Hai cựu quan chức dầu khí ra tòa vào tháng 1 năm 2018

Toà án Nhân dân Hà Nội hôm thứ Tư, 27 tháng 12 cho biết ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ đại án tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sẽ ra toà vào ngày 8 tháng 1 năm 2018.

Vụ án này có 22 bị cáo, trong đó 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, khoản 3 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999. Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN bị truy tố theo tội danh này.

8 bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Tham ô tài sản", theo quy định tại Điều 278, khoản 4 – BLHS năm 1999.

Riêng ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, Tổng Giám đốc PVC và Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC bị truy tố cùng lúc về cả 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

Phiên toà được cho biết dự tính sẽ diễn ra trong hai tuần. Tính đến lúc này có 45 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích được cho là hợp pháp của các bị cáo.

Theo hồ sơ vụ án do cơ quan tố tụng thành lập, bị cáo Đinh La Thăng có liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và chỉ định PVC ký những hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Hãng tin AP cho biết nếu bị kết án, bị cáo Đinh La Thăng có thể đối diện án 20 năm tù.

Cũng liên quan đến Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC đã sử dụng số tiền do PVC ký hợp đồng vào những mục đích khác, gây thiệt hại cho nhà nước trên 119 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân dân, Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội danh tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình và tội cố ý làm trái với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Trước khi đại án PVC được đem ra xét xử, truyền thông trong nước cho biết từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, Bộ Luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực với những thay đổi quan trọng, trong đó có quy định người bị kết án tử hình tội tham ô, nhận hối lộ nếu chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản phạm tội thì có thể được xem xét không thi hành án.