ASEAN ra thông cáo chung nhưng vấn đề Biển Đông vẫn nhẹ

Các nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á - ASEAN cuối cùng cũng thông qua được thông cáo chung của hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 50, trong đó có yêu cầu các bên tranh chấp ở Biển Đông không được có những hoạt động quân sự hóa vùng biển này.

Thông cáo chung cũng nói là một số quốc gia lo ngại những hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo tại Biển Đông có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình ổn định của khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines đã kết thúc vào ngày thứ bảy 5 tháng 8, nhưng mãi cho đến ngày chủ nhật 6 tháng 8 thì thông cáo chung mới được thông qua.

Theo hãng tin AFP thì thông cáo chung ASEAN không ra được vào ngày kết thúc hội nghị do thái độ cứng rắn của Việt Nam muốn đưa nội dung cảnh báo chuyện quân sự hóa Biển Đông vào bản thông cáo chính thức.

Xin nhắc lại là việc chỉ trích hành động quân sự hóa Biển Đông là nhắm vào Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích khu vực biển này, đồng thời trong thời gian qua đã tiến hành bồi đắp xây đảo nhân tạo, thiết lập các căn cứ hậu cần và không quân trên những vị trí mà họ đang chiếm đóng thuộc Quần đảo Trường Sa.

Vào ngày Chủ nhật, 6 tháng 8, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cũng thông qua được khung dự thảo Bản Quy tắc Ứng xử cho các quốc gia tại Biển Đông đang tranh chấp, gọi tắt là COC.

Khung dự thảo này sẽ được đệ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia ASEAN vào tháng 11 tới đây.

Vào hôm 5 tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam đề nghị rằng các quốc gia ASEAN nên sớm tiến hành đàm phán COC với Trung Quốc.

Sang ngày 6 tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng việc chuẩn thuận khung dự thảo COC là một kết quả rất quan trọng từ nỗ lực chung của tất cả các bên.

Theo hãng tin AFP thì trong suốt hai ngày thảo luận trước đó, Việt Nam khẳng định mong muốn của mình rằng COC phải là một bộ luật mang tính pháp lý, nếu không, nó vô nghĩa.

Các chuyên gia về Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc sẽ không để COC mang tính chất pháp lý, nhằm giành cho Bắc Kinh thế thượng phong trong cuộc tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ yếu hơn.

Ba nước Úc, Nhật, Mỹ vào ngày 7 tháng 8 lên tiếng kêu gọi các quốc gia thuộc Hiệp hội Đông Nam Á - ASEAN và Trung Quốc cần bảo đảm Bộ Quy tắc về Ứng xử tại Biển Đông- COC được soạn ra phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Cả ba nước Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ không phải là những bên có đòi hỏi chủ quyền tại khu vực tranh chấp Biển Đông; nhưng lên tiếng với lập luận rằng quyền tự do hàng hải và hàng không ở tuyến đường biển là quan trọng.

Thống kê cho thấy tổng trị giá hàng hóa lưu thông hằng năm qua Biển Đông lên đến 5.000 tỷ đô la Mỹ.

Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng kêu gọi Philippines và Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA đưa ra vào ngày 12 tháng 7 năm ngoái. Theo đó PCA tuyên rằng đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông là không có căn cứ cả về mặt lịch sử cũng như pháp lý.

Ba quốc gia đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia cũng lên án Trung Quốc tiến hành bồi lắp, xây dựng những đảo nhân tạo tại Biển Đông mà có thể được sử dụng như những căn cứ quân sự.

Ba nước đồng minh này nói rõ những hành động cưỡng bức trên biển phải được dừng lại.

Kêu gọi của bộ trưởng ngoại giao ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia được nhận định là mạnh mẽ hơn thông cáo chung của 10 bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN đưa ra nhân kỳ họp vào dịp tổ chức này đã tròn 50 năm thành lập.

Trung Quốc lâu nay vẫn yêu cầu ba quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia không được can thiệp vào khu vực Biển Đông với lý do những tranh chấp tại đó chỉ là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với những nước có liên quan.

Vào ngày chủ nhật 6 tháng 8, ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc lên tiếng cảnh báo bất cứ sự can thiệp từ phía bên ngoài nào cũng có thể gây hại cho tiến trình đàm phán về bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông- COC.