ĐBSCL mưa bất thường hại lúa

Do lũ không về, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã sạ sớm hàng trăm ngàn héc-ta lúa đông xuân. Tuy nhiên thời tiết diễn biến bất thường, nhiều vùng có mưa gây ngập úng làm lúa chết.

Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, TS Dương Văn Ni Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Sinh thái Hòa An Viện Đại Học Cần Thơ phát biểu:

Người dân đã bơm nước và xuống giống lúa đông xuân vì thấy lũ thấp và đinh ninh sẽ không có lũ trở lại nữa. Do vậy nếu đã sạ rồi thì có nguy cơ mùa vụ bị ảnh hưởng vì nước tràn vô trở lại.

TS Dương Văn Ni

TS Dương Văn Ni:

“Tới giờ phút này (4/11) so với mọi năm thì lũ về rất chậm, với nhịp độ này thì có thể từ đây tới cuối năm sẽ không có lũ cao nữa. Tuy nhiên cũng phải nói thêm là khu vực miền Trung đang có những trận mưa rất to, cộng thêm áp thấp nhiệt đới mới hình thành ngày hôm nay (4/11), nếu hướng di chuyển qua Lào hay Bắc Campuchia thì có khả năng sẽ có một lượng nước trên thượng nguồn đổ về nhiều hơn. Dầu vậy trong tháng sau nước có chảy về cũng không bằng những năm trước.”

Nam Nguyên: Như TS có lần nói nếu không có lũ, chi phí canh tác sẽ cao gấp bội về thuốc sâu, phân bón, nước tưới nhưng nếu có lũ bất thường thì sẽ ảnh hưởng ra sao?

TS Dương Văn Ni: "Ảnh hưởng thì chắc rồi, lớn nhất là hiện giờ một số vùng đầu nguồn người dân đã bơm nước và xuống giống lúa đông xuân vì thấy lũ thấp và đinh ninh sẽ không có lũ trở lại nữa. Do vậy nếu đã sạ rồi thì có nguy cơ mùa vụ bị ảnh hưởng vì nước tràn vô đồng trở lại. Còn với những người đánh bắt cá thì quá rõ, cá ở Biển Hồ di chuyển ngược ra sông Cửu Long ở giữa mùa lũ tức khoảng tháng 8. Nhưng mà từ tháng 8, tháng 9 cho đến nửa tháng 10 mực nước rất thấp, vì vậy cá Biển Hồ không có cơ hội đi ra sông Cửu Long. Do đó lượng cá đánh bắt được trên sông Cửu Long rất thấp so với những năm bình thường, thí dụ cá linh chẳng hạn thường đánh được rất nhiều nhưng năm nay không có."

ngapnuocdbscl250.jpg
Kênh rạch ĐBSCL. Photo courtesy of ndthuan.com

TS Dương Văn Ni: "Do phân bổ của đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm, vùng ven biển từ khoảng tháng 11 trở đi mưa giảm rất nhiều. Tập quán canh tác của người dân là khi mưa giảm nhiều thì chuẩn bị mùa lúa cũng như chuẩn bị thả tôm. Do đó mưa to ập trở lại thì lúa bị ngập, ở những vùng này hệ thống tiêu thoát nước chưa hoàn chỉnh. Mưa bất thường ập trở lại còn làm cho môi trường nước mặn ngọt thay đổi rất đột ngột, thả tôm xuống tôm bị chết.

Do đó mưa to ập trở lại thì lúa bị ngập, ở những vùng này hệ thống tiêu thoát nước chưa hoàn chỉnh.

TS Dương Văn Ni

Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay hệ thống tiêu thoát nước nội đồng chỉ được tập trung phần lớn cho những vùng tưới tiêu chủ động, nằm ở khoảng giữa vùng ngập sâu với vùng ven biển thôi. Do đó nếu mà mưa lớn, kể cả mưa lớn vùng thượng nguồn của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An thì bà con cũng bị thiệt hại như vùng duyên hải vậy.”

Nam Nguyên: Như vậy có thể dự báo gì cho vụ đông xuân sắp tới ở đồng bằng sông Cửu Long?

TS Dương Văn Ni: "Vụ đông xuân sắp tới, thông thường lũ đầu nguồn của các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp bắt đầu rút thì lũ các tỉnh phía dưới như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang bắt đầu tăng. Theo qui luật giữa tháng 10 đến cuối tháng 10 lũ các tỉnh đầu nguồn bắt đầu rút, các tỉnh phía dưới nước bắt đầu lên. Từ rất nhiều năm nay người dân đã quen với chu kỳ như vậy. Chuyện họ có những đê bao khép kín, hệ thống thủy nông nội đồng thì chỉ giúp họ chủ động phần nào trong vấn đề kiểm soát nước. Nếu mưa được phân bổ thất thường tập trung vào cuối mùa tức cuối tháng 11 đầu tháng 12 thì những nơi sạ lúa rồi, cây lúa đã được vài tuần lễ gập mưa gây ngập, cây lúa rất yếu làm cho dịch bệnh tăng… Sản lượng lúa đông xuân tới cuối vụ có hai vấn đề: thứ nhất mùa vụ có thể bị trễ, thứ hai người lỡ sạ rồi phải mất giống sạ lại, chi phí đội lên rất cao như chi phí bơm thoát nước, sạ lại giống, làm lại vệ sinh đồng ruộng …Năng suất cuối cùng thì chưa thể nói trước được. Năng suất có thể không thay đổi nhưng chi phí của người dân sản xuất lúa sẽ đội lên rất cao, đó là điều chắc chắn."

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Dương Văn Ni.

Theo dòng thời sự: