Tiến sĩ nhiều mà công trình nghiên cứu không nhiều, ngành khoa học không nuôi dưỡng được những công trình nghiên cứu cấp quốc tế, là những điều đáng quan tâm vào khi Việt Nam nhắm đào tạo thêm 20 ngàn tiến sĩ vào năm 2020.
Tại Việt Nam mỗi năm nhiều thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo nhưng yêu cầu tốt nghiệp thì chung chung, đánh đồng giữa tạp chí trong nước và quốc tế, trong lúc không có mấy công trình khoa học được công bố.
Đó là bài nhận định của nghiên cứu sinh Hoàng Văn Xiêm từ Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Cấp Cao Bồ Đào Nha, được báo chí trong nước đăng tải lại, và một trong những nguyên nhân khiến khoa học Việt Nam ít có công trình công bố quốc tế là do sự lãng phí chất xám.
Thiếu hỗ trợ
Theo ông Hoàng Văn Xiêm, những người có học vị tiến sĩ, được gọi là các nhà khoa học, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như Toán, Kinh Tế, Vật Lý, Thiên Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Triết Học...
Và đã là khoa học gia, nghiên cứu sinh Hoàng Văn Xiêm khẳng định, ngoài việc tìm hiểu tự nhiên xã hội, việc quan trọng thứ nhì là chia sẻ kiến thức và sự tìm hiểu của mình. Chính vì thế, đăng các công trình nghiên cứu không chỉ cần thiết mà còn là điều bắt buộc để xác định người đó là nhà khoa học.
Một điều dễ nhận biết là các tiến sĩ ở trong nước, mà thực tế có rất nhiều, chẳng có mấy công trình nghiên cứu thì nói gì tới chuyện đăng bài trên các báo chuyên ngành quốc tế.
Dưới mắt giáo sư Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc Tổ Hợp Giáo Dục Đào Tạo Stellar Management ở Hà Nội và Sài Gòn, Việt Nam cần rất nhiều tiến sĩ và hiện trạng có nhiều tiến sĩ là điều vui mừng chứ không phải điều đáng lo âu:
“Nhưng mà công trình cũng như chuyên môn của các tiến sĩ đó và cái chất lượng là vấn đề khác. Con số tiến sĩ và các công trình nghiên cứu hay khảo cứu có sự khác biệt cần quan tâm.”
Tiến sĩ là những người có những công trình nghiên cứu rõ rệt và đặc thù, chuyên đề hay chuyên môn, ông Hà Tôn Vinh giải thích. Nếu chỉ làm những chuyên đề hay những khảo cứu để cho xong bản luận văn tiến sĩ và đáp ứng sự đòi hỏi của đại học đang theo học để được cấp bằng tiến sĩ thì đó là một nửa của vấn đề:
“Còn nếu mà gọi là nghiên cứu sâu hơn, nghĩa là nghiên cứu hậu tiến sĩ, thì Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu như thế. Thứ nhất là phải có thời gian, phải có yêu cầu, phải có kinh phí. Và nhất là những công trình đó muốn được đăng trên các tạp chí quốc tế thì rất khó, đòi hỏi sự nghiên cứu rất khoa học, thông tin dữ liệu đầy đủ, phân tích xử lý thông tin rất chính thống. Những cái đó phải có vai trò của nhà nước hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu, cung cấp kinh phí hay có những yêu cầu rõ rệt để nghiên cứu.”
Thiếu khả năng
Đối với giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học, Xã Hội, từng có nhiều bài đăng trên báo ở Hoa Kỳ cũng như quốc tế, nếu cho câu nhận xét nhiều tiến sĩ ít công trình nghiên cứu là một lời chê thì cũng không có gì sai:
“Người ta chê thế thì cũng đúng, bảo mình quá xoàng là đương nhiên. Trong điều kiện làm ăn như thế và được bằng ấy bài một mặt nó là quá xoàng so với cái gọi là tiến sĩ hay không tiến sĩ.
Nói chung chê cũng có một phần chân lý nhưng mà đại thể cũng không đúng thực chất và cũng không kích thích được ai. Chứ còn nhìn số lượng đầu tiến sĩ ở Việt Nam cũng chẳng phải nhiều đâu, thấy nhiều chứ so với đầu dân thì chắc gì đã nhiều. Còn đúng là bằng cấp như thế mà bài đăng ở các tạp chí quốc tế thì quá ít ỏi nếu so với Thái Lan, so với các nước khác.”
