Bí thư thành ủy Hà Nội xin lỗi về phản ứng trong vụ nước lụt

Quả là ngạc nhiên, một chuỗi dài đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tất cả bắt đầu từ cơn mưa như cầm chỉnh đổ kéo dài mấy ngày, nhấn chìm Hà Nội trong nước từ cuối tuần qua.

Quá nhiều ngạc nhiên

Chỉ vài ngày mưa mà cả thành phố ngập trong nước, là một ngạc nhiên. Mưa tầm tã kéo dài giữa mùa thu cũng là một ngạc nhiên. Mà ngạc nhiên cũng đúng thôi, vì đây là chuyện 35 năm qua chưa hề xẩy ra.

Vài ngày mưa lớn, mà gần 80 người thiệt mạng, trong đó riêng tại Hà nội có 22 người chết là một ngạc nhiên.

Mưa như thế, mà lãnh đạo của một thủ đô không phản ứng kịp thời, lại đi họp “theo lịch,” để “thực hiện các chủ trương liên quan đến tôn giáo,” là một ngạc nhiên khác.

Mưa như thế, mà người đứng đầu chính trị của một thành phố, lớn tiếng chỉ trích người dân “ỷ lại vào nhà nước,” “không đem hết sức ra tự làm,” là một ngạc nhiên.

Nhưng, điều ngạc nhiên lớn nhất, là lần đầu tiên, hay chí ít cũng là chuyện lâu lắm rồi mới thấy, một Uỷ Viên Bộ Chính Trị đầy quyền uy, xin lỗi người dân.

Bản tin của báo điện tử VietnamNet ngày 5 tháng 11 viết rằng, ông Phạm Quang Nghị, Bí Thư Thành Uỷ Hà Nội, gởi lời xin lỗi dân chúng, rằng ông “thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán.”

Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.

Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị

Chuyện là, trước đó 3 ngày, trong một lần trả lời phỏng vấn với VietNamNet, ông Nghị đã phát biểu, giống như lời nhắc nhở của một gia trưởng rằng "thiên tai không thể tính trước được," và rằng "nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm."

Vào thời điểm ấy, cái thời điểm mà Bí Thư Thành Uỷ Hà Nội, Uỷ Viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, nói rằng “nhân dân bây giờ ỷ lại Nhà Nước lắm,” điều gì đang xảy ra cho người Hà Nội?

Hãy nghe nhà báo Huy Đức viết trên blog của anh:

“Người dân Hà Nội có ngay nơm, có ngay vó để bắt cá trên đường phố. Người dân Hà Nội có thể kết bè để di chuyển đàn bà, trẻ em ra chỗ cao hơn. Người dân Hà Nội, đến hôm 2 tháng 11, đã huy động được cả xe ngựa vào làm phương tiện đi lại trong nội thành. Cho dù rất thiếu kỹ năng sông nước, người dân Hà Nội, rõ ràng là đã tự xoay xở lấy thay vì chờ đợi vào chính quyền.”

Cho đến thời điểm ông Phạm Quang Nghị lên tiếng cằn nhằn rằng người dân “ỷ lại vào Nhà Nước,” “không đem hết sức ra tự làm,” thì người Hà Nội đã một mình tự lo toan, cam chịu, không một lời than vãn.

Và cũng cho đến sát ngày ông Nghị chỉ trích người dân, lãnh đạo thành phố này vẫn còn “phải họp về việc thực hiện các chủ trương liên quan tới tôn giáo.” Cả lãnh đạo Hà Nội, và cả chính quyền Trung Ương, không một ai lên tiếng, không một ai xuất hiện.

Blogger Huy Đức viết tiếp:

“Theo ghi nhận của người dân, cho đến hết ngày 1 tháng 11, các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh của Hà Nội vẫn chưa được trưng dụng để phát đi các mệnh lệnh nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp. Rất ngạc nhiên là tối 31 tháng 10, dân tình đã rối loạn như vậy mà sáng 1 tháng 11, lãnh đạo Hà Nội vẫn họp để bàn về một vấn đề đã được lên lịch trước đó hàng tuần.”

