giả thì hẵng thì mình đã không vô rồi. Vô thí dụ có cái gì nữa thì sao? Vô thí dụ có cái gì nữa thì sao, mình ngừa được. Còn này mình là người bệnh, mình là người dân, mình bình thường mình đâu có biết được.”

Ông Năm, bệnh nhân chờ tái khám nói:

“Mình thấy thì sợ cho bà con nông dân, uống tin tưởng, đâu tưởng hết bệnh ai dè uống bệnh càng bệnh thêm nữa.”

Bà Phan Thị Út, bị bệnh ung thư vú di căn chia sẻ:

“Hông, giờ á hả, cô cũng già rồi còn gì nữa mà sợ, mà cũng hết tiền rồi còn gì nữa mà sợ? Có chết nữa cũng đâu còn tiền đâu mà sợ gì? Thì con còn tuổi còn trẻ con sợ, chứ cô giờ đâu còn gì nữa đâu. Giờ hả, trâu bò cũng bán hết trơn rồi đi trị bệnh mà. Cô đâu có hộ nghèo. Năm nay cô mới được hộ nghèo nà. Có bảo hiểm nghèo nhưng mà không có sổ hộ nghèo nên cũng hổng có được gì.”

Những bệnh nhân ung thư và thân nhân tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM. (Ảnh minh họa)
Những bệnh nhân ung thư và thân nhân tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM. (Ảnh minh họa) (RFA PHOTO)

Ông Lê Ngọc Giao,bệnh nhân bướu cổ tâm sự:

“Mới phát sinh hồi tết tới giờ. Bị bướu á. Giờ cũng chưa biết suy nghĩ làm sao. Cứ hồi hộp hồi hộp hoài, chưa biết làm sao đây. Mình sợ chứ. Hồi hộp hồi hộp, không có theo đủ. Mình không có đủ khả năng mình lo á. Coi như mình không có tiền để điều trị, sợ vậy đó. Sợ mình uống thuốc giả, hổng có tiền còn uống thuốc giả. Tiền mất rồi tật mang nữa. Mình mua thuốc hết tiền rồi mình uống cái đó nó không hết bệnh nữa mới khổ á. Tại vì mình nghèo mà. Đâu có tiền.

Sợ chứ, sợ chứ. Rủi mình uống thuốc giả vậy rồi sao hết bệnh. Trong khi mình không có tiền, tiền vay tiền hỏi mình đi khám bệnh đi điều trị, mà lỡ mà mình bị cái thuốc giả đó thì sao mà mình hết bệnh, rồi mình đâu có tiền điều trị tiếp. Mình cứ vay cứ hỏi nữa thì nợ mình cứ chồng nợ.”

Trông chờ vào lương y bác sĩ

Lo sợ là vậy, tuy nhiên họ không còn giải pháp nào khác ngoài vô thuốc và trông chờ vào lương y bác sĩ. Bà Nguyễn Thị Tuyết, mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 nói:

“Thì bác sĩ cho đâu thì mình mua ở đó. Giờ chắc cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gởi bác sĩ ở đây rồi. Bác sĩ làm sao mình hay vậy con ơi.”

Ông Trần Quốc Tế, người nhà bệnh nhân cho biết:

“Vẫn vô thôi, chứ cũng không không không có vô được, chứ rồi mình đâu có phải bác sĩ đâu mà biết thuốc giả thuốc không. Tại bệnh mà mình sợ chết mình phải vô thôi. Chứ không phải là không sợ. Sợ lắm nhưng mà tại vì các cái chứng bệnh của mình phải điều trị cho nó hết vậy thôi. Nhưng mà bệnh phát ra nhiều quá là mình phải vô thôi, bắt buộc mình phải vô thôi.

Thực sự mà nói thì cũng có lo lắng. Nhưng mà mình thì đi vào bệnh viện thì phải tin tưởng bệnh viện. Vì vào bệnh viện rồi thì sinh mạng mình thì là tùy thuộc vào các bác sĩ ở trong bệnh viện và tùy thuộc cách điều trị của bệnh viện. Nhất là các bệnh viện chuyên ngành giống như bệnh viện ung bướu thì người ta phải rành hơn và mình phải tin tưởng thì chữa trị nó mới hiệu quả.”

