Cuộc điều trần do nữ Dân biểu Zoe Lofgren thuộc đảng Dân Chủ, đơn vị San Jose bang California, đồng Chủ tịch nhóm các nhà lập pháp Mỹ quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam, chủ tọa với sự tham dự của các Dân biểu Ed Royce, Loretta Sanchez, Chris Smith, Ileana Ros-Lehtinen.
Tiếp tục chính sách bắt bớ, giam cầm
Mở đầu buổi điều trần, khi nói về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, Dân Biểu Zoe Lofgren nhấn mạnh đại ý rằng nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục giam cầm và kết án những người mạnh dạn nói lên nguyện vọng dân chủ của mình một cách ôn hòa.
Phần các diễn giả tham gia buổi điều trần có ông Leonard Leo thuộc Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế USCIRF, ông Đỗ Hoàng Điềm - Chủ Tịch Đảng Việt Tân, nữ Bác sĩ Nguyễn Thể Bình - Đồng Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, cô Tammy Trần - Chủ Tịch Liên Minh Việt Nam Chống Nạn Buôn Người.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số đại diện tổ chức, hội đoàn trong cộng đồng Người Việt vùng Thủ Đô Washington, cùng giới truyền thông báo chí Việt Ngữ và quốc tế.
Người dân trong nước phải được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tự do sử dụng Internet, tự do báo chí, tự do viết, tự do xuất bản, miễn là những điều đó không có phải là bạo động.
BS Nguyễn Thể Bình
Là người đầu tiên được mời thuyết trình, ông Leonard Leo nói rằng trong năm qua quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam tiếp tục bị hạn chế, khiến Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn Giáo Quốc Tế phải kiến nghị chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, gọi tắt là CPC, ông cho biết một khi được rút tên khỏi danh sách CPC thì Việt Nam tiếp tục đàn áp các tiếng nói dân chủ, giới hạn quyền tự do ngôn luận, ngăn cản hoạt động tôn giáo, chèn ép giới công nhân.
Quyền tự do ngôn luận
Kế đó, một trong 3 diễn giả người Việt, ông Đỗ Hoàng Điềm của Đảng Việt Tân yêu cầu Hoa Kỳ đặt vấn đề tôn trọng nhân quyền với Việt Nam, trong cuộc đối thoại giữa đôi bên sắp tới đây, tại Hà Nội, ông đưa ra vài đề nghị:
Ông Đỗ Hoàng Điềm: Thứ nhất là làm sao phải giải quyết cái tình trạng vi phạm tự do báo chí, đây là một lãnh vực vô cùng quan trọng để đẩy mạnh những sự hoạt động xây dựng một xã hội dân sự cũng như một cái nền sinh hoạt lành mạnh trong xã hội.

Thứ hai là chúng tôi đề nghị về việc làm sao phải tạo áp lực để trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị còn đang bị giam giữ, trong đó phải kể đến Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Linh mục Nguyễn Văn Lý, cũng như các thành viên của Đảng Vì Dân, của Đảng Dân Chủ Nhân Dân, của Đảng Thăng Tiến Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do, trước khi tham dự một phiên họp khác,Đân Biểu Loretta Sanchez (bang California, Hoa Kỳ) nhấn mạnh rằng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam là quan tâm hàng đầu của bà cũng như đối với tất cả những công dân Mỹ gốc Việt mà bà là người đại diện, nhưng hiện giờ, quyền làm người tại Việt Nam vẫn đang bị đe dọa.
Vi phạm các quyền cơ bản của người dân
Một diễn giả người Việt khác là nữ Bác sĩ Nguyễn Thễ Bình, thuộc Cao Trào Nhân Bản, hy vọng nhân quyền nơi quê nhà sẽ được tôn trọng qua những cuộc vận động từ mọi giới, đặc biệt là qua cuộc đối thoại sắp tới giữa các viên chức Việt - Mỹ.
Bác sĩ Nguyễn Thể Bình: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không được đè nén, áp bức, hoặc là bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến, và phải lập tức thả họ ra ngay, không thể dùng họ để mỗi lần khi có cuộc hội thảo hay họp bàn với chính phủ Mỹ thì lại thả một người hay hai người, rồi sau đó lại bắt bớ hai ba chục người khác để mà dùng làm những quân cờ.
Người dân trong nước phải được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tự do sử dụng Internet, tự do báo chí, tự do viết, tự do xuất bản, miễn là những điều đó không có phải là bạo động.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không đựoc bắt bớ những người bất đồng chính kiến như vậy, bởi vì một nước tự do dân chủ phải để cho người dân có quyền phát biểu ý kiến của họ. Bởi vậy nên chúng tôi xin phái đoàn của Mỹ lưu ý những điều đó.
Cô Tammy Trần thuộc Liên Minh Người Việt Chống Buôn Người thì trình bày trước nghị trường về những phương cách giúp đỡ cho những người kém may mắn từng là nạn nhân của nạn buôn người, cô tóm tắt như sau:
Cô Tammy Trần: Ngày hôm nay chúng tôi đến đây để góp phần trong cái buổi sinh hoạt này để nói thêm về vấn đề những cô gái và những trẻ em đang rơi vào tình trạng nô lệ ngày hôm nay, khi họ trở thành nạn nhân rồi thì về vấn đề nhân đạo là ta phải giúp những người đó để họ lầm lại cuộc sống của họ.
Chúng ta phải nhìn vào cái gốc rễ và từ cái gốc rễ đó mà tìm ra cách phòng ngừa cho những phụ nữ và trẻ em không bị rơi vào tình trạng đó, thì phải có những giải pháp về mặt chính trị, kinh tế cũng như vấn đề xã hội để giúp cho những cô gái và trẻ em đó không thể rơi vào các trường hợp đó một cách dễ dàng như vậy được.
Buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam tại trụ sở Hạ Viện Mỹ chấm dứt vào lúc gần 6 giờ chiều Thứ Tư, giờ Miền Đông Hoa Kỳ, tức 5 giờ sáng Thứ Năm, giờ Việt Nam.
Đỗ Hiếu, tường trình từ thủ đô Washington.