25 năm, những nhận xét của người Mỹ về cuộc chiến VN

Lời giới thiệu: trong suốt 2 tuần lễ vừa qua, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi đã gửi đến quý thính giả những bài viết, những bài nhận định, những lời tuyên bố chủ yếu là của người Việt khắp nơi, trong cũng như ngoài nước qua chủ đề 25 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc nhìn lại biến cố 30 tháng 4 và những gì đã xảy ra trên quê hương chúng ta trong suốt 25 năm qua. Hôm nay, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý thính giả những nhận xét của người Mỹ về cuộc chiến Việt Nam. Bài do Việt Hùng biên soạn...Người Mỹ nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam? Hoa Kỳ có cơ hội nào để chiến thắng trận chiến này hay không? Washington đã đúng hay sai khi tham dự vào cuộc chiến?Đó là những câu hỏi được đặt ra mỗi ngày 30 tháng 4, và đặc biệt hơn cả là ngày 30 tháng 4 năm 2000, đánh dấu 25 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc với thất bại mà người Mỹ, từ phía chính quyền cho đến dân chúng hầu như không ai có thể quên được. Thát bại này là sau gần 20 năm tham dự vào cuộc chiến, với hơn 2 triệu binh sĩ được gửi đến một vùng đất xa lạ để chiến đấu, và biết bao nhiêu tỷ bạc đã bỏ ra, và với hơn 58,000 binh sĩ bỏ mình, người Mỹ cuối cùng đã phải chấp nhận là kẻ chiến bại.Dù thất bại, nhưng theo giáo sư John Norton Moore của Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia thì điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ đã sai lầm khi tham dự cuộc chiến Việt Nam. Ông đưa ra bằng chứng cho thấy là sau khi Hoa Kỳ rút quân và nhất là sau ngày cuộc chiến thật sự kết thúc, hàng triệu người đã chết ở Cambodia dưới chế độ Pol Pot, hàng triệu người khác phải chịu cảnh tù đầy trong các nhà giam được mệnh danh là trại cải tạo ở Việt Nam, và hơn 80 triệu người dân Việt, Miên, Lào đã và đang phải sống dưới chế độ cộng sản.Ông Moore cũng cho rằng chính vì lý do đó, mà ông thấy Hoa Kỳ đã sai lầm khi không quyết tâm chiến thắng ở Việt Nam khi có cơ hội để chiến thắng, và kết quả là đã bỏ quá nhiều công sức cho cuộc chiến mà không đạt được thành công.Ông Dofl Droge, người đã từng có thời làm việc trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ dưới quyền của Tiến Sĩ Henry Kissinger cũng đưa ra nhận định tương tự, và chỉ trích là báo chí cũng như một số sử gia của Hoa Kỳ đã sai lầm, đã không công bằng khi cho rằng người Mỹ lầm lẫn khi tham dự vào cuộc chiến ở một vùng đất xa lạ là Việt Nam. Ông Droge nhấn mạnh đến điểm người dân miền Nam muốn sống yên ổn, muốn có hạnh phúc, muốn được hoà bình, nhưng cuối cùng ước mơ bình thường của họ không bao giờ đến, vì miền Bắc liêp tiếp mở các cuộc tấn công, leo thang chiến tranh.Nhưng tại sao có lý do chính đáng, hay nói như nhiều người thì có chính nghĩa, mà Hoa Kỳ lại thất bại ở Việt Nam? Câu trả lời mà chúng tôi ghi nhận được qua một số người Mỹ từng góp phần hoạch định chính sách đối với Việt Nam là cuộc chiến đã không được quyết định trên chiến trường, mà thay vào đó là những quyết định hoàn toàn mang tính chính trị ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Một trong những người có lập luận như vừa nói là giáo sư Robert Turner, phụ tá giám đốc Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia thuộc viện đại học Virginia.Giáo sư Turner tin rằng một trong những lý do hay đúng hơn, một trong những sai lầm lớn nhất của người Mỹ là không có một chính sách, một chiến lược rõ rệt tại Việt Nam, đồng thời, cũng chẳng để ý gì đến những nhận định quân sự được gửi về từ chiến trường. Ông nhắc lại là vào năm 1968, sau trận Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ đã có một cơ hội để kết thúc cuộc chiến bằng chiến thắng mà không làm, đến