Rất ngạc nhiên là tối 31 tháng 10, dân tình đã rối loạn như vậy mà sáng 1 tháng 11, lãnh đạo Hà Nội vẫn họp để bàn về một vấn đề đã được lên lịch trước đó hàng tuần.

blogger Huy Đức

Tại sao?

Vâng, trên rất nhiều diễn đàn, blog trên Internet, người ta bắt gặp câu hỏi: “Tại sao những chuyện như thế, lại có thể xảy ra?”

Tại sao mưa như trút, lụt tràn thành phố, lũ từ xa đổ về, gần 20 người chết, mà phải gần 2 ngày sau, mới thấy lãnh đạo thành phố xuất hiện? Và tại sao, khi lần đầu tiên xuất hiện, người ta có thể nói: “nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm...”

"Có những tổn thất vô nghĩa và những cái chết vô nghĩa!" Blogger Nguyễn Trang Nhung đã viết như thế. "Những người quy hoạch đô thị cứ phân lô, chia nền nữa đi! Cứ lo làm đầy túi tư nữa đi…" Tác giả chia sẻ:

“Có những tổn thất vô nghĩa và những cái chết vô nghĩa! Những tổn thất vô nghĩa, mà khi phải gánh chịu hậu quả, người ta mới lưu tâm tới nguyên nhân... Những cái chết vô nghĩa, mà khi phải chứng kiến trong những tình huống liên quan trực tiếp đến cuộc sống hoặc dễ nhận thấy, người ta mới lưu tâm tới nguyên nhân...

Những người quy hoạch đô thị cứ phân lô, chia nền nữa đi! Cứ lo làm đầy túi tư nữa đi! Thiệt hại về vật chất, khoảng 3000 tỉ đồng, thiệt hại về sinh mạng con người, khoảng 20 mạng, và vô số thiệt hại không thể cân đo đong đếm khác, là kết quả của lòng tham và tính vô trách nhiệm của những người đáng ra phải rất có trách nhiệm và biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết.”

flood-in-Hanoi-305.jpg
Hai người đàn ông đang cố đấy chiếc xe hơi bị ngập trong nước lụt trên đường phố Hà Nội hôm 3-11-2008. (AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam)

Trên blog Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, đăng lại một đoạn của tác giả Nguyễn Quang Thiều, viết ngày 2 tháng 11, đã được đăng trong nước:

“10 năm trước, tôi viết và xuất bản tập thơ “Bài ca những con chim đêm.” Trong tập thơ này có trường ca “Nhân chứng của một cái chết.” Trường ca chỉ kể câu chuyện về thị xã Hà Đông bị một cơn mưa chứa nước của một trăm năm đổ xuống nhấn chìm toàn bộ. Không ít người xem câu chuyện này là giả tưởng của một nhà thơ với sự lãng mạn điên rồ.

Nhưng 10 năm sau câu chuyện ấy đã bắt đầu chứng minh một phần sự thật của nó... Chúng ta đã và đang chứng kiến nạn phá rừng, phá núi đồi, lấp ao hồ, gây ô nhiễm môi trường... Chúng ta đang sống vô cảm với thiên nhiên và vô trách nhiệm với mảnh đất của mình thì một cơn mưa nhấn chìm chúng ta đâu phải là chuyện hoang đường...”

Chúng ta đang sống vô cảm với thiên nhiên và vô trách nhiệm với mảnh đất của mình thì một cơn mưa nhấn chìm chúng ta đâu phải là chuyện hoang đường.

Nguyễn Quang Thiều

Tại sao? Vẫn câu hỏi “tại sao,” cho một góc nhìn khác. Tại sao một nhân vật đầy uy quyền, một trong 14 nhân vật quyền uy nhất Việt Nam, lại tự dưng xin lỗi, công khai trên báo?

Một blogger tên Linh mô tả:

“Dù sao ông Phạm Quang Nghị cũng đã xin lỗi, một việc rất hiếm đối với một nhà lãnh đạo ở cấp cao như ông. Ông cũng mặc áo mưa, đội mũ cối ra chụp ảnh với bà con vùng lụt. Về việc này, ông có chậm hơn ông Thảo một bước vì ông Thảo đã có ảnh chụp đội mũ cối từ hôm 2 tháng 11 ở trạm bơm Yên Sở.”

