Ủy ban chỉ đạo Biển Đông ra sao?
Có lẽ mọi người đều nhận ra rằng, sau khi Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung được thành lập, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động gây hấn cũng như vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, mặc dù vấn đề Biển Đông luôn được Ủy ban này đưa ra thảo luận trong các phiên họp.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong phiên họp lần thứ hai tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 1 năm 2008, hai bên đã đạt được đồng thuận trên 6 vấn đề chính, trong đó có vấn đề liên quan tới Biển Đông như: "Xử lý đúng đắn các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và bảo đảm ổn định phát triển có lợi cho quan hệ song phương đi đúng hướng".
Riêng Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đưa tin về phiên họp này có liên quan tới Biển Đông như sau: "Hai bên đã trao đổi rất thẳng thắn và nhất trí rằng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cần tập trung trao đổi về giải pháp cho các vấn đề trên biển Đông trong đó có vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa".
Mặc dù trong phiên họp lần thứ hai, hai bên đã cam kết “xử lý đúng đắn các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông”, thế nhưng giữa tháng 3 năm 2009, chỉ vài ngày trước phiên họp lần thứ ba, phía Trung Quốc đã điều tàu ngư chính đến tuần tra ở một số khu vực trên Biển Đông, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 3 năm 2009, giữa ông Phạm Gia Khiêm và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện trung Quốc, thay thế ông Đường Gia Triền giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo này.
Cũng không rõ phía Việt Nam có lên tiếng phản đối vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trong phiên họp này hay không, chỉ biết rằng báo chí trong nước đưa tin về phiên họp này có liên quan đến Biển Đông như sau: "Hai bên thoả thuận, thời gian tới sẽ đặt trọng tâm đàm phán vào các vấn đề trên biển; duy trì hoà bình, ổn định trên biển; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có điều kiện và cùng nhau phấn đấu để cùng với các bên liên quan tìm ra giải pháp cơ bản, lâu dài, cùng chấp nhận được cho vấn đề trên biển".
Chỉ đạo gây hấn trên biển?
Mặc dù Ủy ban đã thỏa thuận “duy trì hòa bình và ổn định trên biển” trong phiên họp lần thứ ba, thế nhưng chưa đầy hai tháng sau, một lần nữa Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam qua việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại các vùng biển của Việt Nam, kể từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 năm 2009.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên lãnh hải Việt Nam, và điều đáng nói là lệnh cấm này được Trung Quốc đưa ra vào thời điểm hai nước đang tồn tại cái gọi là Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, cũng như Ủy ban này đã cam kết "xử lý đúng đắn các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông".
Bất chấp cam kết mà phía Trung Quốc đã đưa ra trong hai phiên họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, ngày 21 tháng 6 năm 2009, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt giữ ba tàu đánh cá của Việt Nam, cùng 37 ngư dân để đòi tiền chuộc 210.000 nhân dân tệ. Không những thế, ngày 1 tháng 8 năm 2009 cũng là ngày cuối cùng Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, 13 ngư dân Việt Nam khác vào tránh bão tại khu vực Hoàng Sa cũng đã bị phía Trung Quốc bắt giữ.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 8 tháng 11 năm 2009, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện việc thôn tính biển, đảo của Việt Nam qua quyết định thành lập “Ủy ban thôn đảo” trên hai đảo Phú Lâm và Đảo Cây, mà phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng và Triệu Thuật, thuộc quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam kể từ năm 1974.
Ðây là hành động với mục đích gây hấn từ phía Trung Quốc, làm căng thẳng thêm tình hình tranh chấp trên biển giữa hai nước, trái ngược với những tuyên bố mà họ đã đưa ra trong hai kỳ họp trước của Ủy ban Chỉ đạo.
Mục đích của“Ủy ban”?
Chuyện Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung đã mang lại lợi ích cụ thể gì cho Việt Nam kể từ khi thành lập, có lẽ chẳng có người Việt Nam nào biết, thế nhưng tin tức trên các website của chính phủ, cũng như của các cơ quan ngoại giao Việt Nam, đã đánh giá cao về cái Ủy ban này.
Chẳng hạn như, bản tin về cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban đã được Lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh đưa tin như sau: "Hai bên đã điểm lại tình hình mọi mặt của quan hệ hai nước kể từ phiên họp lần thứ nhất vào tháng 11 năm 2006 của Ủy ban, hài lòng nhận thấy rằng, một năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao thường xuyên gặp gỡ, đi thăm lẫn nhau, giao lưu giữa các Bộ ngành hai nước không ngừng tăng lên và mở rộng, hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả…"
Qua bản tin trên, phải chăng Ủy ban này được thành lập với mục đích giúp hai đảng, hai nước giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, chứ không phải để giải quyết các vấn đề vĩ mô giữa hai nước mà hai bên nêu ra? Cũng không rõ lắm.
Hãy nghe tiếp bản tin về phiên họp lần thứ ba của Ủy ban này như sau: "Hai bên nhất trí đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương sau hai năm hoạt động, khẳng định vai trò và sự cần thiết của cơ chế hợp tác quan trọng này trong việc chỉ đạo và thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu".
Trong khi đó, quan hệ ngoài Biển Đông giữa hai nước vẫn luôn căng thẳng. Đầu tháng 4 năm nay Trung Quốc vẫn tiếp tục điều các tàu ngư chính đến tuần tra ở vùng biển phía Tây Nam và phía Đông Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến cuối tháng 4, thêm một lần nữa Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, kể từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8 năm nay, ở các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Và một hành động leo thang mới nhất của Trung Quốc, ngày 22 tháng 6 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã đơn phương ban hành "Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam năm 2010-2020". Trong Cương yếu này, Trung Quốc đã giao cho tỉnh Hải Nam quản lý khu vực biển, đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, như mở các tuyến du lịch đường hàng không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, cũng như khuyến khích người dân Trung Quốc đăng ký sử dụng các đảo không người ở trên quần đảo Trường Sa.
Thế nhưng qua phiên họp lần thứ tư giữa hai đồng chủ tịch là ông Đới Bỉnh Quốc và ông Phạm Gia Khiêm, hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, báo điện tử chính phủ Việt Nam đưa tin: "Hai bên vui mừng nhận thấy, hơn một năm qua, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều tiến triển quan trọng. Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên, giao lưu giữa các Bộ, ngành và địa phương hai nước tiếp tục được thúc đẩy; hợp tác kinh tế thương mại không ngừng tăng nhanh".
Có một Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, làm việc hữu hiệu như tin tức đã đưa như thế, quan hệ giữa hai đảng, hai nước tốt đẹp như thế, tại sao lại có chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, đánh đập, hay có chuyện biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền như chúng ta vẫn thường nghe phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối trong thời gian qua?
Hơn nữa, Ủy ban này sẽ trả lời ra sao về website “Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt – Trung” đã để cho Trung Quốc sử dụng chống Việt Nam, cũng như việc phân giới, cắm mốc theo “tinh thần hữu nghị”? Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm.
Theo dòng thời sự:
- Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung "chỉ đạo" những gì? (Phần 1)
- Bắc Kinh: Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc Hải Nam
- Quan hệ Việt Trung chưa yên ổn
- Thông điệp phía sau câu trả lời của ngài đại sứ TQ
- Việt Nam - Trung Quốc họp về các vấn đề song phuơng
- Hiệp ước về Biên giới Đất liền Việt Nam-Trung Quốc
- Vấn đề Thác Bản Giốc trong hiệp ước biên giới Việt-Trung
- Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc (phần 1)