Trước ngày Đối thoại nhân quyền Việt Nam - Liên Minh Châu Âu (EU) lần thứ 7 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 12 sắp tới, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch khuyến nghị EU thúc đẩy chính quyền Việt Nam thả các tù nhân chính trị đang bị giam giữ, chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận, tự do lập hội, nhóm họp, tự do tôn giáo và tình trạng công an bạo hành.
Trong bản tuyên bố mới phổ biến sáng nay tại Brussels, thủ đô của Vương Quốc Bỉ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nhấn mạnh rằng trước các vòng đối thoại nhân quyền, chính quyền Việt Nam thường gia tăng đàn áp, bắt bớ, quản thúc các nhà bất đồng chính kiến, điển hình vào tháng 12 năm 2015, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt khi ông đang trên đường đến gặp phái đoàn nhân quyền EU ở Hà Nội.
Vì thế, ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch yêu cầu EU phải thúc đấy Hà Nội thả ngay luật sư Nguyễn Văn Đài.
Ông Đài hiện vẫn đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa.
Bản tuyên bố của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng nhắc lại mới hôm 16 tháng 11 vừa qua, công an Hà Nội đã câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội gồm tiến sĩ Nguyễn Quang A, blogger Phạm Đoan Trang, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng sau khi những người này có cuộc gặp và trao đổi với đại diện EU về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Ngoài ra, năm nay, trước phiên xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ vài ngày, nhà cầm quyền Việt Nam đã khai trừ luật sư Võ An Đôn, người nhân bào chữa cho blogger Mẹ Nấm, với lý do được luật sư Võ An Đôn cho là nhằm ngăn chặn thông tin về phiên tòa.
Cũng cần nói thêm hồi tháng 10 năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng nói rằng tình trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ, đồng thời nêu bật 15 trường hợp trong số 105 người đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền tôn giáo hoặc chính trị.
Các vụ kết án gần đây nhất được nói tới là các trường hợp của blogger Mẹ Nấm 10 năm tù, nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động Trần Thị Nga 9 năm tù; Nguyễn Văn Oai 5 năm tù, Phan Kim Khánh 6 năm tù và Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù.
Phóng viên không biên giới tiếp tục chiến dịch kêu gọi ngưng đàn áp
Cũng liên quan đến nhân quyền, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cùng những tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã gặp gỡ với các thành viên của Quốc Hội Châu Âu tại Brussels, Bỉ vào ngày 22 và 23 tháng 11 năm 2017 vừa qua, để thảo luận về số phận của nhiều blogger ở Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí phổ biến vào hôm thứ Hai, ngày 27 tháng 11, tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) thông báo ý định tiếp tục chiến dịch kêu gọi “Ngưng đàn áp tại Việt Nam” trước những diễn tiến mới nhất liên quan nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm tự do truyền thông.
RSF nhắc đến phiên xử không thông báo trước của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, diễn ra chỉ vỏn vẹn trong 2,5 giờ đồng hồ vào ngày 27 tháng 11 đối với phóng viên-Blogger Nguyễn Văn Hóa. Thanh niên trẻ, 22 tuổi Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Blogger Nguyễn Văn Hóa bị bắt hồi đầu năm 2017 do đã dùng mạng xã hội Facebook để đưa những thông liên quan thảm họa môi trường biển, do nhà máy Formosa thải độc tố ra biển ở khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung và anh Hóa đã sử dụng thiết bị bay (drone) để ghi hình lại cuộc biểu tình của hơn 20 ngàn người trước cổng công ty Formosa vào tháng 10 năm 2016.
Ông Daniel Bastard, Trưởng văn phòng của RSF tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng RSF mạnh mẽ lên án bản án không khoan dung đối với Blogger Nguyễn Văn Hóa vì anh Hóa đã đồng ý nhận tội theo như đề nghị của công an là không nhờ luật sư bào chữa cho việc đưa tin tức của mình lên mạng xã hội.
Ông Daniel Bastard khẳng định Việt Nam mạnh tay đàn áp tự do truyền thông và kêu gọi các đối tác thương mại nên có những quyết định thích hợp đối với Chính phủ Hà Nội.
RSF cũng đề cập đến trường hợp Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên rút giấy phép hành nghề của Luật sư Võ An Đôn 4 ngày trước phiên tòa phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Trong chiến dịch kêu gọi “Ngưng đàn áp tại Việt Nam”, Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cũng hy vọng Quốc Hội Âu Châu sẽ có giải pháp đối với tình trạng các blogger bị đàn áp tại Việt Nam, trông đợi Quốc Hội Âu Châu đưa ra một bản nghị quyết khần cấp về tình trạng nhân quyền Việt Nam.
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam thứ hạng 175 trong số 180 quốc gia về tự do truyền thông trong năm 2017.