Thuốc đặc trị giá trên trời
Các loại dược phẩm đặc trị để chữa trị các bệnh hiểm nghèo giá vốn dĩ đã cao, lại còn bị nâng giá thêm. Thực trạng này làm cho các bệnh nhân đã khổ càng khổ hơn, nhất là các đối tượng thuộc diện khó khăn.
Sau khi báo chí trong nước đăng bài nói về một số nhà thuốc độc quyền đã đẩy giá thuốc viêm gan siêu vi C tăng vọt, các ngành chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp để bàn về việc quản lý giá thuốc.
Dự luận đang xôn xao về thông tin thuốc trị viên gan siêu vi C tại Việt Nam được các công ty độc quyền phân phối đẩy giá lên mức khủng khiếp để thu lợi từ chiết khấu 30%. Và cùng với việc nâng giá đó còn có sự tiếp tay của các bác sĩ thiếu lương tâm kê toa và chỉ định mua tại các nhà thuốc mà họ sẽ nhận được hoa hồng. Chỉ có người bệnh phải bóp bụng móc hầu bao trả tiền thuốc.
Người ta có máy tính nên đâu có tính nhầm, mà cũng không thể nói là lộn được. Tóm lại chỉ có người bệnh là phải chịu thiệt thòi thôi.
Một người dân ở quận 3 - tphcm
Mới đây Báo Lao Động có đưa tin, bệnh nhân Huỳnh Văn Truyện - 64 tuổi, ở quận 3 đến khám tại Bệnh viện Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan siêu vi C, và bác sĩ kê toa thuốc tiêm Pegasys 180mcg để điều trị. Người nhà ông Truyện cho biết mua thuốc này tại nhà thuốc Cẩm Hà ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá 4 triệu 2 trăm ngàn đồng/lọ.
Cũng theo báo này, sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán của lọai thuốc này gần tới 900.000 đồng/lọ thuốc. Điều này cho thấy bệnh nhân đã bị móc túi một số tiền khổng lồ cho một lọ thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C.
Thuốc tây, nhất là các lọai thuốc đặc trị thường được bán với giá "trên trời". Ông Phan Huỳnh Liễu, một cán bộ hưu trí cho biết "hiện giờ các loại thuốc tăng giá đột biến một cách vô tội vạ."
Nói đến chuyện các nhà thuốc tây ấn định giá bán một cách vô tội vạ, một chị ngụ tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh kể lại chuyện chị đi mua thuốc đau răng với giá 15 ngàn đồng/ngày. Hôm sau chị đến đúng nhà thuốc đó, mua đúng loại thuốc đó thì cô bán hàng khác tính cho chị 5 ngày thuốc chỉ có 30 ngàn đồng.
Chị nói: "Người ta có máy tính nên đâu có tính nhầm, mà cũng không thể nói là lộn được. Tóm lại chỉ có người bệnh là phải chịu thiệt thòi thôi."
Chị nói thêm: "Cũng như đối với que thử bệnh tiểu đường, tôi mới mua cách đây hơn một tháng với giá là 200,000 đồng/hộp/ 25 que. Bây giờ cũng vừa hết tôi đi mua thì giá vọt lên 215,000 đồng.
Coi như vừa hết thuốc mình đi mua thì lại lên giá. Vì thuốc là cái cần nên người ta nói bao nhiêu thì mình phải mua bấy nhiêu. Ở Việt Nam bây giờ không biết giá thực sự của thuốc tây là bao nhiêu.”
Nguyện vọng của người dân
Theo quy định của Bộ Y tế, các nhà thuốc trong bệnh viện không được bán thuốc với giá cao hơn giá bán lẻ thuốc trên thị trường trong cùng thời điểm. Đồng thời tất cả các nhà thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá thuốc và không được bán cao hơn giá niêm yết. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nơi không chấp hành quy định này.
Bản thân ông Liễu là một bệnh nhân bị bệnh tim mạch,nên ông "mong rằng nên có một biện pháp quản lý giá các tiệm thuốc tây ở trong các bệnh viện hay ở bên ngoài thuốc tây như thế nào để đừng tăng giá một cách bừa bãi, vô tội vạ, để cho những người dân nghèo có thể có khả năng mua được những loại thuốc đặc trị để chữa bệnh. Điều đó rõ ràng là mong muốn của mọi nguời dân."
Chị Ngọc Thành, có hai con nhỏ, một cháu lại bị bệnh tim bẩm sinh, nên chị là khách hàng thường xuyên của các hiệu thuốc từ Thành phố Hồ Chí Minh cho đến Bình Dương. Theo chị thì "giá thuốc tây ở các nhà thuốc không thống nhất mặc dù có sự quản lý, có văn bản quy định ở mỗi tiệm thuốc tây phải có treo bảng ghi giá các loại thuốc. Nhưng khi mua thuốc, người mua đâu có nhìn lên bảng."
Chị Thành cũng bày tỏ nguyện vọng của những người có người thân không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo:
"Đối với các loại thuốc đặc trị thì khó mua và giá rất cao, người nghèo không thể mua nổi, nhà nước nên hỗ trợ bằng chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đa dạng cho người dân. Điều này cực kỳ quan trọng đối với các loại thuốc trị các bệnh như: ung thư, tim ,thận, gan, phổi. Người nghèo đâu có tiền để mua những loại thuốc đó.
Đối với các loại thuốc đặc trị thì khó mua và giá rất cao, người nghèo không thể mua nổi, nhà nước nên hỗ trợ bằng chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đa dạng cho người dân.
Chị Ngọc Thành - tphcm
Đối với những loại thuốc bình thường thì phải quản lý giá cả thống nhất. Cho đăng giá thuốc trên mạng,trên báo chí thường xuyên; như có một trang chuyên về giá cả các loại thuốc tây. Nếu nơi nào vi phạm, bán thuốc quá giá quy định thì phải bị rút giấy phép hoạt động kinh doanh. Còn đối với những mặt hàng dụng cụ y khoa, nên cho sản xuất tại Việt Nam để giảm thuế và có giá rẻ cho người tiêu dùng."
Thuốc là mặt hàng đặc biệt không thể đánh đồng như các loại hàng hóa bình thường khác, nên cần một cơ chế quản lý đặc biệt về giá cả cũng như chất lượng, và phải có sự giám sát của ngành y tế, và tài chính, để người bệnh được chữa trị bằng các loại thuốc với đúng giá trị thực của nó.