Cho thuê đất trồng rừng, cơ bản là tốt?

Vấn đề cho nước ngoài thuê đất lâm nghiệp trồng rừng là chủ đề nóng tại phiên chất vấn trong ngày 10 tháng sáu.

Báo Tuổi Trẻ online mới có bài viết tựa đề “Cho thuê đất trồng rừng, cơ bản là tốt”, qua đó cho biết tin các địa phương liên quan đã thực hiện đúng quy định của nhà nước về thu hút đầu tư phát triển rừng.

Theo báo cáo của chánh phủ gởi quốc hội về việc một số tỉnh cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lâm nghiệp trồng rừng, thì tính đến cuối năm 2009 đã có 11 doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam lập dự án đầu tư trồng rừng, trên một diện tích tổng cộng là 305.353 ha.

Có 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng, gồm có: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kontum, Khánh Hòa và Bình Dương.

Rừng Việt Nam chụp từ trên cao. Photo courtesy of vfej.vn
Rừng Việt Nam chụp từ trên cao. Photo courtesy of vfej.vn

Về địa bàn đầu tư trồng rừng, hầu hết các dự án đều ở các vùng đất khó khăn, một số dự án nằm ở khu vực gần biên giới. Các dự án được cấp phép đều đã được cơ quan chuyên trách thẩm định về an ninh, quốc phòng và các nhà đầu tư chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật Việt Nam.

Về mặt nhân lực thì các nhà đầu tư không sử dụng nhiều người nước ngoài, ví dụ như tại công ty Innov Green ở Lạng Sơn, trong số 74 cán bộ kỹ thuật chỉ có 4 người Trung Quốc. Tại một công ty khác ở Quảng Ninh, có 9 cán bộ là người nước ngoài, trên tổng số 100 nhân viên đang làm việc nơi đây, có nghĩa là toàn bộ công nhân lao động trực tiếp, chủ yếu là cư dân địa phương.

Trong số 8 doanh nghiệp đã được chánh quyền cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư có một doanh nghiệp của Nhật Bản, 2 doanh nghiệp Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp Trung Quốc, 1 doanh nghiệp Hồng Kông và 2 doanh nghiệp Đài Loan. Ba doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát là của Nhật Bản, Phần Lan và Thụy Điển.

Đã thẩm định về an ninh quốc phòng?

Trong khi đó, cũng qua báo chí và dư luận, thì một số nơi chưa làm đúng, mặt khác việc cấp phép cho người nước ngoài thuê đất rừng có thể ảnh hưởng đến lãnh vực an ninh, quốc phòng, từng gặp nhiều phản ứng và ý kiến chống đối từ nhiều giới.

Báo cáo của chánh phủ gởi quốc hội cũng nói đến việc có nhiều tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê đất trồng rừng với quy mô vượt quá khả năng thực tế, trong đó gồm cả những diện tích đã có chủ, diện tích đất có rừng tự nhiên.

Cán bộ địa phương huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm đất rừng cho Công ty Innov Green thuê. Photo courtesy of Innov Green.
Cán bộ địa phương huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thăm đất rừng cho Công ty Innov Green thuê. Photo courtesy of Innov Green.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, đơn vị tỉnh Đồng Nai, có ý kiến về vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng như sau:

“Chủ trương cho thuê đất trồng rừng không có gì sai, chỉ có vấn đề là luật pháp cho phép các địa phương được ký hợp đồng cho người ngoài thuê rừng nên dẫn đến sơ xuất, đặc biệt là đối vối những khu vực mang tính nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng.

Sau khi có phát hiện trên báo chí, chánh phủ đã có thông báo thấy rằng đây là sự việc cần phải xem xét lại. Làm thế nào để khắc phục chuyện này, vì có liên quan đến quyền của các địa phương, nên có sự phức tạp là đối với doanh nghiệp nước ngoài, phải được đối xử bình đẳng. Đây là kẻ hở của pháp luật, quả thật có nhiều người giật mình nên chánh phủ tạm đình lại để có giải pháp thích hợp.”

