Vụ này tuy không làm dư luận ngạc nhiên nhưng lại dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến các hoạt động của các tập đoàn hiện nay. Mặc Lâm có loạt bài xoay quanh vấn đề này, mời quý vị theo dõi.
Đầu tư quá dàn trải
Bản cáo trạng nêu rõ ông Phạm Thanh Bình trong khi giữ chức chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Vinashin đã huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước một cách thiếu tinh thần trách nhiệm. Ông Bình đã cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Là người lãnh đạo của Vinashin nhưng ông Bình tạo ra các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Theo sự thừa nhận của ông Bình thì nợ mà Vinashin đang mang lên tới 90 ngàn tỷ đồng tương đương với gần 4 tỷ rưỡi đô la. Bên cạnh đó, hơn 5.000 lao động không có việc làm. Các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội của Vinashin với công nhân cũng lên đến 234 tỷ đồng.
Tại sao một tập đoàn quốc doanh như Vinashin kinh doanh và hoạt động dưới sự bảo hộ của nhà nước lại có thể mang những món nợ lớn không trả nổi mà không bị chính phủ kiểm tra, phát hiện để có biện pháp thích đáng trong suốt thời gian dài như vậy?
Câu hỏi này phải lần về thời gian của năm 2006, khi Thủ tướng chính phủ quyết định phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế Vinashin. Tiếng là thí điểm nhưng Vinashin ngay lập tức được chính phủ rót vốn, nhân lực cùng mọi chính sách dễ dàng nhất cho tập đoàn này. Vinashin được giao nhiệm vụ hoạt động trong ngành tàu thủy gồm đóng mới, sửa chữa, kinh doanh các loại thiết bị hàng hải cũng như đào tạo chuyển giao công nghệ...
Vinashin đã xin quá nhiều đất, dùng các miếng đất đó để thế chấp vay ngân hàng và dùng vốn đó để đầu tư quá nhiều vào các công ty, dự án. Trong khi đầu tư vào ngành đóng tàu của Vinashin thì chậm tiến triển và thua lỗ nghiêm trọng.
TS Lê Đăng Doanh
Nói chung, các hoạt động này nằm gọn trong phạm vi ngành tàu thủy.
Thời gian đầu Vinashin đã theo đúng chỉ tiêu đề ra và hoạt động tương đối hiệu quả. Với cách tiếp cận thông minh, nhiều kỹ sư của Vinshin đã nghiên cứu và đóng mới thành công các con tàu có tải trọng 150 ngàn tấn và triển vọng mở ra một ngành công nghệ hàng hải lớn mạnh của Việt Nam làm cho nhiều tờ báo trong nước lúc ấy bị hoa mắt. Những bài phóng sự với lời lẽ có cánh đã làm cho Vinashin lớn hơn hình ảnh thật của nó, và từ những thành tựu ban đầu này Vinshin đã trượt dài trên con đường kinh doanh ngày một mất dần định hướng.
Khi được hỏi về thành tựu thật sự của Vinashin có đúng như báo chí mô tả hay không, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế tài chánh cho biết: "Các trang thiết bị cơ bản về công nghệ đóng tàu của Vinashin vẫn phải nhập từ nước ngoài. Vì vậy cho nên một mặt trân trọng thành quả lao động của công nhân, các tiến bộ của Vinashin song phải nói rằng những tiến bộ đó còn ở dưới tiềm năng và những công việc ở phía trước đang còn rất nhiều".
Vinashin đã tận dụng bước đầu thành công của mình để nhảy sang nhiều lãnh vực khác như nhiều tập đoàn đã và đang làm. Vinashin tập trung vốn vào những dự án có tính phiêu lưu và ngày càng lún sâu vào các món nợ phát sinh từ những dự án không dính gì tới chức năng của nó. TS Lê Đăng Doanh đưa ra một vài thí dụ:
“Vinashin đã xin quá nhiều đất và dùng các miếng đất đó để thế chấp vay ngân hàng, vì vậy nâng số vốn vay của Vinashin so với vốn tự có rất lớn và dùng vốn đó để đầu tư quá nhiều vào các công ty, dự án. Vinashin có đến 200 công ty. Ở Thanh Hóa có một trang trại nuôi lợn Vinashin. Ở đường Lê Duẩn Hà Nội có một salon bán ô tô Vinashin. Ở Tam Đảo có một khu nghỉ dưỡng Vinashin...
Tất cả các điều là hết sức không bình thường. Trong khi đầu tư vào ngành đóng tàu của Vinashin thì chậm tiến triển và thua lỗ nghiêm trọng.”
