Việc mang Việt Nam trở lại danh sách này đã được nhiều người nói đến nhưng chưa có kết quả đáng kể. Vậy tác dụng của lá thư này ra sao, Quỳnh Chi hỏi chuyện ông Đoàn Viết Hoạt, phát ngôn nhân của 10 tổ chức đồng ký tên vào lá thư.
Quỳnh Chi: Thưa ông, chúng tôi được biết rằng 10 tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền vừa viết một lá thư cho bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhằm kêu gọi đưa Việt Nam trở lại sanh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo. Ông có thể cho biết sơ qua lá thư không ạ?
Ông Đoàn Viết Hoạt: Chúng tôi khoảng 10 tổ chức những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ký tên một bức thư chung nhân dịp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuẩn bị xét duyệt danh sách CPC. Đồng thời, chúng tôi cũng biết là Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết gởi Bộ Ngoại giao để yêu cầu đưa Việt Nam trở lại danh sách này. Cho nên chúng tôi đã bàn thảo và quyết định viết lá thư này.
Quỳnh Chi: Vậy ngoài gởi cho bà Hillary thì quý vị còn gởi cho cơ quan nào nữa không?
Ông Đoàn Viết Hoạt: Chúng tôi gởi đến các vị dân biểu quốc hội, các cơ quan báo chí quốc tế và Hoa Kỳ, các tổ chức NGO (các tổ chức phi chính phủ) và các cơ quan truyền thông của người Việt hải ngoại.
Quỳnh Chi: Trong lá thư, quý vị có đề cập rằng Hoa Kỳ đã ứng xử mềm dẻo với Việt Nam, vậy ông có thể nói cụ thể là chính sách mềm dẻo ấy thể hiện qua điểm nào không ạ?
Ông Đoàn Viết Hoạt: Đó là việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Lúc đó thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng làm như vậy thì Việt Nam sẽ tôn trọng tự do tôn giáo và hòa nhập vào quốc tế. Chúng tôi cho đây là một chính sách mềm dẻo và khôn ngoan. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tất cả các tổ chức NGO và những người Việt tại hải ngoại cũng đều đồng ý rằng từ khi Việt Nam được lấy tên ra khỏi danh sách này thì chính quyền gây khó khăn và đàn áp các giáo hội.
Quỳnh Chi: Thưa ông, lá thư cũng cho rằng việc không đưa Việt Nam vào danh sách CPC đã cho thấy sự bất nhất trong chính sách của Hoa Kỳ. Để rộng đường dư luận thì ông vui lòng nói cụ thể hơn?
Ông Đoàn Viết Hoạt: Bất nhất đầu tiên là về lý tưởng, tức là những giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Đây là một nước được thế giới cho rằng luôn tôn trọng những quyền cơ bản của con người nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng. Bất nhất thứ hai, chính các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng quyền tự do tôn giáo cũng vẫn còn chưa được tôn trọng một cách triệt để và thật sự. Thứ ba, hiện nay chỉ có Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn chưa muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Còn tất cả các NGO của Mỹ cũng như thế giới, đặc biệt là Quốc hội Hoa Kỳ vừa rồi đã thông qua nghị quyết để gởi cho Hành pháp, yêu cầu đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Quỳnh Chi: Thưa ông, một câu hỏi mà tôi nghĩ nhiều người cũng đang thắc mắc, là đã có nhiều người nói đến việc đưa VN trở lại danh sách CPC nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông nghĩ tác dụng của lá thư này như thế nào? Và dựa vào đâu ạ?
Ông Đoàn Viết Hoạt: Thứ nhất, ít nhất chúng ta cũng phải lên tiếng để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc biệt là bà Ngoại trưởng biết tiếng nói của những người Mỹ gốc Việt. Thứ hai, chúng ta cũng đồng phải lên tiếng để đồng hòa nhịp với các vị dân biểu quốc hội. Họ đã vì tình hình chung của nước Mỹ và tình hình Việt Nam mà đã ra một nghị quyết như vậy thì chúng ta không thể nào không lên tiếng để ủng hộ và hỗ trợ cho nghị quyết đó. Thứ ba, chúng ta muốn lên tiếng để các vị đấu tranh cho nhân quyền, tự do tôn giáo trong nước biết rằng, người Việt ở hải ngoại luôn hướng về quê hương và ủng hộ những cuộc đấu tranh của họ.
Quỳnh Chi: Vâng, cám ơn ông Đoàn Viết Hoạt rất nhiều.
Ông Hoạt cũng cho rằng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ xét duyệt lại danh sách CPC trong tháng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật những thông tin về vấn đề này.