Việt Nam rất lấy làm tiếc về phát ngôn Bộ ngoại giao Đức đưa ra ngày hôm qua, 2 tháng tám.
Đó là phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng với báo chí Việt Nam trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam sáng nay tại Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam lên tiếng một cách chính thức đáp lời cáo buộc của nước Đức là cơ quan an ninh Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức. Cáo buộc này được đưa ra cách đây hơn một ngày, trong đó có kèm theo lệnh trục xuất một viên chức của tòa đại sứ Việt Nam tại Berlin, được cho là phụ trách công tác tình báo.
Trả lời các phóng viên nước ngoài về cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, và việc ông này đang xin qui chế tị nạn, bà Lê Thị Thu Hằng nói rằng theo thông cáo của Bộ công an Việt Nam vào ngày 31 tháng bảy, ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú, và hiện nay cơ quan chức năng đang điều tra.
Bà Thu Hằng còn nói thêm là Việt Nam rất coi trọng quan hệ với nước Đức.
Xin nhắc lại là vào ngày hôm qua 2 tháng tám, 2017, Bộ ngoại giao Đức ra thông cáo cáo buộc Việt Nam đã tổ chức bắt ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu viên chức cao cấp ngành dầu khí Việt Nam chạy trốn sang Đức, sau những cáo buộc tham nhũng, từ khoảng tháng 7 năm 2016.
Thông báo nói rõ rằng việc làm của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp nước Đức, và chưa có tiền lệ.
Trong thông cáo này cũng có yêu cầu một viên chức tình báo Việt Nam tại Đức phải rời đất Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Đồng thời phải đưa ông Thanh trở lại Đức để quyết định số phận của ông theo luật pháp của Đức.
Ngoài ra còn có một nguồn tin là tờ báo chuyên về tài chính Financial Times của Anh còn nói rằng Đức ra lệnh trục xuất cả viên Đại sứ Việt Nam tại Đức. Nhưng vào ngày 3 tháng tám, tờ báo này đã đăng bài cải chính rằng không có chuyện vị Đại sứ Việt Nam bị trục xuất.
Tòa đại sứ Việt Nam tại Đức thì trả lời rằng họ không có thông tin gì về vụ này.
Trước đó, vào ngày 31 tháng bảy, Bộ công an Việt Nam thông báo chính thức rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú, nhưng một tờ báo tiếng Việt tại Đức lại nói rằng ông Thanh không phải tự nguyện ra đầu thú mà bị cơ quan an ninh bắt cóc tại Đức.
Theo các nguồn tin của hãng Reuters tại Hà Nội, thì các phóng viên của hãng Reuters đã tìm đến gia đình ông Thanh tại thành phố này, và được một người trong nhà bảo rằng không có ông Thanh lẫn các thành viên của gia đình ông ở đó.
Vào khoảng bảy giờ tối giờ Việt Nam, ngày 3 tháng tám, truyền hình Việt Nam đã loan tải một đoạn video, trong đó ông Trịnh Xuân Thanh nói rằng ông đã nuối tiếc vì đã trốn chạy, và nay trở về đầu thú đế hưởng sự khoan hồng của đảng và nhà nước Việt Nam. Đoạn video cũng cho thấy hình ảnh thư đầu thú của ông Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức cao cấp của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Ông có thời gian làm Chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty xây lắp dầu khí thuộc tập đoàn này.
Sau thời gian làm việc ở đây ông Thanh được bầu làm đại biểu quốc hội Việt Nam của tỉnh Hậu Giang, đồng thời làm Phó chủ tịch tỉnh này.
Vào khoảng giữa năm 2016, chính quyền Việt Nam bắt đầu đưa ra một nghi án tham nhũng làm thất thoát một số tiền lên đến 3300 tỉ đồng tại Tổng công ty xây lắp dầu khí trong giai đoạn ông Thanh phụ trách tập đoàn này.
Sau đó có tin ông Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, và cơ quan an ninh Việt Nam đã phát lệnh truy nã ông trên toàn thế giới.