Mặc Lâm : Thưa bà, theo tin tức thì trong 6 tháng đầu năm nay số lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, còn gọi là FDI, đã lên đến hơn 45 tỷ đôla. Tuy nhiên số tiền giải ngân cho các dự án này thì lại không là bao nhiêu. Theo bà thì bài toán giải ngân có phải là vấn đề quan trọng nhất hiện nay của kinh tế Việt Nam hay không ạ?
Một số dự án có vấn đề
Bà Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ là trong thời gian vừa qua FDI vào Việt Nam rất nhiều, nhất là hai năm gần đây. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì niềm tin của các nhà đầu tư cũng tăng lên nên họ vào Việt Nam rất nhiều, và trong điều kiên kinh tế thế giới khó khăn như thế này thì đấy cũng là tín hiệu đáng mừng.
Thông thường cho đến nay ở Việt Nam khi bày tỏ mối quan tâm đến đầu tư nước ngoài thì các cơ quan phụ trách về đầu tư thì họ lo nhiều hơn là làm thế nào để giải ngân được số đó, số vốn cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi vì thông thường người ta cam kết nhiều nhưng mà thực tế giải ngân thì lại ít hơn rất đáng kể so với số vốn cam kết.
Nhưng mà tôi thì tôi lại lo ngại ở một số khía cạnh khác. Nhưng mà tôi cũng cảm nhận là có một số dự án thực sự nó đang có vấn đề.
Mặc Lâm : Bà có thể cho biết cụ thể những dự án mà bà cho là có vấn đề hay không, thưa Bà?
Bà Phạm Chi Lan : Thí dụ như về ô nhiễm môi trường, như cái dự án của Hyundai Vinashin đóng tàu ở Khánh Hoà đấy thì đã được nghe nói đến nhiều rồi. Và tình trạng họ gây ô nhiễm môi trường thì cũng đã có tới cả chục năm nay, thế thì không phải bây giờ mới có cái vụ họ đi chôn lén chất thải.
Những chuyện đó là phải có một cái sự từ đầu phải giám sát rất chặt chẽ xem họ cam kết như thế nào về bảo vệ môi trường và phải xử ngay từ đầu khi mà họ có những vi phạm. Họ làm không đúng thì nhà nước Việt Nam cần phải có thái độ ngay lập tức, không để kéo dài quá lâu như thế này.
Bây giờ kéo dài lâu rồi đến mức xử phạt thì xử phạt quá nhẹ thì cũng sẽ lại làm cho người ta có thể chấp nhận là cứ vi phạm để mà phạt một cách rất nhẹ nhàng. Vấn đề đó làm cho tôi thực sự lo lắng.
Mặc Lâm : Hiện nay thì đang có hai nguồn dư luận trái ngược nhau về việc các tập đoàn đầu tư nước ngoài họ yêu cầu được xây dựng cảng biển riêng để họ có thể vận chuyển nguyên vật liệu một cách độc lập. Bà có ủng hộ những đề nghị này hay không, thưa Bà?
Bà Phạm Chi Lan : Có một số dự án đầu tư mới mà các nhà đầu tư đều có yêu cầu là họ sẽ làm cảng riêng cho họ thì dù là làm cảng riêng do tiền của họ tự bỏ ra thì lại làm cho Việt Nam tự nhiên có thêm rất nhiều cảng lớn mà chưa chắc là đã cần thiết đến mức đó, và ít nhất là nó sẽ ảnh hưởng đến cả kế hoạch chung của Việt Nam về thiết kế cảng biển và các khu vực nên phát triển như thế nào.
Thành ra một số mối lo ngại của tôi là trên thực tế nó đã có chứ không phải không. Tôi chỉ muốn cảnh báo là các cơ quan cũng nên tính toán kỹ càng tất cả các mặt trước khi cho phép họ đầu tư. Ở đây lập luận của tôi là dù đầu tư 100% vốn của họ đi chăng nữa thì đã làm trên đất nước Việt Nam thì phía Việt Nam có trách nhiệm xem xét tất cả lơi ích về lâu dài về nhiều mặt của mình chứ không phải chỉ đơn giản là việc thu hút được bao nhiêu vốn là yếu tố quyết định nhất.
