Quốc hội VN yêu cầu quân đội không dùng đất để kinh doanh

Quân đội không được phép sử dụng các tài sản chuyên dùng của quân đội vào mục đích kinh doanh.

Đó là một trong những nội dung được đề cập đến trong Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa được quốc hội Việt Nam thông qua sáng 21 tháng 6.

Theo luật này có hai loại tài sản mà quân đội không được sử dụng để kinh doanh, mặc dù họ quản lý chúng.

Loại thứ nhất gọi là tài sản đặc biệt bao gồm vũ khí, vật liệu nổ, phương tiện đặc chủng, công trình chiến đấu,..

Loại thứ hai là tài sản chuyên dùng bao gồm nhà cửa đất đai gắn liền với doanh trại, trường học quốc phòng, thao trường, trại giam,…

Xin được nhắc lại là trong thời gian qua có hai vụ việc liên quan đến đất đai do quân đội quản lý lại được đưa vào kinh doanh, gây ra phản ứng trong công dư luận.

Vụ thứ nhất là tại Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, nông dân và chính quyền đối đầu nhau trong một vụ tranh chấp đất đai mà người dân nói là đất canh tác của họ được giao cho Tập đoàn Viễn Thông Viettel của quân đội kinh doanh. Vụ này đã dẫn đến chuyện dân làng bắt giữ 38 nhân viên công an và cán bộ nhà nước làm con tin vào tháng tư năm nay. Sau đó đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội phải xuống thôn Hoành, xã Đồng Tâm để đối thoại và viết cam kết trước dân để giải quyết khủng hoảng.

Vụ thứ hai liên quan đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bị vướng phải sân golf nằm trong phần đất do quân đội quản lý. Trong khi nhu cầu mở rộng sân bay này trở nên rất cấp thiết vì giao thông ùn tắc, không có chổ đổ máy bay, thiếu đường băng đáp máy bay dẫn đến máy bay phải tốn nhiều nhiên liệu trong thời gian chờ trên không để được đáp.

Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết vào năm ngoái, do quá tải các sân bay, đặc biệt tại Sân bay Tân Sơn Nhất, số giờ bay thực tế so với kế hoạch tăng khoảng gần 1400 giờ làm cho chi phí khai thác thăng lên gần 190 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến quốc hội Việt Nam, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 kết thúc vào ngày 21 tháng 6 sau gần một tháng làm việc.

Kỳ họp lần này Quốc hội Việt Nam thông qua 12 luật, 12 nghị quyết, và cho ý kiến về 6 luật khác.

Trang web của quốc hội nói rằng các đạo luật mới này thể hiện tin thần của hiến pháp Việt Nam là tôn trọng quyền con người, đảm bảo an ninh quốc phòng, và thúc đấy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong số các nghị quyết được phê chuẩn lần này có nghị quyết về giám sát, theo đó quốc hội Việt Nam sẽ bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm các chức danh của chính phủ trở lại vào năm tới 2018.

Một điều được cho là chuyển biến tại kỳ họp quốc hội vừa kết thúc là các đại biểu chuyển từ việc chỉ đọc tham luận nay có thêm hoạt động tranh luận. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn được kéo dài thêm nửa ngày.