Một số hạn chế
Dịp này quốc hội cũng nêu lên một số hạn chế đáng lưu ý liên quan đến trình độ của người lao động ra nước ngoài, chính sách bảo hộ lao động cho họ cũng như việc quản lý hay thực hiện chính sách từ các cơ quan chức năng đối với người lao động chưa được gọi là thích đáng.
Trao đổi với Thanh Trúc, Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước , thuộc Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, giải thích những điểm chính:
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: " Vừa rồi quốc hội có một đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nghĩa là xem xét chính sách thức hiện trên thực tế có vấn đề gì không, đấy là mục đích của đợt giám sát vừa rồi."
Thanh Trúc: Thưa ông, các đại biểu quốc hội nhận định là mặc dù điều 59 và 60 của Luật Lao Động, liên quan đến người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, qui định hỗ trợ việc làm cũng như khuyến khích tạo việc làm cho lao động sau khi về nước, nhưng trên thực tế thì các bộ, ngành, địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Các đại biểu cũng nhìn nhận đưa người đi lao động ở nước ngoài là lãnh vực khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Thưa ông thấy cái nhìn của quốc hội có đúng hay không?
Quốc hội sẽ xem xét tất cả những việc liên quan đến người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, kể cả vấn đề tuyển chọn đưa người ta đi.
Ô. Nguyễn Ngọc Quỳnh
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Việc mà bây giờ những người đi làm ở nước ngoài về nước mà vấn đề việc làm của họ thì đúng là chưa làm được nhiều. Bộ Lao Động hiện đang xây dựng một cơ sở dữ liệu về lao động việc làm. Trong cơ sở dữ liệu đó cũng có những người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà về nước với trình độ chuyên môn nghiệp vụ thế nào đó, để giới thiệu cho những công ty xí nghiệp ở Việt Nam. Thì cái đó cũng đã làm, nhưng mà chưa làm được nhiều."
Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, vấn đề bảo hộ lao động làm việc ở nước ngoài là nhắm tới những đối tượng đã về nước rồi chứ không phải là những đối tượng đang làm việc ở bên ngoài phải không?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Không, tất cả chứ ạ. Quốc hội sẽ xem xét tất cả những việc liên quan đến người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, kể cả vấn đề tuyển chọn đưa người ta đi, xong rồi là bảo về quyền lợi cho người ta ở nước ngoài đã tốt hay chưa, và sau khi người ta về nước thì sử dụng người ta như thế nào. Đấy là quốc hội sẽ giám sát tất cả chứ không chỉ việc người ta về nước thì bố trí việc làm thế nào.
Việt Nam có một luật gọi là luật về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó qui định rất rõ việc bảo hộ bảo về quyền lợi của người lao động ở nước ngoài được thực hiện ra làm sao. Tất cả các thứ đó đều được qui định trong luật, được thực hiện từ ngày 1 Tháng Bảy năm 2007 đến nay.”
Thanh Trúc: Trong tư cách cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước thì ông thấy sự thực hiện đó đã đến nơi đến chốn chưa hay còn lỏng lẻo khiến nhiều công ty chuyên trách xuất khẩu lao động đã lợi dụng những kẻ hở đó để đưa lao động đi một cách bừa bãi, đôi khi trình độ hay kiến thức của người ta không tương xứng với công việc?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Nhìn chung thì các công ty được cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì đã thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, thì cũng có những sai sót những vi phạm. Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội thường xuyên tổ chức những đợt thanh tra và kiểm tra các công ty đó về việc thực hiện. Thực hiện sai thì bị xử lý theo qui định của pháp luật. Ngoài ra, chỗ cục chúng tôi cũng có một bộ phận chuyên tiếp nhận ý kiến của người lao động. Người lao động từ nước ngoài hay trong nước đều có thể hỏi chúng tôi và chúng tôi phải kiểm tra và xử lý, nếu người ta gặp những khó khăn thì đều phải giúp đỡ bảo hộ. Còn nếu người ta bị đối xử không đúng thì chúng tôi cũng phải xử lý và xử phạt người gây ra những việc đó."
Chính phủ nên tạo điều kiện
Thanh Trúc: Đã có những trường hợp lao động ra nước ngoài theo hợp đồng, họ chỉ được ký hợp đồng một ngày trước khi đi, họ không nắm vững được những điều trong hợp đồng. Khi qua đó chủ sử dụng lao động đã trả lương không đúng như hứa hẹn. Người ta lại không biết phải báo cáo về Bộ Lao Động hay Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước mà lại báo cáo cho công ty trung gian, công ty môi giới đưa họ đi.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Người ta phải báo cáo cả cho công ty đó cả cho đại sứ quán Việt Nam ở nước đó và người ta có thể báo cáo cả cho Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước hoặc là Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Chúng tôi đều nhận được những báo cáo đó, và trong những trường hợp làm không đúng hợp đồng trước khi đi thì chúng tôi đều yêu cầu phải thực hiện đúng hợp đồng.
Còn trong những tranh chấp mà buộc phải đưa lao động về nước thì có những chính sách hỗ trợ cho người lao động nếu không phải lỗi của người lao động.”
Thanh Trúc: Theo số liệu của bên Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội thì từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa trên 60.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thưa ông Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội có định mở rộng thị trường lao động sang Châu Âu hay Châu Mỹ không?
Các công ty mà đưa người ta đi làm việc nước ngoài có thể là làm đúng pháp luật, nhưng mà ngoài cái số đi hợp pháp thì còn có những trường hợp các tổ chức lừa đảo.
