Để tìm hiểu tương lai và số phận của những người này, Thanh Trúc của Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat people SOS) có trụ sở tại Hoa Kỳ, và ông Nguyễn Trân Đăng, Giám Đốc Kế Hoạch của Văn Phòng Dân Biểu Cao Quang Ánh. Mời quý vị theo dõi.
Cần được hỗ trợ
Thanh Trúc: Trước tiên TS Nguyễn Đình Thắng cho biết:
Nếu mà đạt được hai yếu tố đó thì tôi tin rằng mọi người hiện nay đang có mặt tại Thái Lan đều được hưởng quy chế và tư cách tị nạn chiếu theo luật pháp.
TS Nguyễn Đình Thắng
TS Nguyễn Đình Thắng: Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) đã giúp đỡ cho số người - nạn nhân Cồn Dầu chạy lánh nạn sang Thái Lan từ những ngày đầu, tức là đầu Tháng Năm, về những mặt sau đây :
-Tìm những chỗ ăn ở tương đối an toàn cho họ. Chúng tôi thường xuyên phải di dời những người này đến những địa điểm an toàn hơn một khi có những dấu hiệu có thể họ gặp nguy hiểm.
-Giúp cho họ về đời sống bởi vì họ không nhận được một sự tài trợ và giúp đỡ nào từ phía Cao Ủy Tị Nạn LHQ (UNHCR) hoặc các tổ chức khác, ngoài một số ít những sự hỗ trợ của một số người có thân nhân ở hải ngoại .
-Và quan trọng nhất là bảo vệ quyền tị nạn của họ. Chúng tôi đã phỏng vấn từng người một để lập hồ sơ đưa họ vào ghi danh và trình diện với Cao Ủy Tị Nạn LHQ. Cá nhân chúng tôi đã sang Thái Lan hồi đầu Tháng Bảy để tiếp xúc với từng người và sau đó chúng tôi cũng đã gặp vị luật sư trưởng đặc trách vấn đề cứu xét các đơn tị nạn.
Mới đây cựu đại sứ Grover Joseph Rees là vị cố vấn cao cấp của BPSOS về các dự án quốc tế cũng đã đến Thái Lan vào tuần rồi và cũng đã gặp nhóm người ở Cồn Dầu, và cũng sau đó đã tiếp xúc với Cao Ủy Tị Nạn LHQ để yêu cầu có sự bảo vệ thích đáng cho những người này.
Thanh Trúc: Thưa TS Nguyễn Đình Thắng, có những hy vọng nào cho những giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan tị nạn hay không?
TS Nguyễn Đình Thắng: Chúng tôi xin trả lời một cách dè dặt sau đây: Chúng tôi tin rằng nếu như Cao Ủy Tị Nạn LHQ nắm được tất cả những thông tin về các cuộc đàn áp đã diễn ra ở tại Cồn Dầu từ đầu năm nay cho tới giờ này, và nếu như những lời khai của nạn nhân đang lánh nạn tại Thái Lan đúng theo tiêu chuẩn của LHQ - họ kể đúng những chuyện đã xảy ra cho họ, nhưng mà nhiều khi người mình không hiểu cái tiêu chuẩn về luật lệ của LHQ, thành ra chúng tôi đã phải cố gắng hướng dẫn cho họ để làm sao họ khai cho đúng với yêu cầu của Cao Ủy Tị Nạn LHQ. Nếu mà đạt được hai yếu tố đó thì tôi tin rằng mọi người hiện nay đang có mặt tại Thái Lan đều được hưởng quy chế và tư cách tị nạn chiếu theo luật pháp.
Theo như chúng tôi hiểu thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan đã liên lạc với Cao Ủy Tị Nạn LHQ về những người này.
Ô. Nguyễn Trân Đăng
Thanh Trúc: Như vậy thì tình trạng hiện tại của mấy chục người đó là như thế nào? Tuyệt đối an toàn? Tương đối an toàn? Hoặc là không an toàn chút nào hết?