Chủ trương cho thuê đất trồng rừng không có gì sai, chỉ có vấn đề là luật pháp cho phép các địa phương được ký hợp đồng cho người ngoài thuê rừng nên dẫn đến sơ xuất, đặc biệt là đối vối những khu vực mang tính nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc phòng.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Ông cho rằng đây là một đề tài sôi nổi mà nhiều đại biểu sẽ nêu lên trước quốc hội:

“Trong kỳ họp quốc hội này không có những bộ trưởng trực tiếp phụ trách vấn đề cho thuê đất rừng, nhưng phó thủ tướng thường trực sẽ thay mặt thủ tướng để trả lời câu hỏi của các đại biểu.”

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhìn thấy một khía cạnh khác, mà ông cho là không có sự hướng dẫn rõ ràng từ phía nhà nước:

“Có hiệu quả ở nhiều nơi đối với doanh nghiệp và người dân, mang lại lợi ích cho địa phương, nhưng bên cạnh đó cũng mang lại mối lo cho xã hội. Không thể nói là có sự vi phạm nhưng chính ra là không có hướng dẫn cụ thể từ nhà nước, để xác định đối tượng và không gian cụ thể, cho nên cần phải có sự điều chỉnh về luật cũng như trong tổ chức thực hiện.”

Lợi ích kinh tế, còn dân oan?

Về phần chuyên gia kinh tế Phạm Chánh Dưỡng thì cho rằng, việc cho thuê đất rừng không mang lại nhiều lợi ích:

“Chuyện đó thiên về vấn đề môi trường, vấn đề an ninh là chủ yếu thôi, còn việc đó có giúp ích gì cho kinh tế hay không thì quả thật tôi cũng không dám đánh giá hết, nhưng nếu có đi nữa thì cũng không đáng kể. Không hiểu là cái cách cho người ta thuê và sử dụng lao động như thế nào, nên không thể trả lời được.”

Không có thể dùng lời lẽ để mà nói hết được chuyện này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vì để bảo vệ quyền lợi của họ mà sẵn sàng tiếp tay, hợp tác với Trung Quốc.

Chị Thu

Còn dân oan, là những người bị mất tài sản, đất đai thì có suy nghĩ gì về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, chị Thu góp ý:

“Không có thể dùng lời lẽ để mà nói hết được chuyện này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vì để bảo vệ quyền lợi của họ mà sẵn sàng tiếp tay, hợp tác với Trung Quốc. Người dân hầu như đều biết hết chuyện này, nhưng mà có người dám nói, có người không dám nói, nói cũng không ai nghe, bị cho là có vấn đề về thần kinh, nhưng đa số đều phẩn nộ, như chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, kể cả an ninh, quốc phòng, nhưng nhà cầm quyền chẳng lắng nghe ý kiến của người dân.”

Chỉ thấy lợi trước mắt

Rừng ở tỉnh Quảng Ninh. Photo courtesy of innovgreen.vn
Rừng ở tỉnh Quảng Ninh. Photo courtesy of innovgreen.vn

Lên tiếng trước diễn đàn quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến của Quảng Trị nhấn mạnh, trong khi người dân Việt còn thiếu đất đai canh tác, việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng dài hạn là chuyện không có tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi trước mắt mà không xét đến vấn đề an ninh quốc gia và bảo vệ môi trường.

Qua những thực tế được dư luận phản ánh trên mặt báo và phát biểu của các đại biểu quốc hội, chánh phủ đã có văn bản yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, trong thời gian kiểm tra, đánh giá trước khi quyết định cho thuê đất rừng thì không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Mặt khác, bộ tài nguyên và môi trường cũng khẳng định là những trường hợp thuê mướn đất gây nhiều bức xúc trong dư luận thì phải cương quyết thu hồi và những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật.

Theo dòng thời sự: