Nỗi buồn người nuôi cá Tra

Nuôi cá tra xuất khẩu từng làm giàu cho nhiều hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ba năm vừa qua cả ngàn hộ đã vỡ nợ treo ao hoặc phải bán đất để trả nợ ngân hàng.

Phá sản vì nuôi cá

Khi Nhà nước thông báo kim ngạch xuất khẩu 1,3tỷ USD năm 2009 riêng cho mặt hàng cá tra, nhiều người cho rằng ngành sản xuất này vẫn ăn nên làm ra. Khó ngờ rằng, trong doanh số tỷ USD đó có sự đóng góp bất đắc dĩ của những người nuôi cá mà mỗi Kg họ lỗ vốn vài ngàn đồng.

Quý 4/2009, Báo Pháp Luật online đưa tin khoảng 40% diện tích ao nuôi trong 6.000 ha ao cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long ngừng hoạt động hay gọi là treo ao. Năm 2008, toàn vùng có khoảng 25% số hộ nuôi cá tra bị phá sản, 30% số hộ nuôi mất vốn tự có, 40% số hộ không trả nổi nợ ngân hàng do bị thua lỗ nặng.

Tình hình hiện nay chưa sáng sủa gì hơn. Ngày 20/5/2010, ông Sáu Học một chủ hộ nuôi cá ở Thốt Nốt Cần Thơ nói với đài chúng tôi là ông có ba điều bức xúc cần phải nói ra:

Đồng bằng sông Cửu Long 80% người nuôi cá tra bể nợ. Người nuôi cá chúng tôi bây giờ khổ dữ lắm: thứ nhất khổ vì công ty chiếm dụng vốn, thứ hai nhà nước thắt chặt vốn không cho vay, thứ ba những người bán vật tư cho chúng tôi thì pha trộn bừa bãi.

Ô. Sáu Học, người nuôi cá

“Chuyện bán cho công ty, bây giờ mười công ty thì cả mười đều chiếm dụng vốn của người nuôi cá. Thí dụ hợp đồng thỏa thuận 1 tháng trả hết nhưng họ để 5-6 tháng thậm chí 7 tháng mới trả hết cho nông dân. Thứ nhì, Nhà nước đang thắt chặt mấy người nuôi cá tra không cho vay, nhiều ngân hàng gạt chúng tôi trả nợ xong không cho vay lại.

Nói chung đồng bằng sông Cửu Long 80% người nuôi cá tra bể nợ, cá thì có lúc lên trên trời khi cá lên 18.000đ/kg thức ăn chăn nuôi lên theo, khi cá xuống 13.000đ thức ăn vẫn đứng một chỗ. Người nuôi cá chúng tôi bây giờ khổ dữ lắm: thứ nhất khổ vì công ty chiếm dụng vốn, thứ hai nhà nước thắt chặt vốn không cho vay, thứ ba những người bán vật tư cho chúng tôi thì pha trộn bừa bãi, cái gì cũng đổ lên đầu chúng tôi.”

Một nông dân khác, ông Tám Cước người Thốt Nốt, cũng có những nhận xét tương tự. Ngoài chuyện bị công ty chiếm dụng vốn, ông cho biết ngân hàng rất hạn chế cho vay, nếu cho vay thì lãi suất rất cao từ 1,6 tới 1,8% một tháng. Ông Tám Cước nêu thêm một khó khăn khác đối với người nuôi cá:

basa-250
Cá basa rất được ưa chuộng ở thị trường Mỹ. AFP photo/Hoàng Đình Nam (Cá basa rất được ưa chuộng ở thị trường Mỹ. AFP photo/Hoàng Đình Nam)

“Người nuôi con giống, bây giờ giống tới lứa bán, trong khi người nuôi cá thịt bán xong không tiếp tục nuôi, người ta bán cá xong không màng thả lại nữa vì lỗ quá nặng, có người ôm ba lô trốn nợ luôn rất là khổ, thành ra con giống bị bế tắc luôn.”

Đó là tất cả nỗi lòng người nuôi cá tra. Tuy vậy theo số liệu cập nhật từ Hội Nghề Cá, hiện nay vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có khoảng 5.800 ha ao nuôi có cá. Điều này cho thấy nhiều người phá sản treo ao nhưng vẫn có nhiều người nuôi mới, đặc biệt một số doanh nghiệp thành lập vùng nuôi để tự cung cấp nguyên liệu.

Cách giải quyết

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Thường vụ Hội Nghề Cá nhận định rằng, người nuôi cá sản xuất theo tâm lý đám đông:"Ví dụ thời điểm này giá nguyên liệu lên rất cao thì tất cả đào ao nuôi cá, Nhà nước khuyên họ cũng không nghe. Đương nhiên 6 tháng sau trên là trời dưới là cá thì giá sẽ xuống, khi giá xuống thì người nuôi bị lỗ vốn. Ngân hàng không dám cho họ vay nuôi vụ tiếp theo, bởi vì sợ họ không trả được nợ. Vì vậy họ treo ao, khi họ treo ao thì 6 tháng sau giá cá tra lại lên.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ đạt được một sự "cân đối động" nhưng có cơ sở khoa học giữa lực lượng sản xuất giống, các ao nuôi, công suất nhà máy chế biến và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Ô. Nguyễn Tử Cương

Tình trạng này lập đi lập lại và có lẽ không có giải pháp giải quyết nếu không tổ chức liên kết dọc. Chúng tôi hy vọng qua sự liên kết này Việt Nam sẽ đạt được một sự “cân đối động” nhưng có cơ sở khoa học giữa lực lượng sản xuất giống, các ao nuôi, công suất nhà máy chế biến và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nếu đạt được điều này thì việc treo ao sẽ không xảy ra nữa và vay vốn ngân hàng cũng không gặp khó khăn. Bởi vì toàn bộ chuỗi sẽ đứng ra bảo lãnh cho người nuôi, hoặc công đoạn sản xuất giống có khó khăn thì toàn bộ chuỗi cũng đứng ra bảo lãnh cho họ.”

Vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất cá tra mà ông Nguyễn Tử Cương vừa nói, là một phần trong kế hoạch đưa họat động nuôi sản xuất cá tra vào ngành sản xuất có điều kiện. Cho tới lúc ấy, sẽ vẫn có những hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long treo ao, phá sản. Đồng thời vẫn có những nhà xuất khẩu làm ăn bừa bãi không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và làm mất giá sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới.

Theo dòng thời sự: