Năm 2007, Tình bắt đầu chuyển về trại Tân Lập. Trong một lần chơi thể thao, anh đã va chạm với một bệnh nhân khác bị nhiễm HIV. Tại trạm xá của trại giam, các cán bộ nơi đây đã khâu vết thương cho phạm nhân bị nhiễm HIV trước, rồi dùng luôn kim tiêm đó khâu cho Tình. Tình đã mang trong mình vi rút của căn bệnh thế kỷ như thế: rất nhanh, rất ngỡ ngàng, và rất phũ phàng khiến anh không khỏi bàng hoàng:
“Đầu tiên tôi cũng bàng hoàng, cũng sốc, nhưng sau một thời gian định thần lại thì mình cũng phải sống với nó thôi, vì mọi chuyện đã xảy ra rồi”.
Sau đó, các cán bộ yêu cầu Tình viết thư vận động tài chính gia đình để mua một mũi thuốc phòng chống HIV. Phàm làm người, ai cũng muốn sống và sống khỏe mạnh, đặc biệt khi con người ta biết mình sắp chết, người ta lại cố bám víu vào cuộc sống nhiều hơn. Vậy mà Tình lại từ chối cơ hội ấy, bởi anh quá nghèo. Lợi kể lại:
Đầu tiên tôi cũng bàng hoàng, cũng sốc, nhưng sau một thời gian định thần lại thì mình cũng phải sống với nó thôi, vì mọi chuyện đã xảy ra rồi.
Anh Tình
"Vì là lúc ấy gia đình Tình cũng nghèo khổ, bởi vì một mũi tiêm là 300 triệu. Bảo là tìm đâu ra để có thể tiêm một mũi tiêm như thế".
Cách đây mấy hôm, chúng tôi liên lạc với Tình trong những ngày rét cuối năm ở miền Bắc. Tình đang phải uống rất nhiều thuốc khiến anh vô cùng khó chịu. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Tình ho nhiều do di chứng lao - giai đoạn chuyển biến của căn bệnh HIV. Anh chia sẻ:
“Lúc này thì hình như trong gia đình tôi thì tôi đang diễn kịch, đang cố sống để cho gia đình yên tâm. Và gia đình thì cũng thế, cũng không muốn mang cho tôi một áp lực và gánh nặng nào”.
Tìm cuộc mưu sinh
Thế nhưng dù muốn dù không, họ cũng đang trở thành gánh nặng cho gia đình ít ra về mặt tài chính.
Trước khi bị ngồi tù, Lợi có học sửa xe máy, anh cũng hy vọng sau khi ra tù sẽ tiếp tục công việc bình dị này như bao công dân khác. Thế nhưng trở về với cộng đồng, điều khó khăn của ba chàng thanh niên không phải là sự dè bỉu của dư luận, mà là sự trầy trật trong cuộc mưu sinh. Gia đình Lợi được Hội Người cao tuổi giao cho quản lý một mảnh đất nhỏ để dựng tạm một ngôi nhà cấp 4 và mở một tiệm sửa xe “nho nhỏ” (theo lời Lợi), xem như vừa kiếm sống, vừa trông nom địa điểm này.
Đồng thời, những thiết bị dụng cụ sửa xe cũng được báo Tiền Phong và báo Lao Động cung cấp. Nhưng công việc này cũng gặp khá nhiều trở ngại vì chính quyền địa phương cho người đập phá, mặc dù anh có giấy tờ sử dụng hẳn hoi và không hề vi phạm pháp luật:
“Chị cũng biết đấy, 30 tuổi đầu rồi nhưng vẫn cứ ăn bám gia đình, chẳng làm được cái gì cũng buồn lắm. Từ khi em sử dụng nó thì cứ nay ra bắt tháo, mai ra bắt gỡ, bắt đập, bắt phá, rồi mai người ta lại cho người ra cưỡng chế em”.
Sau gần một thập kỷ trong vòng lao lý, ba thanh thiếu niên ngày nào bước ra khỏi trại giam, trở thành những người đàn ông độ tuổi 30 và ngỡ ngàng trước những đổi thay của cuộc sống. Họ vui mừng như được tái sinh và hân hoan làm lại cuộc đời. Họ mơ về một mái ấm gia đình, nơi đó, người chồng sửa xe máy, người vợ lo chăm đàn con thơ ngây. Ước mơ tưởng chừng quá đổi bình thường, thế nhưng mấy ai thấu rằng đó là một giấc mộng rất lớn đối với họ khi anh Tình đã trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV:
“Thật là khó khăn bởi vì muốn nói thì có rất nhiều điều muốn nói, có những điều sâu kín nhất mà thậm chí với bố mẹ với người thân, với những người bạn bè mình cũng không dám nói, một mình mình nghĩ thôi”.
... cho tôi làm một con người, một người công dân đúng nghĩa và đầy đủ thẩm quyền.
Anh Tình
Có lần Tình viết thư cho em trai mình, trong thư anh nói “tương lai chưa thể bắt đầu nếu quá khứ không khép lại”. Tình chưa bước qua được qua khứ của mình, nơi chứa đựng những ngày lao lý mà theo anh là “ê chề” - những ngày “cơm vẫn ăn, ngủ vẫn ngủ nhưng công tác xã hội thì không có”. Chính vì thế, Tình luôn đeo đuổi một giấc mơ - gói gọn trong hai từ “Danh dự”. Ba anh em Lợi, Kiên, và Tình đang mong muốn một phiên tòa chính thức, công nhận sự vô tội của mình. Trước khi tạm biệt chúng tôi, Tình tâm sự:
“Ốm đau bệnh tật là cái điều không thể thay đổi được rồi, nhưng điều có thể thay đổi được để tương lai của mình không bị rối ren và mờ mịt, là cho tôi làm một con người, một người công dân đúng nghĩa và đầy đủ thẩm quyền”.
Những thanh niên đang tìm lại danh dự cho mình, danh dự được công nhận là một công dân hợp pháp. Chưa biết bao giờ điều này sẽ xảy ra, chỉ biết chắc chắn rằng, nó chỉ xảy ra khi phiên tòa chính thức được mở lại. Họ có quyền hy vọng ngày đó, vì nói như Tình cuộc sống “dù ngắn dù dài thì cũng là những tháng ngày có ý nghĩa”.