Các doanh nghiệp FDI khai lỗ
Mặc Lâm : Thưa bà, những báo cáo mới đây nhất của các doanh nghiệp FDI cho biết là hơn 70% trong số họ đã bị lỗ trong 6 tháng đầu năm nay. Bà có nghĩ rằng đây là những báo cáo đáng tin cậy hay không, thưa Bà?
Bà Phạm Chi Lan : Vâng. Điều đó thì từ vài năm nay người ta đã nói, và theo thông tin ở báo chí đưa lên thì hồi đâu năm nay vẫn nói là qua 2007 thì báo cáo chung về tình hình đầu tư FDI ở TP.HCM thì vẫn cỡ 70% doanh nghiệp FDI kêu lỗ, thế thì cái lỗ đó thì dù lỗ thật hay là lỗ giả của họ cũng đều đáng lo.
Nếu là lỗ thật thì điều đáng lo là như vậy chi phí kinh doanh ở Việt Nam có thể là đã cao lên và làm cho bài toán kinh doanh của họ khó khăn, hoặc là những nhân tố đóng góp của Việt Nam thì không giúp cho họ thuận lợi được trong đầu tư và do đó họ bị lỗ, thì cái đó là cái không mong muốn.
Và nếu họ lỗ thì có thể làm cho các nhà đầu tư khác ngần ngại không muốn vào Việt Nam nữa. Và một khi họ lỗ thì cả phía họ cũng thiệt mà phía Việt Nam cũng thiệt, vì họ đã lỗ thì họ không đóng được thuế như là Việt Nam mong muốn và rồi họ cũng sẽ không tạo ra được những lợi ích khác mà nước chủ nhà đáng lẽ có thể được hưởng nếu như họ có lời.
Thế còn nếu như họ lỗ giả, mà tình trạng đó cũng rất có thể xảy ra, thì có thể là trong hiện tượng mà như đầu tư nước ngoài ở nhiều nước khác đã có, người ta gọi là chuyển giá, là khi mà có những cái giá cao thì người ta tính vào cho dự án đầu tư ở Việt Nam chẳng hạn, còn những cái phần có lời nhất, thuận lợi nhất mà họ được thực hiện thì họ lại gán cho công ty mẹ ở bên ngoài, và do đó phần lời thì công ty mẹ được hưởng, còn phần lỗ thì công ty ở Việt Nam gánh chịu để rồi phần gánh chịu đó thực tế là nó đổ nhiều nhất vào phía Việt Nam. Nói cho cùng thì bản thân công ty, nhà đầu tư đó phải có lời họ mới làm.
Mặc Lâm : Thưa Bà, vấn đề các doanh nghiệp FDI đã khai lỗ liên tiếp nhiều năm chứ không phải mới đây và cái lỗ hổng để các doanh nghiệp này khai thác phải chăng do nhà nước Việt Nam vô tình tạo ra?
Bà Phạm Chi Lan : Nếu mà lỗ trong nhiều năm liền trong điều kiện kinh doanh bình thường thì người ta đã đóng cửa, rút đi, không hoạt động nữa, chứ tại sao họ chịu lỗ hoài mà họ làm được thì như vậy ở đây có vấn đề gì đây.
Như vậy là nếu như có hiện tượng chuyển giá đó thì rõ ràng là thuộc về mặt quản lý cũng như là năng lực của phía Việt Nam trong tham gia đầu tư là không tốt, không giám sát được hoạt động và không hiểu được cái bài toán kinh doanh cũng như cách hạch toán của họ cho nên cứ chấp nhận cái báo cáo lỗ như vậy.
Mặc Lâm : Xin được cảm cơn bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vẫn Văn Phòng Thủ Tướng, đã cho chúng tôi có cơ hội phỏng vấn Bà ngày hôm nay.