Nhân dịp có buổi hội thảo liên quan đến đài RFA vào ngày 12 tháng 8, Người Việt có cuộc phỏng vấn sau đây với Dân Biểu Ed Royce, đồng tác giả dự luật nguyên thủy lập nên RFA, và cả quy chế mới hiện nay của đài. Cuộc phỏng vấn do Hà Giang thực hiện.
Tự do thông tin cho Việt Nam
Hà Giang : Thưa dân biểu, ngày 13 tháng 7 vừa qua, Tổng Thống Obama ký thành luật một dự luật qua đó đài phát thanh Radio Free Asia (RFA) - Á Châu Tự Do (ACTD) được trở thành "chương trình phát thanh thường trực" (permanent authorization), xin ông cho biết ý nghĩa của luật này và vai trò của ông trong việc vận động cho dự luật?
Tự do thông tin cho Việt Nam là điều mà tôi hằng quan tâm, đó là lý do tại sao tôi luôn cố gắng dồn mọi nỗ lực cho những dự luật này.<br/>
DB Ed Royce
DB Ed Royce: Tôi là người hết sức ủng hộ đài RFA từ bao nhiêu năm nay, và là người đồng soạn thảo dự luật nguyên thủy cho đài, ra đời từ năm 1994. Với luật vừa được phê chuẩn, RFA sẽ hoạt động như một chương trình phát thanh thường trực vào không những chỉ Việt Nam, mà cả Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Điện, Campuchia, Lào… Ngoài những chương trình phát thanh bằng tiếng địa phương, RFA còn có một trang web tiếng Việt và những ngôn ngữ khác, chuyên cung cấp thông tin mà chính người dân ở những quốc gia này không được biết. Qua trang web này, giờ đây, người dân nơi không có tự do thông tin có thể đọc blogs cũng như xem phản hồi của khán thính giả của đài.
Ngoài những chương trình phát thanh, trang mạng của đài RFA còn có những câu chuyện do nhân chứng sống kể lại qua những khúc phim ngắn, hay hình ảnh được ghi lại bằng điện thoại di động. Tất cả những dữ liệu này do một hệ thống biên tập viên hoặc thông tín viên của đài ở khắp nơi thu thập và soạn thành bản tin để phát về Việt Nam.
Tôi cũng phải nói thêm là những chương trình phát thanh và tài liệu của RFA hiện được phổ biến rộng rãi qua các trang mạng xã hội như YouTube, và với luật mới, sinh hoạt của đài sẽ ngày càng khởi sắc để đưa tin về Việt Nam, và để đẩy mạnh tiến trình dân chủ cho Việt Nam, cũng như đưa ra trước ánh sáng dư luận tệ tham nhũng đang xảy ra tại đây.
Hà Giang : Thưa Dân Biểu Ed Royce, xin cho biết lý do tại sao ông bỏ rất nhiều thì giờ và nỗ lực vào việc vận động cho những dự luật liên quan đến việc ra đời của đài RFA trước kia, cũng như cho đài được trở thành một chương trình phát thanh thường trực hôm nay?
DB Ed Royce: Tự do thông tin cho Việt Nam là điều mà tôi hằng quan tâm, đó là lý do tại sao tôi luôn cố gắng dồn mọi nỗ lực cho những dự luật này.
Tôi cho rằng, vì muốn giữ chặt lấy quyền lực, nhà cầm quyền Hà Nội đã tìm cách tẩy não người dân của họ. Họ tẩy não người dân bằng cách bóp nghẹt thông tin, do đó, cách giúp người dân Việt Nam hay nhất là cung cấp cho họ những thông tin trung thực, mà họ không được nghe hay biết đến qua truyền thông trong nước. Sự tự do thông tin sẽ giúp kiến thức người dân được mở mang, giúp họ nhìn thấy, tìm hiểu và chia sẻ với nhau những thông tin về đàn áp đang thực sự diễn ra, sự nhũng nhiễu và tham nhũng của nhà cầm quyền, và giúp họ mạnh dạn đòi hỏi nhà cầm quyền độc tài Việt Nam phải thay đổi.
Hà Giang : Chúng tôi được biết là nếu không có luật mới này, thì vào ngày 30 tháng 9 tới đây, RFA có thể phải ngưng hoạt động, xin ông giải thích thêm về điều này?
DB Ed Royce: Vâng, trong nhiều năm qua, tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều ký giả cũng như biên tập viên của đài, và rất ủng hộ những việc họ làm. Và tôi biết là hàng năm cứ gần đến ngày phê chuẩn ngân sách thì họ lại lo lắng không biết là chương trình RFA có được tái phê chuẩn không, và trong trường hợp không có ngân sách, thì những chương trình phát thanh do đài phụ trách sẽ lập tức bị ngưng, và họ sẽ bị mất việc. Ðó là lý do tại sao tôi đã cùng là tác giả của dự luật biến RFA thành chương trình phát thanh thường trực.
