Bà Uyên là một người Pháp gốc Việt; lần này bà về TP.HCM thăm cha mẹ già gần 90 tuổi.
Quỳnh Như có cuộc trò chuyện với bà khi bà vừa trở về Pháp. Mời quý thính giả theo dõi.
Theo dự trù ngày 17/08 bà Phạm Thị Uyên sẽ trở về Pháp trên chuyến bay Sài Gòn - Hà Nội - Paris. Sáng ngày 18/8, các con của bà Uyên ra phi trường ở Paris để đón mẹ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy mà cũng không nghe mẹ báo tin gì cả nên đã đến quày vé của Vietnam Airlines để hỏi xem bà Uyên có tên trong danh sách chuyến bay hay không. Hãng này từ chối không trả lời; các con bà Uyên báo động với cảnh sát Pháp sau khi biết bà Uyên đã rời TP.HCM và hoàn toàn không có tin tức. Nhiều giờ sau, gia đình mới nhận được tin là bà Uyên "bị trễ máy bay ở Hà Nội" và sẽ về Pháp vào ngày 19/8.
Về đến Paris, bà Uyên cho biết, thật ra không phải bà bị trễ máy bay, và chuyến bay ngày 17/8 từ Sài Gòn ra Hà Nội diễn ra một cách bình thường. Nhưng khi đến sân bay Nội Bài – Hà Nội làm thủ tục để đi tiếp chặng cuối Hà Nội-Paris thì sự việc mới xảy ra...
Có vấn đề với công an
Bà Uyên cho biết:
“Tôi đưa hộ chiếu của tôi qua công an để đi lên máy bay đi Pháp thì bị chận lại. Sau đó tôi hỏi tại sao thì người ta nói là "Chị có vấn đề với công an" và họ đưa tôi vô phòng làm việc.”
Bà Uyên cho rằng đây là một sự sắp xếp có tính toán từ trước vì khi bà đưa hộ chiếu ra để kiểm tra thì sau khi đọc xong công an cửa khẩu sân bay Nội Bài đưa bà vào phòng làm việc và báo với bà rằng, những người được mời vào đây làm việc là coi như có vấn đề, thì coi như bà không thể đi được trên chuyến bay như dự định.
Bà Uyên kể lại nội dung các buổi làm việc với công an tại sân bay Nội Bài:
Tôi đưa hộ chiếu của tôi qua công an để đi lên máy bay đi Pháp thì bị chận lại. Sau đó tôi hỏi tại sao thì người ta nói là "Chị có vấn đề với công an" và họ đưa tôi vô phòng làm việc.
Bà Phạm Thị Uyên
“Các anh công an đó người ta mới hỏi tôi là "Chị có biết trong thời gian 3 tuần lễ chị đã làm chuyện gì?" Tôi nói là "Tôi rất ngạc nhiên khi anh hỏi câu đó, tại vì khi tôi về Việt Nam tôi chỉ ở nhà với bố mẹ tôi và tôi có đi chợ mua đồ để đem về bên Tây thôi."
Xong rồi mấy người này họ hỏi là "Khi tôi mang chị đến đây là đã có vấn đề. Bây giờ chị phải kể cho tôi nghe hết những chuyện gì chị đã làm." Tôi mới nói là "Tôi rất ngạc nhiên khi anh nói câu đó, tại vì trong suốt thời gian tôi ở với bố mẹ tôi, tôi không có một người công an nào đến hỏi tôi như là kêu tôi làm việc hay là có chuyện gì trong suốt thời gian tôi ở với bố mẹ tôi. Tôi không có một vấn đề gì với công an hết, mà tại sao bây giờ có vấn đề này?"
Thế rồi công an người ta mới nói là "Chị có người em là Phạm Minh Hoàng đã bị bắt thì người em chị có kể cho chúng tôi nghe là chị có đem về một máy vi tính. Bây giờ chị phải kể cho tôi nghe cái máy vi tính đó là của ai đưa cho chị đem về và trong đó có những cái gì? Thì tôi giải thích cho anh ấy nghe là máy vi tính đó là của mấy đứa con tôi nó đã xài rồi nhưng mà nó còn quá tốt thì tôi đem về cho em tôi xài và tôi hoàn toàn không biết gì về máy vi tính hết, tại vì tôi cũng lớn tuổi rồi tôi không có khi nào sử dụng về mạng lưới hay là vi tính."
Nhưng mà người ta cố tình hỏi tôi là trong cái máy đó nó có rất nhiều điều chống lại nhà nước, đặc biệt là Đảng Việt Tân. "Chị có biết là Đảng Việt Tân là đảng khủng bố tàn ác. Tất cả những nước trên thế giới đều chống Đảng Việt Tân. Cho nên bây giờ chị phải cộng tác với chúng tôi để làm cho sáng tỏ vấn đề." Tôi nói với anh đó là "Từ trước tới nay không có làm những chuyện về chính trị và tôi cũng không có làm gì hơn, tôi chỉ biết chăm sóc gia đình thôi."
Trong suốt một thời gian tôi bị thẩm vấn từ 10 giờ tối cho đến 2 giờ rưỡi họ cứ hỏi tới hỏi lui tôi trong những vấn đề đó. Mà không phải có một người hỏi, sau đó lại có một tốp người khác đến để làm việc với tôi. Rồi sau đó người ta cứ hỏi thêm về tình trạng gia đình, con cái mà họ bắt tôi khai rất là kỹ. Có những vấn đề rất là ... mà họ cứ bắt tôi phải nói ra.