năm 1972 lại có cơ hội thứ nhì mà cũng không thực hiện. Trong khi các binh sĩ tiếp tục chiến đấu hăng say trên chiến trường, thì các chính trị gia ở Washington lại không làm trọn nhiệm vụ, và bên cạnh đó là những cuộc biểu tình xảy ra hầu như khắp nơi trên đất Mỹ, đòi hoà bình, đòi chấm dứt chiến tranh, buộc chính phủ phải tìm cách kết thúc cuộc chiến. Kết thúc đây có nghĩa là phải chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá, phải rút quân ra khỏi Việt Nam.Kết quả của những cuộc biểu tình chống đối và của chính sách không rõ ràng của chính phủ đã dẫn đến việc năm 1973, quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu không cho hành pháp tiếp tục tham chiến ở Việt Nam nữa. Đối với người Mỹ, cuộc chiến Việt Nam phần nào, đã chính thức kết thúc từ lúc đó, cho dù tiếng súng vẫn nổ ở chiến trường cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi quân miền Bắc tiến vào Sài Gòn.Ảnh hưởng sai lầm về chính sách của Washington và những cuộc biểu tình phản chiến này cũng đã khiến cho các binh sĩ Mỹ khi trở về lại Hoa Kỳ bị chính người dân Mỹ đón tiếp, đối xử thật lạnh nhạt, và còn ngấm ngầm bị kết án là những kẻ đã giết người, thay vì phải được coi là những người con yêu của tổ quốc, những người lên đường đến Việt Nam vì tiếng gọi của non sông, những người chấp nhận hy sinh thân xác của chính mình để bảo vệ lý tưởng tự do cho người khác.Bà Chritel Crane, một phụ nữ khoảng ngoài 30 hiện đang cư ngụ ở bang North Carolina kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện của cha bà là ông William Rich, người cách đây gần 35 năm lên máy bay sang Việt Nam chiến đấu, chỉ 2 tuần lễ trước ngày cô con gái độc nhất mở mắt chào đời. Khi về lại Hoa Kỳ, ông Rich sững sờ với lối đối xử mà những người chung quanh dành cho ông, sững sờ với cái nhìn khinh miệt mà dân chúng Mỹ dành cho những cựu chiến binh đã tham chiến ở Việt Nam. Cũng như các bạn đồng đội, ông không đòi hỏi phải được tôn vinh, phải được ca tụng, nhưng không thể nào ngờ sau những năm tháng cầm súng chiến đấu cho lý tưởng tự do và theo đúng lời kêu gọi của chính phủ, ông lại bị coi là kẻ giết người.Cũng kể từ đó, ông William Rich không nói gì đến cuộc chiến mà ông đã tham gia, cũng chẳng kể lại những gì ông đã làm trong những năm tháng ở Việt Nam. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông gọi vợ con vào phòng khách, để báo tin mà mọi người đều đã biết. Đó là tin Sài Gòn thất thủ.Bà nhớ lại lúc đó, cha Bà đã nói với con cái là ông đã làm đúng khi sang Việt Nam chiến đấu, vì ông tin tưởng những người được tự do có bổn phận phải giúp cho người khác được hưởng không khí tự do như mình. Bà cũng nhớ lại là cha Bà nhấn mạnh chuyện chết chóc xảy ra trong cuộc chiến, nhưng nếu không có những người lính Hoa Kỳ góp phần giúp bảo vệ miền Nam, số người chết chắc còn cao hơn nữa.Hai mươi lăm năm sau ngày cuộc chiến kết thúc, Bà Christel Crane kể lại câu chuyện đau buốn không phải chỉ xảy đến cho gia đình bà, mà đã xảy đến cho biết bao nhiêu cựu chiến binh khác nữa. Nhưng cũng 25 năm nhìn lại, Bà Crane cho rằng tiếng súng dù đã ngưng nổ, nhưng cuộc chiến vẫn chưa tàn, cho dù quan hệ Việt-Mỹ đã được bình thường hoá, cho dù các nhân vật cao cấp hai bên đều lên tiếng nói là phải quên quá khứ để hường về tương lai, và cho dù Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton có thể sẽ đến thăm Hà Nội trước ngày ông mãn nhiệm kỳ. Đối với những người đã từng tham dự cuộc chiến Việt Nam ở thứ bậc nào, cuộc chiến chỉ thật sự chấm dứt khi nào Việt Nam thật sự có tự do, thật sự có dân chủ. Đó là điều mà họ đã tin khi tham dự vào cuộc chiến, và 25 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc, đó vẫn là niềm tin tuyệt đối, phải được thực hiện bằng mọi giá.