Bản Tuyên bố chung được công bố có 14 điểm bao quát các lĩnh vực trong mối quan hệ Việt- Mỹ.
Vấn đề nhân quyền là điểm thứ 10 trong tuyên bố chung, và theo đó thì lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Trong lĩnh vực quốc phòng, lãnh đạo hai phía khẳng định cam kết chung làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và quyết tâm đối phó với những thách thức an ninh khu vực. Về hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, ông chủ tịch Trần Đại Quang cám ơn phía Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho Việt Nam, nhằm giúp nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải và thực thi pháp luật của Việt Nam.
Lãnh đạo Hoa Kỳ và Việt Nam hoan nghênh kế hoạch về một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ lần đầu tiên đến thăm một cảng của Việt Nam trong năm 2018.
Về lĩnh vực thương mai theo Tuyên bố chung thì lãnh đạo hai nước hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới trị giá hơn 12 tỷ đô la nhân chuyến thăm của tổng thống Donald Trump đến Việt Nam.
Ngoài Tuyên bố chung 14 điểm được Hà Nội phổ biến như vừa nêu, hãng tin Reuters vào ngày 12 tháng 11 loan tin trong cuộc gặp chủ tịch nước Việt Nam, tổng thống Donald Trump cho biết sẵn sàng làm trung gian thương thuyết giữa các bên có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Reuters dẫn lời của tổng thống Donald Trump với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang rằng nếu thấy bản thân ông Trump có thể giúp làm trung gian hòa giải hay làm trọng tài thì hãy cho ông ta biết. Ông Trump nói rõ bản thân ông là một người giỏi làm trung gian hòa giải và làm trọng tài phân xử.
Tổng thống Donald Trump thừa nhận hoạt động tạo vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông là một vấn đề.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang của Việt Nam lặp lại quan điểm tin tưởng vào biện pháp giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Hãng tin AFP loan tin trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào sáng ngày 12 tháng 11, tổng thống Donald Trump lặp lại than phiền về thâm thủng mậu dịch giữa hai nước nghiên về phía Việt Nam ở mức 26 tỷ đô la vào năm ngoài. Yêu cầu phải loại bỏ mất cân đối về mậu dịch từ phía Việt Nam đối với Mỹ được đưa ra ngay đầu cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump với thủ tướng nước chủ nhà Nguyễn Xuân Phúc.
Như trong tuyên bố chung đưa ra, thì vào sáng ngày 12 tháng 11, tổng thống Trump chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận giữa các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam thuộc các lĩnh vực khí thiên nhiên, vận tải và hàng không. Trong đó có hợp đồng giữa Hãng Hàng Không Quốc gia Việt Nam- Vietnam Airlines với Hãng Pratt& Whitney của Hoa Kỳ trị giá 1,5 tỷ đô la. Theo đó Vietnam Airlines mua động cơ và dịch vụ hỗ trợ sản phẩm động cơ cho 20 máy bay Airbus A321. Hãng Vietjet cũng có hợp đồng mua động cơ máy bay và dịch vụ hỗ trợ của Pratt & Whitney trị giá 600 triệu đô la Mỹ.
Hai công ty năng lượng Mỹ gồm Alaska Gasline Development Corporation, AES Corporation và công ty xe tải Hoa Kỳ Navistar cũng có một số hợp đồng ký với phía Việt Nam sáng ngày 12 tháng 11; nhưng chi tiết chưa được công bố.