Ô. Nguyễn Ngọc Quỳnh
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Nói chung việc người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một trong những cái nhu cầu, chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi nước ngoài nếu người ta có nguyện vọng hợp pháp. Nếu những nước nào có nhu cầu và lao động Việt Nam đáp ứng được nhu cầu đó, phù hợp với luật pháp ViệtNam và luật pháp nước nhận thì chính phủ Việt Nam đều tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đi làm việc ở nước ngoài."
Thanh Trúc: Thưa ông các công ty môi giới, khi tuyển mộ người lao động đi Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út hay Chypre chẳng hạn, thì họ buộc công nhân phải đóng một số tiền mà thường thì công nhân than là phải đóng nhiều lắm, đi thì bằng cách nào cũng phải lấy lại vốn hoặc phải trả hết nợ ở bên Việt Nam?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Vâng, trong luật qui định rất rõ là các công ty được phép thu của người lao động một khoản phí dịch vụ. Khoảnphí dịch vụđó được qui định rất là rõ cái mức cao là bao nhiêu. Ngoài ra người lao động cũng phải chẳng hạn như là vé máy bay thì lao động phải tự lo, có qui định cụ thể trong luật. Nếu công ty nào mà thu quá cái chỗ đó thì người lao động có thể khiếu nại."
Thanh Trúc: Thế thì rõ ràng hay có thể nói rằng lâu nay đã có một sự khá là trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa các công ty môi giới đưa người đi lao động nước ngoài và những công nhân ao ước được đi nước ngoài làm việc. Rõ ràng hai bên đã có những điểm không hiểu nhau?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Cái này thì có! Nó có những trường hợp thế này, tức là các công ty mà đưa người ta đi làm việc nước ngoài có thể là làm đúng pháp luật, nhưng mà ngoài cái số đi hợp pháp thì còn có những trường hợp các tổ chức lừa đảo, không có quyền làm việc này không được cấp giấy phép làm việc này, nhưng người ta lừa người lao động. Trong những trường hợp đó người lao động có thể phải mất nhiều tiền. Chính phủ Việt Nam, cơ quan công an và các cơ quan chức năng đã phải cố phát hiện, xử lý. Đã có rất nhiều vụ án thực sự về những việc lừa đảo này.
Thanh Trúc: Trong khoản thời gian từ 2001 đến 2004, nhiều công nhân đi làm việc bên Đài Loan, Nam Hàn, Malaysia, Nhật, đã tự phá hợp đồng tự trốn ra ngoài để kiếm việc khác. Ông nhìn vấn đề này như thế nào?
Tổng hợp tất cả những điều kiện như vậy thì cái tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm xuống rất nhiều. Một số thị trường thì hầu như không còn lao động bỏ hợp đồng.
Ô. Nguyễn Ngọc Quỳnh
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Cái tình trạng bỏ hợp đồng ra ngoài để làm việc không hợp pháp thì nó có, trước đây là tương đối phổ biến tương đối nhiều. Những nguyên nhân của nó, kể cả nguyên nhân ở nước nhận lao động nữa, ví dụ nước nhận lao động còn có nhiều chủ sử dụng lao động bất hợp pháp. Nếu người ta không tìm được việc thì người ta sẽ không bỏ ra ngoài.
Rồi có cả nguyên nhân của một số người lao động là cũng không tuân thủ các qui định cho nên tùy tiện bỏ hợp đồng ra ngoài. Cái đó cũng có.
Nhưng mà từ 2004 , chúng ta đã kiểm soát , đã đào tạo giáo dục cho người lao động tốt hơn, cho nên ý thức của người lao động được nâng lên. Và rồi chúng ta cũng hợp tác chặc chẽ với các nước để xứ lý những trường hợp các chủ sử dụng lao động nước đó mà nhận lao động bất hợp pháp. Tổng hợp tất cả những điều kiện như vậy thì cái tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm xuống rất nhiều. Một số thị trường thì hầu như không còn lao động bỏ hợp đồng nữa.”
Thanh Trúc: Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Đoàn Xuân Hưng đề nghị Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội hình thành các địa chỉ, trung tâm hỗ trợ lao động nói chung và lao động nữ nói riêng tại các nước có đông lao động Việt Nam. Cái đề nghị này ông thấy có khả thi không, bao giờ có thể xây dựng được?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: "Thực ra cái này đã làm từ nhiều năm nay. Ví dụ hiện nay chúng tôi có Ban Quản Lý Lao Động tại đại sứ quán Việt Nam ở trên tám nước có đông lao động chẳng hạn như Mã Lai, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Đông… Đó là những cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Tất nhiên tới đây, nếu thị trường tiếp tục mở rộng, chúng tôi sẽ mở thêm các trung tâm các Ban Quản Lý Lao Động ở các nước khác. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động rất là quan trọng và sẽ tiếp tục được tăng cường.”
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, đã trả lời những câu hỏi của chúng tôi.
Theo dòng thời sự:
- Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay
- ASEAN bàn về công ước bảo vệ người lao động
- Ký sự Mã Lai: Đau xót những mảnh đời công nhân VN
- Ký sự Mã Lai: nỗi khổ công nhân Việt Nam
- Ả Rập: năm trăm công nhân VN bị trục xuất về nước
- AI cáo buộc Malaysia đã đối xử tàn tệ với di dân đến làm việc
- Malaysia tham gia chương trình chống nạn buôn người
- Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài
- 17 ngàn lao động đã được xuất cảnh trong quý 1
- Singapore hạn chế thuê công nhân nước ngoài