Những kiến nghị rơi tõm vào thinh không (phần 1)

Thỉnh nguyện thư hay kiến nghị của người dân gửi cho các cơ quan chính phủ nhà nước những năm gần đây đã không còn là một hình thức xa lạ đối với xã hội Việt Nam.

Thế nhưng điều đáng nói là đa số các thỉnh nguyện thư hay kiến nghị lại thường bị rơi vào thinh không, không được bất cứ cơ quan nhà nước nào đứng ra giải quyết.

Không thể biện minh

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với Khánh An của Đài chúng tôi, gọi đây là một “thái độ xấu” hay một “thiếu xót không thể biện minh” của chính quyền. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng ở nước nào cũng vậy thôi, nguyện vọng của dân đề đạt lên cấp lãnh đạo, đấy là quyền của dân. Khi người ta có những vấn đề bức xúc, người ta phải viết đơn thỉnh nguyện thì nghĩa vụ của người lãnh đạo là phải lắng nghe và trả lời. Nếu như một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì phải lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của dân. Cho nên nếu cấp chính quyền mà không trả lời cho dân thì đó là một thiếu sót không thể biện minh."

Khánh An: Thưa giáo sư, đối với vấn đề người dân gửi ý kiến, thỉnh nguyện của mình lên cho các cơ quan nhà nước thì từ trước tới giờ, kết quả vẫn là con số 0. Điều này có vô hình chung tạo thành một tiền lệ xấu, một hình ảnh xấu đối với một nhà nước không?

Nếu cấp chính quyền mà không trả lời cho dân thì đó là một thiếu sót không thể biện minh.

GS. Tương Lai

GS. Tương Lai: "Ở đây có hai ý, thứ nhất là những thỉnh nguyện mà trong nước hay gọi là những "kiến nghị", hay là "khiếu kiện" thì không phải là số 0 đâu. Cũng có những khiếu kiện, tức những thỉnh nguyện thư, đã được trả lời, trong số đó cũng có những cái đã được giải quyết, phải thừa nhận là có những việc đó và không phải là ít. Nhưng mặt khác, lại không thiếu những thỉnh nguyện thư rơi vào im lặng. Trước đây, có một người lãnh đạo đã dùng khái niệm là "sự im lặng đáng sợ".

Trong thuật ngữ “sự im lặng đáng sợ” ấy đã bao hàm ý phê phán sự vô trách nhiệm của những người lãnh đạo đối với dân. Vì vậy cho nên nếu để những thỉnh nguyện thư được trả lời kịp thời thì điều đó sẽ giải tỏa được những bức xúc của xã hội và chỉ có lợi cho sự phát triển của đất nước. Nhưng nếu cứ để những cái đó tích tụ lại, không được giải quyết hoặc không được lắng nghe và để tất cả những thỉnh nguyện thư đó rơi vào quên lãng thì đó là một thái độ xấu của chính quyền cần phải khắc phục.

Đương nhiên, trong nhưng thỉnh nguyện thư hay những khiếu kiện, phần lớn là khiếu kiện đúng, nhưng cũng có những khiếu kiện sai. Nếu như có trả lời dứt khoát là cái nào sai thì chỉ ra cho dân biết cái này là không đúng và cái đúng thì phải giải quyết, mà nếu như vậy thì phải có sự công khai và minh bạch. Nếu chính quyền làm được điều đó thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của dân. Còn khi cái đó không làm được, nhất là khi cố tình lờ đi, không trả lời cho dân thì đó là tệ hại. Điều đó sẽ làm giảm uy tín cho chính quyền nhân danh là chính quyền của dân, do dân và vì dân.¬"

Sự im lặng đáng sợ!

Khánh An: Thưa giáo sư, trong những đơn thỉnh nguyện hay kiến nghị mà dư luận chú ý nhiều nhất, có một thỉnh nguyện lớn tập hợp được số đông người nhất là kiến nghị dừng dự án bauxite. Kiến nghị này đã kéo dài một thời gian khá lâu mà không được đưa lên các phương tiện truyền thông báo chí chính thức, cũng không được cơ quan nhà nước nào đứng ra trả lời chính thức về kiến nghị này. Vậy theo giáo sư đánh giá, cách mà chính quyền giải quyết đối với kiến nghị lớn nhất từ trước tới giờ như thế có hợp lý không?

gstuonglai-giadinh.net-250.jpg
Giáo sư Tương Lai. Photo courtesy of giadinh.net (Giáo sư Tương Lai. Photo courtesy of giadinh.net)

GS. Tương Lai: "Vâng, chính bản thân tôi cũng là người ký vào kiến nghị đó trong số 17 người đầu tiên đề xướng việc ký kiến nghị. Cho đến hiện nay, chúng tôi vẫn chờ đợi sự trả lời của những cơ quan có trách nhiệm. Tôi tin rằng thế nào cũng có sự trả lời đó. Không phải riêng ý kiến cá nhân tôi mà tại diễn đàn quốc hội, cũng có nhiều đại biểu quốc hội lên tiếng và đòi hỏi cần phải có sự trả lời. Bởi vì đây là lần tập họp khá đông của nhiều trí thức, nhân sĩ.

Vì vậy, tôi nghĩ là về phía chính quyền thế nào cũng đang cân nhắc để có một sự trả lời. Tôi tin rằng điều này sẽ không rơi vào im lặng, không thể có sự im lặng đáng sợ không.

Còn nếu chuyện đó chưa làm được, chắc là người ta đang còn cân nhắc xem nên trả lời như thế nào. Bởi vì hiện nay giữa vấn đề đình hay chưa đình thì đang còn nhiều tranh luận lắm, kể cả những người có trách nhiệm quản lý cái đó, ví dụ như ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng to tiếng lắm.

Ông kiên quyết bảo vệ nhưng nếu đọc kỹ những kiên quyết bảo vệ của ông thì thấy là trình độ của ông còn hạn chế quá. Có những vấn đề về mặt khoa học, ông ta cứ nói khơi khơi như là không có chuyện gì. Bản thân những chuyện đó người ta càng nói, càng bênh vực bao nhiêu thì nó càng lộ ra những khiếm khuyết bấy nhiêu. Cho nên về phía chúng tôi là những người kiến nghị thì chúng tôi lắng nghe những lời biện minh, giải thích. Nhưng càng nghe những lời biện minh, giải thích thì càng thấy kiến nghị của chúng tôi là đúng.

Vì vậy, tôi có niềm tin là rồi đây thế nào nhà nước cũng phải có trả lời, chứ không phải để cho nó rơi vào im lặng đáng sợ.

GS. Tương Lai

Vì vậy, tôi có niềm tin là rồi đây thế nào nhà nước cũng phải có trả lời, chứ không phải để cho nó rơi vào im lặng đáng sợ. Đấy là quan điểm của tôi."

Vừa rồi là ý kiến của GS. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, về việc chính phủ xử lý kiến nghị hay thỉnh nguyện thư. Chắc chắn việc “làm lơ” đối với các thỉnh nguyện thư, kiến nghị của người dân là một thái độ không thể chấp nhận đối với một chính phủ “do dân” và “vì dân”, nhất là khi hệ thống công quyền vẫn tồn tại một cơ quan để xử lý việc này và vẫn thường được gọi là “văn phòng tiếp dân”.

Vậy các văn phòng tiếp dân có thực sự hoạt động đúng chức năng và trách nhiệm của mình?Người dân có còn tin vào hiệu quả của những kiến nghị mà mình gửi đi không? Mời quý vị đón theo dõi phần tường trình tiếp theo trong chương trình kỳ tới.