Thanh tra Chính phủ Việt Nam nói rằng có rất nhiều sai phạm liên quan đến các dự án BOT xây dựng các trạm thu phí đường bộ.
Thanh tra chính phủ đưa ra kết luận như vậy sau khi thanh tra 7 dự án thuộc loại này trên các tuyến đường bộ từ Bắc tới Nam.
Các sai phạm đó được nêu gồm xây dựng những trạm thu phí ở những nơi có nhiều xe cộ qua lại, và quá gần nhau, làm cho người dân không có chọn lựa nào khác; thu phí cao hơn phương án tài chính đưa ra; không có đấu thầu mà chỉ có chỉ định thầu; một số nhà đầu tư không có năng lực; chưa hoàn tất công trình mà đã thu tiền; một số trạm thu phí đặt bên ngoài vùng đất thực hiện dự án...
Theo thanh tra chính phủ, những sai phạm này dẫn đến việc người dân hoặc là phản đối, hoặc là tìm các đường ngang ngõ tắt để đi, gây hư hại cho các đường sá nhỏ.
BOT là chữ viết tắt của ba từ tiếng Anh: Build (xây dựng) Operate (Vận Hành) Transfer (Chuyển giao). Đây là một hình thức đầu tư, trong đó nhà đầu tư dùng vốn của mình xây dựng công trình, thu chi phí để lấy lại vốn, rồi sau đó chuyển giao cho nhà nước.
Một chuyên gia kinh tế là ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright tại Việt Nam trả lời truyền thông trong nước rằng hình thức hợp tác để xây dựng BOT giữa nhà nước và tư nhân như vậy dễ dẫn đến chuyện các công ty tư nhân sử dụng những quan hệ thân hữu trong chính quyền để trục lợi, tức là họ sẽ được cho phép thu tiền cao, thu tại nhiều trạm gần nhau, trong khi đó người dân lại không được lợi gì cả, dẫn tới bất bình.
Ông Du nhấn mạnh rằng hình thức BOT càng có tác dụng xấu trong điều kiện điều hành chính sách không minh bạch như ở Việt Nam.
Xin được nhắc lại là trong những ngày gần đây, dân chúng cho là chi phí của trạm BOT Cai Lậy ở Tiền Giang quá cao và việc bố trí các trạm bất hợp lý, đã dùng tiền lẻ để trả, gây kẹt xe, và sau nhiều ngày tranh cãi, trạm thu phí này phải ngừng hoạt động.
Cách đây vài tháng tại trạm thu phí Cầu Giẽ gần thành phố Vinh cũng đã xảy ra chuyện tương tự.