Tin tưởng bệnh viện, bác sĩ, tin tưởng thuốc trị bệnh nhưng rốt cuộc bệnh nhân bị một vố đau do VN Pharma gây ra. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số họ không nắm thông tin về vụ việc, hoặc nếu có cũng rất ít:

“Thì cô cũng nghe chứ cô cũng hổng có biết chữ, nghe người ta đọc báo người ta nói á.”

“Thì cũng nghe đài nghe thuốc nhập vô này kia qua trong Bộ y tế, trong Việt Nam mình á của Canada hay gì á. Đài với đồng chí anh em người ta bàn tán với nhau, người ta cũng nghe đài truyền hình. Cũng dập cũng không nghe rõ là nước nào. Nghe mại mại là Canada gì ấy.”

Thì bác sĩ cho đâu thì mình mua ở đó. Giờ chắc cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gởi bác sĩ ở đây rồi. Bác sĩ làm sao mình hay vậy con ơi.<br/>-Nguyễn Thị Tuyết

“Tôi có nghe về vấn đề mà báo chí cũng như đài cũng nói về vấn đề thuốc ung thư giả, thì cái đó thì tôi cũng có nghe.”

“Đặc trị ung thư đó. Cô vô hóa chất nè. Vô được 4 toa lớn, 3 toa nhỏ rồi. Bữa nay là toa thứ 4, còn 8 toa nữa đó. Giờ bác sĩ chỉ định sao thì mình vô vậy đó, chứ mình đâu có biết gì đâu. Tại vì nữa á, cô đâu có bắt đài thời sự gì đâu. Đâu có biết.”

Ông Trần Quốc Tế, có vợ điều trị ung thư buồng trứng tại bệnh viện Ung Bướu cho chúng tôi biết:

“Những thuốc ung thư ở đây là trực tiếp các khoa điều trị thì các khoa chích thuốc hoặc là cho uống thuốc chứ còn mình là mình không biết rõ cái vấn đề như thế nào. Trừ trường hợp mà thí dụ như đang giải phẫu, hoặc là có sự cố gì thì người ta kêu mình mua thuốc, thì lúc đó mình mới đi mua. Mua là mua để tăng cường về cho người ta chữa trị.

Thật sự mà nói thì nếu mà ai mà dính líu vào cái việc đó thì quá là nhẫn tâm. Tại vì, người ta đã đau rồi, đã ung thư là một cái bệnh rất là nan y, mà lại sử dụng cái thuốc ung thư giả thì nó không có hiệu nghiệm trên vấn đề chữa trị. Mà từ đó nó có thể là làm cho cái người bệnh tử vong một cách oan uổng. Và cái đó thì phải đưa ra vấn đề là ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về cái vấn đề đó. Và tại sao thuốc ung thư giả lan tràn như vậy.”

Người nhà ông Giao, bệnh nhân bướu cho biết, bà không giận, nhưng bà lo lắng khi điều trị cho chồng mình:

“Không giận, mà điều mình suy nghĩ nếu vậy thì mình bị người ta gạt, mình không có tiền để điều trị tiếp vậy thôi. Chỉ sợ, lo sợ vậy thôi, chứ còn giận thì không có giận. Có điều mình bị gạt thì mình chịu thôi.”

Còn ông Năm, đang điều trị ngoại trú tâm sự:

“Bình thường chứ mình phản đối thì phản đối ai giờ đây? Thì anh em tụi tui ngoại trú thì nằm ngoài hành lang ngoài này ở. Tới giờ thì đi khám bệnh, đặng chờ khám bệnh, tái khám á. Rồi nói ngay cũng nhờ anh em thành phố tốt, rồi các nơi tốt cho cơm cho quà, rất là nhiều. Có khi ở 3, 4 ngày mình về hà, (có khi 10 bữa, có khi nửa tháng rồi á). Hổm rày nửa tháng rồi.”

Bệnh tật, nghèo khổ, nhiều bệnh nhân ngoại trú phải nằm dọc các hành lang, ăn cơm từ thiện chờ tái khám. Trước vụ việc thuốc giả, họ cũng chỉ còn cách phó mặc số phận cho bác sĩ, bệnh viện. Vì có phản đối, họ cũng không biết phản đối như thế nào, phản đối với ai. Bất lực trước bệnh tật, người dân Việt còn bất lực trước cả một hệ thống y tế, chính trị còn nhiều bất cập.