Việt Nam: 98% lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo

Bộ GD&ĐT Việt Nam vừa tổ chức cuộc hội thảo về đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển nông thôn; qua đó đưa ra những thống kê đáng ngại về đội ngũ cán bộ trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thống kê được đưa ra nêu rõ, tại Việt Nam, trong số 21 triệu 200 ngàn lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động trên toàn quốc, có 20 triệu 700 ngàn người, chiếm tỷ lệ gần 98% chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn.

Tuyển sinh khó

Thông tin do tiến sĩ Nguyễn Thắng, hiệu trưởng trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn trình bày trước cuộc hội thảo. Ông này đưa ra những con số cụ thể: tỷ lệ lao động nông nghiệp có bằng cao đẳng hay đại học chỉ chiếm 0,22%; người có bằng sơ cấp chiếm 1,26% và có bằng trung cấp là 0,87%. Hiện nay cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng có chương trình đào tạo về nông, lâm nghiệp.

Nhà nông thì là cha truyền con nối, đâu có học hành gì, ông bà mình làm sau, mình làm y như vậy, cách làm như vậy thì cứ làm hoài.

Bà Hường

Theo thống kê của trường đại học lâm nghiệp thì hàng năm trường này có gần 1.500 sinh viên tốt nghiệp. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt chỉ tiêu đào tạo bình quân mỗi năm 5.000 sinh viên, học sinh, song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ chủ chốt trong lãnh vực nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế thì ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang lâm vào tình trạng tuyển sinh rất khó, số lượng không bảo đảm, được báo chí mô tả là “tình trạng thoi thóp”. Cụ thể là vào mùa tuyển sinh năm 2009, trường đại học nông lâm Thái Nguyên có 13.000 thí sinh đăng ký dự thi tuyển, nhưng chỉ có gần 1.600 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên.

Trường đại học nông lâm Tây Nguyên cũng gặp cảnh khó khăn không kém, nhà trưởng mở mỗi ngành một lớp về bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, chế biến nông sản. Mỗi lớp chỉ có từ 20 đến 30 sinh viên, thay vì mỗi lớp cần có ít nhất 80 sinh viên.

Giờ học của sinh viên khoa nông nghiệp trường đại học An Giang. Photo courtesy of agu.edu.vn
Giờ học của sinh viên khoa nông nghiệp trường đại học An Giang. Photo courtesy of agu.edu.vn

Ngay tại Hà Nội, trong năm 2009, trường đại học nông nghiệp, ngành khoa học đất chỉ có 10 thí sinh đăng ký, ngành sư phạm kỹ thuật chỉ tiêu tuyển 100 sinh viên, chỉ có 50 em ghi danh, ngành cơ khí cần tuyển 3 lớp, sau cùng chỉ tổ chức được một lớp duy nhất.

Qua câu chuyện với Ban Việt Ngữ, bà Hường, một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, ít nghe nói tới chuyện đào tạo qua trường lớp, nhà nông cứ canh tác theo kinh nghiệm truyền lại từ nhiều đời:

“Nhà nông thì là cha truyền con nối, đâu có học hành gì, ông bà mình làm sau, mình làm y như vậy, cách làm như vậy thì cứ làm hoài. Công nghiệp bây giờ chiếm lãnh nông nghiệp nhiều rồi, nông nghiệp dẹp hết. Nông nghiệp không biết chữ làm cũng được thôi, nhà nông là dễ nhất rồi.”

Ngành khuyến nông

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, chủ tịch Hội Nông dân, thành phố Hồ Chí Minh thì giải thích, nếu nói rằng 98% nhân lực chưa qua đào tạo , có nghĩa là không có bằng cấp, hay chứng chỉ chuyên môn, chứ nhà nông Việt Nam luôn nắm vững kiến thức về canh tác nơi ruộng đồng:

Nhờ ngành khuyến nông, người ta khi ra đồng ruộng nhìn thấy lúa thì biết nó phát triển như vậy, lúa bị bệnh gì, thiếu chất gì, giai đoạn này nên bón phân gì.

Ô. Nguyễn Văn Phụng

“ Nông dân ở thành phố được đào tạo nghề tương đối có bài bản, chương trình đào tạo ngắn hạn, dạy nghề cho nông dân, tương đối là nhiều, họ tiếp cận với trình độ khoa học, kỹ thuật, cách thức họ áp dụng ở trang trại, vườn sản xuất, thì họ làm rất là tốt, nói chung là nông dân được đào tạo khá tốt. Nếu báo nói, chưa qua đào tạo, có nghĩa là chưa qua đào tạo chính quy, ví dụ như là các hệ trung cấp hay kỹ sư. Tôi nghĩ hiện nay nông dân của Việt Nam đã được tập huấn về khoa học, kỹ thuật tương đối là nhiều, ở cấp tỉnh cũng được tập huấn nhiều lắm. Nhờ ngành khuyến nông, người ta khi ra đồng ruộng nhìn thấy lúa thì biết nó phát triển như vậy, lúa bị bệnh gì, thiếu chất gì, giai đoạn này nên bón phân gì, bón thúc, hay bón lót ra sao, bón đón đông như thế nào thì người ta rất rành. Nếu nói về trình độ nhà nông, có lẽ nói về bằng cấp, chứ xét về quy trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thì người nông dân Việt Nam bây giờ được nâng cao lắm. Không thể nói như cái kiểu là 90 mấy phần trăm chưa qua đào tạo là không biết việc mình làm đâu, nói vậy thì nông nghiệp Việt Nam làm sao phát triển được?”

Lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý nông nghiệp nông thôn ở Thanh Hóa. Photo courtesy of Ferdpro.
Lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý nông nghiệp nông thôn ở Thanh Hóa. Photo courtesy of Ferdpro.

Theo số liệu được chính thức công bố thì tại Việt Nam hiện giờ trong tổng số trên 60 triệu nông dân, chỉ có trên 4.800 cán bộ khuyến nông chuyên trách , được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hơn 10.500 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và trên 15.700 cộng tác viên khuyến nông phục vụ các thôn bản.

Việt Nam hiện vẫn đứng vào danh sách những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, vì thế mặc dù nghe qua thông tin là 98 % nhân lực ngành nông nghiệp chưa qua đào tạo, tuy nhiên qua lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Phụng, một người sinh sống trọn một đời với ruộng đồng thì việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam vẫn luôn có nhiều triển vọng, khi nhìn về tương lai. Nghề làm ruộng cần kiến thức được đào tạo qua trường lớp, nhưng cũng cần thêm nhiều yếu tố khác như sự chuyên cần, thời tiết thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, hạt giống tốt, đất đai phì nhiêu, phân bón màu mỡ, thủy lợi dồi dào, cộng với nông cơ giới hiện đại.

Theo dòng thời sự: