Formosa tiếp tục gây hại môi trường bằng rác thải chứa độc chất

RFA
2016.08.02
000_C00Z2.jpg Người Việt ở Đài Loan biểu tình phản đối tập đoàn Formosa hủy hoại môi trường biền Việt Nam hôm 18/6/2016.
AFP photo

Chất độc Xyanua có trong rác thải của công ty thép Formosa là quá giới hạn cho phép. Đó là thông báo của Bộ tài nguyên môi trường Việt Nam sau khi phân tích các mẫu rác của Formosa thu thập được ở nhưng nơi chôn rác trái phép khác nhau trong tỉnh Hà Tĩnh. Cũng theo Bộ tài nguyên môi trường thì đất đai, nước sông, nước ngầm ở những nơi này chưa bị nhiễm độc.

Theo Bộ Tài nguyên môi trường thì trong việc xử lý chất thải, công ty Formosa có hai sai phạm: thứ nhất là không phân loại rác để tách chất thải độc ra xử lý riêng, và thứ hai là đã giao chất thải độc hại cho các tổ chức và cá nhân không có giấy phép hành nghề liên quan đến xử lý chất thải nguy hại.

Bộ Tài nguyên môi trường đề nghị xử phạt hành chính và bắt buộc công ty Formosa phải khắc phục những hậu quả do việc vận chuyển, chôn lấp chất thải trái phép gây ra.

Một trong những nơi mà công ty Formosa chôn lấp rác trái phép là trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty môi trường đô thị Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hôm nay cơ quan công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ việc này.

Theo bản tin của báo mạng Vietnamnet thì những người bị điều tra bao gồm cả người lái xe, đem rác vào trang trại, và ông Ngưu Tấn Phát, Giám đốc công ty Formosa, người đã ký hợp đồng giao rác cho công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh.

Ông Ngư Tấn Phát bị truy tố vì đã giao rác cho công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, một đơn vị mà theo sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Tĩnh là không có điều kiện để xử lý, và vận chuyển các chất thải công nghiệp.

Sau khi số rác thải công nghiệp được phát hiện trong trang trại của ông Lê Quang Hòa, các nhà báo Việt Nam đã phát hiện thêm đến 7 điểm chôn rác khác của Formosa, trong đó chỉ có khu xử lý rác công nghiệp tại Phú Yên tỉnh Phú Thọ là có giấy phép xử lý các chất thải này.

Các điểm chôn rác khác của Formosa đều bất hợp pháp, trong các bãi rác thông thường, thậm chí có nơi gần các khu du lịch và rừng trồng.

Hôm qua, báo chí Việt Nam cũng đưa tin là trong buổi gặp gỡ với cử trị Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên bố rằng sẽ xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công ty thép Formosa xả chất thải gây nên thảm họa môi trường Vũng Áng làm ảnh hưởng trực tiếp đến 200 ngàn người, trong đó có nhiều ngư dân.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho biết là đã niêm phong tám tấn cá biển được đánh bắt trong vùng biển Quảng Bình và Hà Tĩnh vì có chứa chất Cadmium, một kim loại nặng gây hại cho sức khỏe con người.

Theo ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc sở ý tế tỉnh Hà Tĩnh thì số cá này được đánh bắt vài tháng trước đây, nhưng không cho biết chính xác là trước hay sau thời điểm cá chết hàng loạt tại các vùng biển này vào cuối tháng tư vừa qua vì chất thải của công ty Formosa.

Cũng theo ông Hùng thì không có chuyện số cá này bị đánh cắp và tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh. Và số cá này đang chờ lệnh của Ủy ban nhân dân tỉnh đem đi tiêu hủy, và chủ của các lô hàng này sẽ được đền bù thiệt hại.

Cũng liên quan đến tai họa môi trường do công ty Formosa gây ra, một nghị sĩ quốc hội Đài Loan là bà Tô Trí Phần đang dẫn đầu một đoàn gồm các chuyên gia môi trường, giáo sư đại học và các nhà hoạt động xã hội Đài Loan, đến Hà Tĩnh để tìm hiểu vụ việc.

Bà Tô là một nghị sĩ thuộc đảng Dân Tiến đang cầm quyền tại Đài Loan.

Theo thông tin được báo chí Việt Nam trích lại từ báo chí Đài Loan thì bà từng tổ chức họp báo ở Đài Bắc yêu cầu công ty Formosa phải chịu trách nhiệm xã hội khi gây ra tai họa môi trường tại Việt Nam.

Bà Tô đã nói trong cuộc họp báo đó rằng nếu Đài loan không thận trọng đối diện với những tai họa do công ty Đài Loan gây ra thì chính sách của Đài Loan tại đây sẽ gặp trở ngại.

Sau khi đảng Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn lên cầm quyền tại Đài Loan, đảo quốc này bắt đầu một chính sách mới gọi là hướng Nam để hướng hoạt động kinh tế của Đài Loan về khu vực Đông Nam Á, giảm phụ thuộc vào những hoạt động kinh tế với Hoa Lục, nước vẫn coi Đài Loan là một lãnh thổ của mình và từng tuyên bố sẽ dùng vũ lực để thu hồi nếu cần thiết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.