Blogger này tự hỏi, và cũng tự trả lời: phải chăng, nguồn thông tin “lề trái” đã trở thành một áp lực của sự phản biện thay cho “lề phải?”

“Tại sao ông Nghị lại phải xin lỗi? Khi mà trên tất cả các báo chí chính thức người ta không đọc được một bài viết nào của nhà báo hay nhân dân yêu cầu ông Nghị xin lỗi … Ông Nghị, và có thể các cấp lãnh đạo khác, hẳn phải nhận được sự phản hồi về nỗi bức xúc của người dân từ các kênh phi chính thức như blog, forum...

Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc thấy trên blog của nhiều nhà báo mà người ta có thể dễ dàng xác định được danh tính thực của họ ngoài đời, những dòng bức xúc trước phát biểu của ông Nghị, một quan chức ở hàng Top 10 của Đảng.

Điều này cho thấy dư luận blogger càng ngày càng có vai trò quan trọng như một kênh thông tin, phát biểu đáng chú ý, thay cho báo chí luôn phải đứng bên lề bên phải.”

Đây là lần đầu tiên tôi đọc thấy trên blog của nhiều nhà báo những dòng bức xúc trước phát biểu của ông Nghị, một quan chức ở hàng Top 10 của Đảng. Điều này cho thấy dư luận blogger càng ngày càng có vai trò quan trọng như một kênh thông tin, phát biểu đáng chú ý, thay cho báo chí luôn phải đứng bên lề bên phải.

blogger Linh

...và Tại sao?

Dường như mọi câu trả lời vẫn chưa thoả đáng. Người ta vẫn cứ tiếp tục đặt câu hỏi: Tại sao, những việc tưởng như không thể xảy ra, đã xảy ra?

Blogger Huy Đức viết trên nhật ký của anh: “Tình huống mưa lụt hiện nay cho thấy những “sự đảo lộn cuộc sống” do thiên tai như vậy còn có thể xảy ra không chỉ ở Thủ đô.” Và anh khẳng định, chất lượng quan chức chính quyền là chìa khoá giải quyết “nhân tai.” Nhưng câu hỏi đặt ra, là điều gì bảo đảm một thế hệ quan chức có chất lượng và có trách nhiệm?

Và đây, câu trả lời, cũng từ blogger này:

“Chính quyền, đặc biệt là chính quyền đô thị, cần những nhà lãnh đạo quyết đoán, có thể ban hành các quyết định trong những tình huống như thế này mà không cần quá nhiều cuộc họp. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo như vậy cần phải được “bổ nhiệm” từ lá phiếu của dân, luôn lắng nghe dân và có được sự nhạy cảm để ứng phó nhanh như những người dân đang hàng ngày ứng phó.”

Trong khi lũ lụt vẫn còn bao phủ Hà Nội, từ nơi cách xa nửa vòng trái đất, người dân Hoa Kỳ đã chọn được cho đất nước họ một tổng thống mới. Một blogger viết trên nhật ký Đồng Phụng Việt của mình một điều đáng để người Việt Nam suy ngẫm.

Anh viết, đại ý: Người Mỹ từ hôm nay đã có một tổng thống da màu. Đó là câu trả lời hùng hồn nhất cho bất cứ ai phê phán sự kỳ thị màu da tại Hoa Kỳ. Nhưng, bao giờ, chuyện kỳ thị, phân biệt đối xử giữa Đảng viên và “quần chúng nhân dân” tại Việt Nam mới chấm dứt?

Trong khi nước Mỹ có một tổng thống da màu, tại Việt Nam, người dân Việt chưa được tự do ứng cử vào chức … chủ tịch xã! Cũng xin nhắc là từ ứng cử đến qua đựơc vòng sơ khảo của ủy ban hiệp thương đã là khó chứ chưa nói đến chuyện tranh cử và đắc cử…

Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ <a href="mailto:vietweb@rfa.org" title="mailto:vietweb@rfa.org">vietweb@rfa.org</a>.

Vừa rồi là những nhận định được ghi nhận từ một số blog liên quan đến trận mưa kéo dài hai ngày vừa qua tại Hà Nội cùng một số chi tiết xung quanh khả năng phản ứng của chính quyền Hà Nội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.

Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ vietweb@rfa.org .