Việt Long, phóng viên đài RFA
Cuộc hội thảo liên quan đến Việt Nam khai diễn tại thành phố Lubbock, bang Texas từ ngày 12 đến 15 tháng ba năm 2008 do Trung tâm Việt Nam của đại học Texas Tech tổ chức.
Cuộc hội thảo nhằm mục đích thảo luận và nêu ra các khía cạnh chiến thuật chiến lược của trận chiến Tết Mậu thân ở Huế trước giới sử học và giới nghiên cứu ở Hoa Kỳ.
Trong đó có cả những cuộc thảm sát rùng rợn do phía quân đội Cộng sản miến Bắc thi hành, mà đến nay vẫn chưa được những người Cộng sản Việt Nam nhìn nhận và giải oan cho các vong hồn, nhiều người Việt Nam trẻ tuổi ở trong nước cũng còn bán tín bán nghi, trong khi ở Mỹ cũng có nhiều người Hoa Kỳ chưa biết đến.
Trong ba bài phóng sự đã phát thanh trước đây, Việt-Long trình bày các cuộc thảo luận về vịêc giới truyền thông phản chiến của Mỹ đã làm cho cuộc chiến Mậu thân bị coi là thất bại chiến lược, và về những diển tiến nội bộ ở cấp lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian dẫn tới chiến cuộc Mậu thân 1968.
Qua bài cuối này, Việt-Long tường thuật tiếp hiến quý vị, về bài thuyết trình của các diễn giả Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Lý Tưởng, tiến sĩ sử gia Andrew Weist, nói về những diễn tiến quân sự của trận tết Mậu thân ở Huế, trong đó có những sự ghi nhận của những cấp chỉ huy phía bên quân đội Cộng sản, và những bằng chứng cụ thể của cuộc thảm sát Mậu thân trên xứ Huế, sau cùng là sự thất bại chiến lược của Sài Gòn và Washington, khởi nguồn từ một chiến thắng lớn ở tầm mức chiến thuật.
Mặt trận Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích soạn thảo một tài liệu 24 trang về mặt trận Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu thân 1968 để phổ biến và trình bày trong cuộc hội thảo về biến cố quân sự lịch sử này.
Ông cho biết lý do của tài liệu này, là khi tham khảo các sách vở quân sử và của truyền thông Hoa Kỳ, thấy mặt trận Huế rất ít được đề cập, có khi vài đoạn, nhiều lắm là đôi ba trang sách với những dữ kiện sai lạc. Phía những người Việt hải ngoại cũng không trình bày đầy đủ những dữ kiện đáng nói tới.
Theo giáo sư Bích, mặt trận Huế năm 1968, chỉ riêng về khía cạnh quân sự, có nhiều yếu tố đặc biệt, độc đáo, so với các mặt trận khác trên toàn miền Nam vào ngày ấy.
Thứ nhất là mặt trận Sài Gòn do hai lực lượng, của Cộng Sản miền Nam và của Cộng Sản miền Bắc chủ công. Các tứơng Trần Văn Trà, Lê Đức Anh và uỷ viên Mai chí Thọ chỉ huy mặt trận bắc Sài Gòn, các uỷ viên Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng chỉ huy mặt trận nam Sài Gòn.
Ở Huế, các đơn vị tham chỉến là quân miền Bắc. Tướng Trần Văn Quang nắm quyền chỉ huy tổng quát, nhưng lúc đầu giao quyền chỉ huy chiến trường cho đại tá Lê Minh, với Thành đội trưởng Huế là Thân Trọng Một chỉ huy cánh quân phía Nam, cũng gồm toàn các đơn vị Bắc quân xâm nhập.
Do đó, điểm đặc biệt thứ hai là chiến thắng hay thất bại cùng mọi trách nhiệm ở mặt trận Huế hòan toàn nằm trên vai quân đội chính quy miền Bắc.
Kế tiếp, mặt trận Huế, cũng như trận tổng tấn công 1972 về sau, chứng tỏ các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Việt Nam Cộng Hoà có thừa khả năng chíên thắng trước các đơn vị lừng lẫy danh tiếng của quân đội miền Bắc, khi phía miền Nam còn được Hoa Kỳ yểm trợ hoả lực và phương tịên đầy đủ.
Những cuộc chạm súng nảy lửa
GS Nguyễn Ngọc Bích lược thuật diễn tiến quân sự của trận Mậu thân ở Huế, dựa trên hằng chục tài lịêu Mỹ Việt mà ông đã tham khảo, trong đó có cả những tạp chí của ngành quân sử Cộng Sản Việt Nam.