Sự đổ vỡ được báo trước
Sự ưu ái của nhà nước cộng với các dự án phiêu lưu khác đã làm Vinashin ngày một lún sâu vào các món nợ không trả nổi. Cuối năm 2007 chủ tịch Phạm Thanh Bình đã ký một quyết định cho phép đầu tư dự án san lấp mặt bằng của khu kinh tế Hải Hà để xây dựng thành một khu kinh tế với nhà máy đóng tàu, cán thép. Vinashin đã vay của Ngân hàng quốc tế Credit Suisse có trụ sở tại Hongkong 600 triệu đô la cho dự án này. Tuy nhiên số tiền này lại được Vinashin dùng vào việc khác mà không chi trả cho các doanh nghiệp trúng thầu san lấp mặt bằng của khu kinh tế Hải Hà. Các doanh nghiệp này sau đó viết thư lênThủ Tướng chính phủ để nhờ can thiệp nhưng không thành công, và nhiều công ty phải phá sản trong thời gian này.
Trong vòng không đầy 5 năm, Vinashin đã to lên quá mức và người ta tự hỏi động lực nào đã khiến nó trở nên không lồ trên đôi chân bằng sáp? Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng lý do là từ quyết định của Thủ tướng chính phủ cho phép nó ra đời bởi một văn bản chỉ đạo mà không qua quy luật tích tụ tập trung tư bản của kinh tế thị trường.
TS Nguyễn Quang A, một nhà nghiên cứu độc lập, nguyên viện trưởng viện IDS cho rằng sự sai lầm của chính phủ bắt đầu từ lý do ý thức hệ, ông nói: "Đấy là một vấn đề rất là lớn nhưng vì những lý do ý thức hệ, vì những lý do mà người ta nghĩ rằng phải quốc doanh, tập thể, những vấn đề liên quan đến sở hữu để đảm bảo tính xã hội chủ nghĩa, cái cốt lõi nó nằm ở chỗ đó. Nếu người ta đặt vấn đề là làm sao sử dụng những nguồn lực ấy tốt nhất cho sự phát triển của đất nước thì có lẽ phải có một sự cải tổ rất mạnh mẽ đối với khu vực quốc doanh này."
Trách nhiệm đầu tiên là của chính phủ và những người lãnh đạo, sau đó đến các vị lãnh đạo của Vinashin. Các tập đoàn như thế nó không phù hợp với bất kể luật hiện hành nào ở Việt Nam.
TS Nguyễn Quang A
Đối với TS Lê Đăng Doanh thì sự đổ vỡ này đã được báo trước. Theo ông, "sự đổ vỡ của Vinashin đã được báo trước từ lâu, và đã có các nỗ lực, kể cả của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào cuối năm 2009 đã nghe báo cáo và đã được thông báo về tình trạng nợ nần của Vinashin. Tình trạng đó diễn ra là bởi vì Vinashin đã đầu tư một cách quá dàn trải không qua thủ tục về giám định về đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư."
TS Nguyễn Quang A cũng chỉ ra những trách nhiệm cụ thể mà ông cho là cần phải chấp nhận: "Trách nhiệm đầu tiên là của chính phủ và những người lãnh đạo, sau đó đến các vị lãnh đạo của Vinashin. Các tập đoàn như thế nó không phù hợp với bất kể luật hiện hành nào ở Việt Nam. Tất nhiên người ta có thể lý giải đây là chuyện thí điểm và đã là thí điểm thì phải du di đi một chút.
Tuy nhiên, thành lập các tập đoàn gọi là thí điểm đến hàng chục cái thì nếu tính tổng tài sản, tổng nguồn lực của các thí điểm này sẽ chiếm phần lớn tài nguyên của quốc gia, chiếm một tỷ lệ áp đảo trong tổng tài sản, tổng nguồn lực của tất cả các doanh nghiệp quốc doanh. Tuy số lượng nó nhỏ so với cả ngàn xí nghiệp quốc doanh, chỉ hơn một chục tâp đoàn với số lượng không đáng kể, nhưng tỷ trọng rất đáng kể. Tôi nghĩ rằng đã là thí điểm thì làm một hai cái để rút kinh nghiệm rồi mới làm tiếp, còn bây giờ tuy gọi là thí điểm nhưng làm tràn lan.”
Những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình liệu có thể ngưng ngay vào lúc các mầm mống thất bại hé lộ hay không? Tại sao chính phủ lại tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này vay 750 triệu đô la trái phiếu khi dấu hiệu phá sản của nó đã gần kề. Và liệu quyết định tái cơ cấu của chính phủ mới đây có cứu vãn được con tàu Vinashin đang chìm dần kia hay không? Mặc Lâm sẽ trình bày trong bài kế tiếp.