GSTS Hồ Sĩ Quí
Được hỏi những điều kiện nào để nuôi dưỡng để kích thích tài năng và chất xám nhắm tới những công trình nghiên cứu theo đúng chức năng của một người có học vị tiến sĩ, giáo sư Hồ Sĩ Quí trả lời theo ông nếu nói rằng môi trường hoạt động chưa được như ý muốn hoặc chưa được như điều kiện tối thiểu cho sáng tạo khoa học thì cũng chẳng có gì là quá đáng, thậm chí chê như thế cũng còn nhẹ. Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại:
“Vin cớ môi trường là điều kiện khách quan cho nên không có được sản phẩm tầm cỡ thì điều ấy là đúng. Nhưng mà nói như thế tức là năng lực cũng rất là kém chứ còn những nhà khoa học thực sự có năng lực thì người ta cố gắng thoát ra khỏi môi trường ấy để có được những đóng góp trong lãnh vực chuyên môn.”
Môi trường khoa học là môi trường quốc tế chứ không phải môi trường cục bộ địa phương, giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí nhấn mạnh, nên dù không bước chân ra khỏi nước nhưng môi trường khoa học của nhà khoa học vẫn là môi trường quốc tế. Các tài liệu, thông tin, dữ kiện đầu vào cho đến nghiên cứu khoa học bao giờ cũng phải là thông tin quốc tế. Không đạt đến trình độ ấy thì chưa xứng đáng được gọi là khoa học:
“Rõ ràng ở những phương tiện ấy nền khoa học của ta nói chung còn yếu, nhưng mà hiện nay điều kiện thông tin, điều kiện Internet, điều kiện giao tiếp... hoàn toàn anh có thể có được những thông tin dữ kiện mới nhất về chính chuyên ngành của anh.
Còn khi anh không biết thì tiên trách kỷ hậu trách nhân, anh không biết, không nắm được những dữ kiện mới nhất của khoa học thì anh là người dốt trước, anh phải phê phán anh trước khi phê phán môi trường chung quanh. Còn đúng là điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện đãi ngộ quan tât của chính sách còn nhiều vấn đề.”
Lạm dụng hệ thống và bằng cấp
Theo phân tích của tiến sĩ Vũ Quang Việt, trước là vụ trưởng Vụ Tài Khoản Quốc Gia của Liên Hiệp Quốc, hiện là tư vấn tài chính cho Philippines, Trung Quốc, Qatar, Ngân Hàng Thế Giới World Bank, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB, thì:
“Có một thời gian những người học ở bên Liên Xô gọi là nghiên cứu sinh, PhD Candidates, đang học để lấy bằng tiến sĩ thì Việt Nam coi họ tương đương với tiến sĩ của Mỹ. Có một thời gian tiến sĩ của Mỹ bên Liên Xô gọi là phó tiến sĩ.
Ở Việt Nam thì có lúc đầu tiên người ta gọi là phó tiến sĩ, sau phó tiến sĩ đẩy lên làm tiến sĩ hết, mà những phó tiến sĩ ấy đã chắc gì có những công trình đàng hoàng, so với Mỹ chỉ là bằng Master tức bằng Cao Học. Rồi những tiến sĩ đó bây giờ được dạy học và hướng dẫn cho những người làm tiến sĩ khác.
TS Vũ Quang Việt
Thế thì vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam có nhiều tiến sĩ vì họ cho rất dễ dàng. Những người đó làm gì có khả năng nghiên cứu? Họ hướng dẫn sinh viên như vậy thì họ sẽ đẻ ra những người cũng không có khả năng mà chỉ có cái bằng thôi."
Thành ra bảo Việt Nam phí phạm chất xám là không đúng mà phải nhìn ra Việt Nam lạm dụng hệ thống và bằng cấp tiến sĩ từ thời Liên Xô trước kia cho đến lúc này:
“Tại vì cái hệ thống đó tạo ra những người không xứng đáng để hướng dẫn và họ cho rất nhiều bằng tiến sĩ . Đó là một hệ thống mà họ thích có bằng và họ thích cho nhau bằng. Làm sao tạo nhiều tiến sĩ là họ thấy hay rồi.”
Vậy thì các tiến sĩ Việt Nam cũng có nghiên cứu, nhưng đó là nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của những ông thầy dở, chả trách không thể nào đào tạo học trò giỏi và cho kết quả nghiên cứu có giá trị được. Đó là ý nghĩa sâu xa của nhận định Việt Nam nhiều tiến sĩ ít công trình nghiên cứu, chuyên gia Liên Hiệp Quốc Vũ Quang Việt kết luận.
Theo dòng thời sự:
- Giá trị thật của bằng cấp quốc tế tại VN
- Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam bị tụt hạng (Phần 1)
- Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam bị tụt hạng (Phần cuối)
- Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Nhân tài và sự thịnh suy của đất nước
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Học thật - bằng cấp dỏm - vì sao?