TS Nguyễn Đình Thắng: Tình trạng của những người dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Thái Lan hiện nay không an toàn bởi vì từ cuối năm ngoái chính phủ Thái Lan đã gia tăng biện pháp để mà cưỡng bức hồi hương ngay cả những người đã được cứu xét là người đi tị nạn bởi Cao Ủy Tị Nạn LHQ , thành ra chúng tôi hết sức quan tâm. Và cũng chính vì lý do đó mà chúng tôi từ bao nhiêu lâu nay không hề công bố ra, không hề tiết lộ ra là có người dân Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan cũng như không hề nói ra nỗ lực của chúng tôi để bảo vệ cho họ. Điều mà chúng tôi đang cố gắng là làm sao có được sự can thiệp rất nhanh chóng, giải quyết hồ sơ rất nhanh chóng từ phía Cao Ủy Tị Nạn LHQ và đồng thời có sự can thiệp mạnh mẽ từ phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và đặc biệt là từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở tại Bangkok để làm sao đưa những người Cồn Dầu này đến một nơi an toàn hơn sau khi họ được thừa nhận là người tị nạn bởi Cao Ủy Tị Nạn LHQ.
Trình Cao Ủy Tị Nạn LHQ
Thanh Trúc: Vừa rồi là ý kiến của TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS). Tiếp theo mời quý vị theo dõi ông Nguyễn Trân Đăng, Giám Đốc Kế Hoạch của Văn Phòng Dân Biểu Cao Quang Ánh, cho biết thêm các chi tiết về sự trợ giúp của Văn Phòng Đân Biểu đối với số phận của 40 người này.
Ông Nguyễn Trân Đăng: Tôi là Nguyễn Trân Đăng làm việc trong Văn Phòng Dân Biểu Cao Quang Ánh. Tôi là Giám Đốc Kế Hoạch trong Văn Phòng. Nói về tình trạng của những người dân Cồn Dầu mà đã trốn đến được Thái Lan thì ở Văn Phòng chúng tôi đã liên lạc với Bộ Ngoại Giao và đã chuyển tên của những người này cho Bộ Ngoại Giao, và Bộ Ngoại Giao đã trả lời chúng tôi là đã chuyển con số lần trước là mười mấy người sang cho bên Cao Ủy Tị Nạn LHQ. Và cũng trong lần gặp gỡ với Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại TP.HCM là ông Lê Thành Ân thì DB Cao Quang Ánh cũng đã đặt vấn đề này ra với ông và yêu cầu ông giúp cho những người này được ưu tiên trong những thủ tục hồ sơ để đi lánh nạn.
Thanh Trúc: Ông có nghĩ rằng đất nước họ sẽ được đi lánh nạn có phải là Hoa Kỳ không?
Ông Nguyễn Trân Đăng: Theo như chúng tôi hiểu thì Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan đã liên lạc với Cao Ủy Tị Nạn LHQ về những người này. Còn vấn đề nước nào sẽ nhận họ đi định cư thì hiện tại chúng tôi chưa có rõ. Theo như tôi biết, thủ tục đang được tiến hành và Cao Ủy Tị Nạn LHQ, nếu mà hiểu theo sự thông thường, thì bởi có tiếng nói của Quốc Hội, bởi có sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao, có lẽ những người này nếu được chấp thuận thì sẽ được định cư tại Mỹ. Đó là theo sự hiểu biết của chúng tôi.
Theo dòng thời sự:
- Video: Tình cảnh các giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan
- Video: Giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan tị nạn
- Video: Những gì đã xảy ra ở Cồn Dầu
- Video: Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu Tiếng nói Cồn Dầu từ Thái Lan
- Kêu gọi LHQ điều tra vụ công an đánh chết người tại Cồn Dầu
- Lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền tại khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ
- Dân biểu Mỹ trình Hạ Viện nghị quyết lên án đàn áp tại Cồn Dầu
- Dân biểu Cao Quang Ánh lên án Việt Nam chà đạp nhân quyền