Đêm 31 tháng giêng, là khuya mùng 1 tết, 4 tiểu đoàn do đại tá Lê Minh chỉ huy tiến vào từ phía bắc, 4 tiểu đoàn của Thành ủy viên Thân Trọng Một xâm nhập theo hướng Nam. Cả hai cánh đều do các đại đội đặc công dẫn đầu.
Nương theo điều kịên thời tiết thuận lợi và được những phần tử nằm vùng hướng dẫn, bộ đội Cộng Sản chiếm lĩnh toàn bộ thành phố Huế trong vòng 24 giờ, chỉ trừ mấy ổ kháng cự lẻ tẻ như đại đội 81 quân cụ, phi trừơng Tây lộc, đồn Mang Cá bản doanh sư đoàn 1.
Điểm đặc biệt, theo cựu dân biểu Nguyễn Lý Tưởng có mặt tại Huế và Quảng Trị trong những ngày khói lửa đó, thì nơi nào mà lính Cộng hoà còn lại chỉ chừng một vài trung đội trở lên, trừ những người nghỉ phép và vắng mặt tại đơn vị, thì Cộng quân không thể nào chiếm được, dù các đại đội đặc công và tiểu đoàn chính quy Cộng sản tung ra nhiều đợt tấn công trong suốt mấy tuần lễ sau đó, để lại hằng trăm xác chết.
Trại quân cụ và ty cảnh sát là hai ví dụ điển hình nhất. Quân miền Bắc tấn công mạnh vào đồn Mang Cá, nơi chỉ còn chừng 200 quân trú phòng, trong số đó có cả những bệnh binh, và đồng loạt tấn công các ổ kháng cự vừa kể, nhưng đều không chiếm được.
Ba tiểu đoàn Nhảy dù Việt Nam Cộng Hoà từ Quảng Trị, Đà Nẵng, Sài Gòn nhập trận, tăng cường phản công từ mùng 3 tết, củng cố vị trí đồn Mang Cá, chiếm được một quãng tường thành, tiến vào Tây Lộc. Lực lượng mũ đỏ tấn công dữ dội.
Quân hai bên ngã gục trên từng đường phố, từng căn nhà. Nhảy Dù đẩy lui Cộng quân trên từng thước đất, giải tỏa nửa phi trường Tây Lộc và chiếm lại cửa An Cựu, nhưng cánh quân tiến về Đại Nội bị chặn đứng. Quân miền Bắc quyết tử thủ, hai bên đều tổn thất rất nặng trong những trận tấn công phản công liên tục.
Sau đó chiến sự dãn bớt trong vài ngày để hai đạo quân cùng lấy lại hơi sức. Bên các trung đoàn miền Bắc thì gần hết đạn, theo điện báo của đại tá Lê Minh về Hà Nội. Bên Nhảy Dù cũng phải củng cố và tăng cường lực lượng vì quân số hao hụt quá nhiều.
Tư lệnh mặt trận của Bắc Quân, tướng Trần Văn Quang vào Huế, tái bố trí các đơn vị, ra lệnh phản công. Lực lượng Mũ đỏ bám chặt trận địa.
Hai đội quân tinh nhuệ đã nhiều ngày quần thảo với nhau trên một diện tích chiến trường chật hẹp với những đường phố nhỏ nhà cửa san sát. Chỉ có thể đánh trực diện, không thể bọc hông, vu hồi. Sau ba bốn giờ đồng hồ tấn công dữ dội, quân Bắc Việt bị đẩy lui, để lại nhiều xác.
Cuộc phản công của miền Nam
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thuật tiếp: Điện lại đánh về Hà Nội xin tăng cường đạn dược và quân số. Quân uỷ trung ương hứa sẽ đáp ứng. Một trong những mật văn trả lời do các tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng và Song Hào cùng ký. Riêng tướng Văn Tiến Dũng còn có điện riêng hứa sẽ đưa quân tăng cường.
Sang ngày 10, lực lượng tăng cường của miền Bắc bị tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến Mỹ chặn đánh tan tác. Đạn dược cũng không đến được với bộ đội tác chiến trong Thành Nội và phía bờ bắc sông Hương, trong khi bờ nam vẫn do các lực lượng chính quy và địa phương của Việt Nam Cộng Hoà giữ chặt.
Ngày 13, Thuỷ quân lục chiến Mỹ tấn công mạnh mạn Đông và đông nam Thành nội. Cùng lúc, Thuỷ quân lục chiến Việt Nam đến thay các tiểu đoàn Nhảy dù đã kiệt sức và thương vong quá nhiều. Đoàn quân Mũ Xanh đánh rát vào mạn tây nam để cắt đứt đường tiếp vận của Bắc quân.