Hà Giang : Ngoài việc hàng năm không phải chờ được cấp ngân sách, ông có thể đơn cử một vài thí dụ là việc được trở thành chương trình phát thanh thường trực sẽ ảnh hưởng hoạt động của đài như thế nào?
DB Ed Royce: Ðiều này có nghĩa là giờ đây, RFA có thể có những dự tính dài hạn với nhân viên, với cơ sở, phòng ốc và dụng cụ. Tôi tin rằng với luật mới này, tất cả mọi sinh hoạt của đài sẽ hữu hiệu hơn.
Hà Giang : Nhiều người cho rằng RFE (Radio Free Europe) chương trình tiền thân của RFA, đã đóng góp rất nhiều trong việc làm sụp đổ chế độ Cộng Sản tại Ðông Âu trước đây?
DB Ed Royce: Tôi có thể chia sẻ rất nhiều, vì tôi đã có mặt ở Ðông Ðức vào đầu thập niên 1990, và đã được nhìn thấy phản ứng của nhiều thính giả của chương trình RFE.
Tôi ước ao sẽ có ngày chứng kiến một Việt Nam tự do, và tôi hiểu rất rõ là Việt Nam không thể có tự do cho đến khi người dân được có đầy đủ thông tin<br/>
DB Ed Royce
Hình ảnh mà tôi vẫn còn nhớ được là cảnh người ta lén lút xúm quanh những chiếc radio trong giờ phát thanh để nghe và sau đó thì thào bàn tán với nhau. Vào những năm đầu thập niên 1980, tôi cũng có dịp chuyện trò nhiều với những người Ðông Âu, và nhận ra rằng trong một nơi mà thông tin hoàn toàn bị bưng bít, đó là điều duy nhất khiến cho những người này thấy rõ bản chất của những chế độ độc tài.
Một trong những điểm đưa đến thành công cho chương trình phát thanh RFE/Radio Liberty là đài đã tuyển mộ rất nhiều di dân người Ðông Ðức, Ba Lan hay Nga mới đến Hoa Kỳ vào làm việc. Những người này còn nhiều liên lạc với bạn bè, người thân của họ từ những quốc gia đó, và nhờ vậy tin tức rất nóng hổi, chính xác đã từ những quốc gia này lọt ra ngoài rồi lại được đưa trở lại trong nước do chương trình phát thanh của RFE.
Chính mắt tôi chứng kiến cảnh họ ngồi nghe chăm chú, rồi gật gù và nói: “Chính xác! Ðây là những vấn đề do chính quyền độc tài gây ra.” Rồi bắt đầu đặt câu hỏi: “Tại sao chúng tôi không có tự do báo chí, tại sao chúng tôi không có tự do hội họp, tại sao chính phủ không cải tổ để dẹp bỏ tham nhũng?” Nhiều người bạn của tôi ở Ðông Âu cho đến giờ này vẫn thỉnh thoảng bảo tôi là một trong những lý do chính khiến Ðông Âu có sự thay đổi là vì đến một lúc nào đó khi thông tin tràn ngập, và khi người trẻ bắt đầu đòi hỏi sự cải tổ, rồi những đòi hỏi của họ lân lan ra cả xã hội, thì việc gì phải đến đã đến.
Ðó là những gì tôi tha thiết muốn thấy cho Việt Nam. Tôi ước ao sẽ có ngày chứng kiến một Việt Nam tự do, và tôi hiểu rất rõ là Việt Nam không thể có tự do cho đến khi người dân được có đầy đủ thông tin về sự tham nhũng của chính quyền, nhất là khi mà nhà cầm quyền Hà Nội liên tục ký những hợp đồng có lợi cho Trung Quốc nhưng có hại cho chính đất nước và người dân của họ.
Hà Giang : Xin cám ơn thời gian ông dành cho chúng tôi.
(Source: Nhật báo Người Việt, California)
Theo dòng thời sự:
- RFA nói thay cho những người không được nói
- Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách vĩnh viễn cho RFA
- Phát biểu của Tổng giám đốc đài RFA tại Lễ kỷ niệm 13 năm Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam
- RFA lên án Trung Quốc ngăn chặn tìm kiếm trên google với ký tự "RFA"
- Các Dân biểu Mỹ đặt vấn đề nhân quyền tại Việt Nam với Đại sứ Michalak
- Tường trình cuộc gặp giữa Đại sứ Michael Michalak với Cộng đồng người Việt ở Little Saigon