Sau buổi thẩm vấn đến 2 giờ rưỡi sáng thì tôi nghĩ là tất cả những người thẩm vấn và người như tôi cũng mệt rồi thì họ cho tôi nghỉ. Đến sáng mai thì họ biểu tôi vô trong một phòng chờ những người cấp cao sẽ đến nói chuyện với tôi. Họ lại tiếp tục hỏi tôi những gì như tôi đã khai, mà lúc nào cũng có một người đi theo để kiểm soát tôi.
Sau đó thì cuộc thẩm vấn kéo dài cho đến 2 giờ 30 thì người ta nói là bây giờ thì tôi được lệnh tha.”
Khủng bố tinh thần
Với giọng nói đôi lúc còn ngắt quảng trong lúc nói chuyện, bà Uyên bảo rằng bà chưa kịp hoàn hồn sau tất cả những sự kiện dồn dập xảy đến. Bà nói:
Cái làm cho tôi rất khổ sở là sự khủng bố về tinh thần của tôi. Tại vì mỗi một lần như vậy không phải chỉ có hai người hay là ba người mà hết người này vô tới người kia ra và đặt những câu hỏi với tôi, nó làm cho tôi rất là sợ hãi. Và cho tới bây giờ tôi vẫn còn chưa lấy lại được sự bình thường. Những người công an đó người ta rất chú trọng đến chuyện cái máy vi tính.
Người ta bắt tôi phải khai là trong máy có những tài liệu chống chính phủ, mà tôi đã nói là tôi không hề biết, cái máy đó là của con tôi cho đem về, mà con tôi chúng mới 18-19 tuổi nhiều khi chúng đổi máy thay máy và tôi đem về tại vì cái máy đó là cái máy tốt cho nên tôi đem về cho em tôi xài. Tôi biết là trong đó không có cái gì hết. Nếu mà trong cái máy có chuyện gì quan trọng chắc chắn là tôi không dám làm rồi. Nhưng mà những người đó người ta ép buộc tôi: "Chị biết là trong đó có những cái gì nguy hiểm này nọ này kia". Người ta cố tình ép tôi phải nhận là trong đó có những tài liệu chống chính phủ.
Người ta cố tình ép tôi phải nhận là trong đó có những tài liệu chống chính phủ.
Bà Phạm Thị Uyên
Nhưng mà trong lúc tôi sợ hãi tôi vẫn phủ định vì tôi không hề biết trong máy có gì và tôi không tin là có tại vì cái máy đó xuất phát từ trong nhà tôi và tôi đưa về Việt Nam. Nếu mà mình nói vô lý thì có nhiều chuyện phải nói là rất vô lý, tại vì tôi không hiểu gì hết vậy mà tự nhiên tôi bị bắt một cách vô cớ như vậy đó. Đó là một điều vô lý. Rồi đến lúc người ta nói là bây giờ công chuyện xong, bây giờ người ta để trả tự do cho tôi, bây giờ tôi có thể trở về bên Tây. Tôi rất muốn về tại vì ở bên này tôi còn ba đứa con gái của tôi.
Sau khi làm việc xong với công an thì nỗi lo kế tiếp là vé máy bay trở về Pháp vì chuyến bay đã bị trễ. Chật vật lắm và cuối cùng thì bà cũng vay được một số tiền của một người xa lạ, cộng với số tiền còn lại trong chuyến đi để mua một cái vé máy bay trở về Pháp.
Vẫn còn sợ
Bà Uyên bộc bạch với chúng tôi tâm trạng hiện nay của bà mặc dù đã về đến nhà:
“Tâm trạng của tôi khi về đến đây là khi tôi nhìn thấy mấy đứa con tôi là một điều sung sướng, nhưng bản thân tôi thì tôi vẫn còn sợ hãi. Ban đêm tôi vẫn không ngủ được. Tôi mở mắt ra tôi vẫn còn cảm tưởng như là tôi vẫn còn đang sống ở Việt Nam. Tôi có cảm tưởng như tôi đang còn bị những người khác hạch hỏi tôi những câu hỏi mà tôi vẫn còn sợ hãi. Trông cái lối làm việc của người ta tôi rất còn sợ.”
Tuy chưa kịp khôi phục lại tinh thần, nhưng người chị này vẫn xót xa cho hoàn cảnh của người em trai bị bắt đi mà chưa biết bị giam giữ ở đâu, và tình cảnh hiện nay như thế nào, chỉ biết đứa con gái 6 tuổi của ông luôn nhắc bố và cha mẹ già của Giáo sư Phạm Minh Hoàng vẫn hằng mong tin tức con trai mình.
“Một điều mong ước của tôi cũng như của tất cả gia đình tôi ở bên này, tuy là bản thân tôi đã được tự do, nhưng còn em tôi là Phạm Minh Hoàng đang bị tù bên kia, mà nhất là không biết người ta mang đi đâu.”
Bà Phạm Thị Uyên mong các đoàn thể, tổ chức vận động để em trai bà là Giáo sư Phạm Minh Hoàng sớm được trả tự do về sum họp với gia đình.