Cộng quân tung hết lực lượng phản công ác liệt. Hai bên giành nhau từng ngôi nhà từng vườn cây từng góc đường trong Thành Nội. Chiến sự tiếp diễn.
Cộng quân tử thủ, cầm cự thêm 11 ngày trước sức tấn công mãnh liệt của thuỷ quân lục chiến Việt Mỹ, trong khi đài phát thanh Hà Nội loan báo chính quyền giải phóng được thành lập ở Huế với sự lãnh đạo của một số sinh viên, trí thức ở Huế theo Cộng Sản.
Ngày 19 tháng 2, Đại tá Lê Minh gọi họp chỉ huy, đề nghị rút lui sau khi đã chiếm được hầu hềt các mục tiêu chiến thuật, vì đạn dược còn quá ít, và ông nói không thể tiến tới một chiến thắng quyết định.
Theo tài liệu quân sự của Bắc quân mà diễn giả Nguyễn Ngọc Bích dịch thuật lại bằng Anh ngữ, Đại tá Lê Minh ra lệnh rút lui, đưa những chiến lợi phẩm cùng thương binh và những người bị bắt về các căn cứ ở vùng kiểm soát và trong các rừng rậm.
Ngày 21, ba tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ, ba tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Việt Nam cùng mấy tiểu đoàn của Sư Đoàn I tổng tấn công mọi vị trí trong và ngoài Thành Nội. Không quân Việt Mỹ được thời tiết tốt bắt đầu oanh kích Bắc quân và các vị trí yểm trợ, tiếp vận của họ.
Ngày 22, Bắc quân bất ngờ dốc toàn lực phản công lần cuối, chiếm lại một số vị trí trong thành nội. Đại đội Hắc Báo, trinh sát Sư đoàn I, của thiếu tá Trần Ngọc Huế gom quân xông vào đánh trộn trấu, giáp lá cà với đối phương trong màn đêm, tái chiếm trận địa, các đơn vị bạn yểm trợ và tiếp tục đà tấn kích.
Sau này mới biết đó là cuộc tấn công cuối cùng của quân miền Bắc, để nguỵ trang cuộc rút lui chíên lược trên mặt trận Huế nhưng để lại một số chốt cảm tử cầm cự đến chết để bảo vệ chủ lực rút lui.
Đêm 23 rạng sáng ngày 24 tháng 2, vị trí tử thủ cuối cùng của Bắc Quân trên kỳ đài Phu Văn Lâu ở cửa Thượng Tứ bị tiêu diệt. Binh sĩ Sư đoàn 1 leo lên hạ lá cờ giải phóng có sao vàng xuống, thượng kỳ lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hoà.
Những bằng chứng thảm sát tại Huế
Tổn thất của bên Bắc quân không được Hà Nội công bố, nhưng thi sĩ Chế Lan Viên ở Hà Nội có bài thơ viết về trận Huế năm Mậu thân, ý nói rằng; hai ngàn người xung trận, chỉ ba mưoi trở về. Tướng Trần Văn Trà cũng viết: có nhiều đơn vị ra trận mà không một ai trở về.
Số liệu kiểm kê của đồng minh cho biết khoảng 5 ngàn cộng quân chết tại trận, đếm và chôn được xác, về sau còn phát giác gần 3 ngàn xác Bắc quân được đồng chí của họ chôn cất ở vùng đồi núi phía Tây thành phố Huế.
Thiếu tá Trần Ngọc Huế nói khi trông thấy ông không tin ở mắt mình, vì bộ đội tử thương đều rất trẻ, trên người còn mặc quân phục kaki Nam Định mới tinh. Về sau một vài tù binh cho biết họ được lệnh trang bị để tiến vào tiếp thu thành phố Huế đã giải phóng, nhưng ngụơclại đã bị phi pháo và quân bộ chiến đồng minh chặn đánh tan tác.
Hồi ký của tướng Lê Minh cũng víêt: Quân Bắc rút lui từ ngày 22, đến 26 mới hoàn tất, chiến lợi phẩm toan đem về thì phải bỏ lại để thoát thân, bộ đội đói khát ngay từ lúc về căn cứ. Trong khi đó thì quân miền Bắc lại dồn vào thêm, ai cũng phải kiếm cái ăn trong rừng, lại còn được lệnh chuẩn bị tấn công đợt tháng năm, 1968.
Lực lượng tham chiến của Việt Nam Cộng Hoà mất 384 người tử trận, 1 ngàn 800 bị thương, quân Mỹ chết gần 150, hơn 800 bị thương phải di tản. Những con số này đểu được kỉêm kê chính xác.
