Trịnh Xuân Thanh đối mặt cáo buộc tội tham ô

Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh cùng 20 người khác bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, theo Điều 165 và Điều 278 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Tin nói Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam vào ngày 26 tháng 12 hoàn tất cáo trạng vụ án liên quan dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo đó các bị can vừa nêu cố ý làm trái quy định và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống nhằm chiếm đoạt sử dụng cá nhân, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho Nhà nước.

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đã chỉ định thực hiện gói thầu EPC, qua hợp đồng số 33 trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến gần 120 tỷ đồng. Ông Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo này và bị cáo buộc tội ““Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cũng theo cáo trạng, ông Trịnh Xuân Thanh, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị cáo buộc liên quan đến hợp đồng số 33 của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ khống để rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, là một hạng mục phụ trợ của dự án Nhiệt Điện Quảng Trạch 1.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”,

Tòa án Nhân dân Hà Nội sẽ xét xử vụ án được cho là đặc biệt nghiêm trọng này. Theo luật định, khung hình phạt cao nhất đối với tội “cố ý làm trái quy định Nhà nước” là 20 năm tù và khung hình phạt cao nhất đối với tội “tham ô tài sản” là tù chung thân hoặc tử hình.