Nhưng tổn thất dân sự mới càng thảm khốc. Chết vì bom đạn được kiểm kê hơn 800 người, bị thương 1 ngàn 900. Chưa hết. 7 ngàn người dân và viên chức miền Nam mất tích, về sau tìm thấy 2 ngàn 800 xác người trong các hố chôn tập thể và hơn 400 sọ người ở khe Đá mài, nơi dân Huế bị xỏ xâu, xô té xuống vực và giết bằng lựu đạn, chất nổ.
Những người kia biệt tích mãi mãi, đến nay Nhà nước Việt Nam vẫn không cho biết họ đã bị giết và chôn vùi ở đâu.
Trong hồi ký của tướng Lê Minh, ông tỏ ra vẫn còn có lương tâm, khi ông viết về những cái chết vô tội của người dân Huế, rằng: Dù sự chết chóc của dân không thể tránh được trong chiến tranh, nhất là một cuộc tổng khởi nghĩa, nhưng những kẻ gây tội ác với dân phải bị trừng trị,; nhiều người dân đã bị kết án và giết oan, và dù nguyên do thế nào, thì trách nhiệm cũng thuộc về cấp lãnh đạo chỉ huy ở mặt trận, trong đó có cả bản thân ông.
Cuộc thảm sát thường dân ở Huế trong tết Mậu thân còn được nhiều chứng nhân kể lại trong cuộc hội thảo ba ngày 12, 13, 14 tháng 3 năm 2008 tại Lubbock, Texas, với những nhân chứng sống từng chứng kiến tận mắt, khó lòng chối bỏ.
Cựu dân biểu Nguyễn Lý Tưởng là người có mặt ở Huế từ giao thừa năm ấy, nhưng may mắn thoát cuộc thảm sát, vì ông thăm nhà ở một làng quê bên ngoài thành phố Huế.
Sau đó ông tìm cách đến được với tướng Hoàng Xuân Lãm tư lệnh vùng I chíên thuật, và với tư cách dân biểu quốc hội Việt Nam Cộng Hoà, ông tham dự nhiều cuộc họp quân sự của cấp lãnh đạo Trung ương và sau đó đi đến những nơi có hố chôn tập thể.
Nhờ thế ông nghe được và chứng kiến những diễn tiến điều động binh lực của phía Việt Nam Cộng Hoà và đồng minh trong chiến cuộc Mậu Thân, thấy hết mọi xác người. Ông thuyết trình bằng tiếng Việt, sau đó được phiên dịch sang tiếng Anh cho các nhà nghiên cứu và phóng viên nước ngoài ghi nhận.
Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng nói về những hố chôn tập thể được khai quật sau khi quân Cộng sản rút đi, về một nơi mà hơn 400 người vô tội bị đẩy xuống và tung lựu đạn chất nổ giết sạch.
Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng kết luận, nói lên chủ đích của ông khi nêu ra những sự kiện này để công luận và lịch sử ghi nhận.
Khúc quanh của cuộc chiến Việt Nam
Cuộc hội thảo xoay quanh những khía cạnh quân sự, chính trị, nhân đạo, cùng ý nghĩa chiến luợc của trận tổng công kích, tổng khởi nghĩa năm Mậu Thân 1968.
Một diễn giả sử gia Hoa Kỳ, tiến sĩ Andrew Weist, trình bày những chứng cứ của sự kiệt quệ về quân sự của phía Cộng Sản ở miền Nam sau trận Mậu thân, nhưng ông nhận định rằng quân lực Việt Nam và Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội và không khai thác được một chiến thắng to lớn, để sau cùng phải thua cuộc chiến:
Tuy nhiên, tất cả các diễn giả đều nhìn nhận chiến cuộc Mậu thân là khúc quanh quyết định của cuộc chiến tranh 1959-1975 ở Việt Nam. Phe đồng minh tự mình chuyển thắng thành bại, ý chí chiến đấu hoàn toàn sụp đổ ngay tại Washington.
Tổng thống Johnson từ bỏ nhiệm kỳ II, tìm cách hoà đàm, Tổng thống Nixon về sau bắt tay được với Trung Quốc, Liên Xô, nhưng rốt cuộc, cả chế độ Việt Nam Cộng Hoà miền Nam cùng Mặt trận giải phóng đều bị những người Cộng sản Việt Nam nuốt gọn, trong khoảng thời gian từ chiến dịch mùa xuân năm 1975 cho đến hội nghị Trung ương lần thứ 24, và kết thúc trọn vẹn bằng cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước ngày 25 tháng tư năm 1976, chưa đầy một năm, sau ngày các binh đoàn Cộng sản chiếm trọn Sài Gòn.