Ký ức ngày 30 tháng Tư, nỗi buồn và niềm vui lẫn lộn

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại vào ngày cuối tháng tư năm 1975. Từ đó, lịch sử và cuộc đời của hàng chục triệu người dân Việt cũng bước sang trang. Trong sách sử giảng dạy tại Việt Nam cho tới bây giờ vẫn ghi chép rằng 30 tháng Tư là ngày vui thống nhất của cả dân tộc; thế nhưng trên thực tế, biến cố này mang nhiều màu sắc và ý nghĩa khác nhau trong ký ức mỗi người.

VnWarAirPlane200.jpg
Bộ đội miền Bắc tiến vào phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn hôm 30-4-1975. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Trà Mi ghi lại lời kể và cảm nghĩ của các nhân chứng lịch sử từ 3 miền đất nước, những người đã trải qua cuộc chiến và tận mắt chứng kiến những gì xảy ra trong thời khắc lịch sử ấy.

Tại miền Trung

Anh Quốc, một cư dân ở thành phố Đà Nẵng, hồi tưởng: "Đà nẵng thì ngày 27, 28 thì giải phóng. Ngày đó tôi đựơc 11 tuổi. Tôi thấy bối cảnh tình hình hỗn loạn. Trường học đóng cửa. Xóm làng im ỉm, nhiều nhà đóng cửa lặng ngắt vì họ đã tìm đường tháo chạy trước.

Hàng đoàn xe dân sự, quân sự từ các vùng ven đổ vào thành phố Đà Nẵng. Bà con lũ lượt hớt hải chen chân nhau chạy xuống bến sông Hàn để tìm đường chạy loạn. Tiếng súng nổ và trực thăng vần vũ trên bầu trời…

Cảm giác giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Người ta kháo nhau là Việt cộng vào sẽ chặt đầu bất cứ ai cho nên mạnh ai nấy chạy, tài sản mất tất cả, khổ sở, khốn đốn, thê thảm lắm …”

Tình hình tại Sài Gòn

Nếu bạn muốn chia sẻ kỷ niệm của bạn và gia đình về ngày 30-4-1975. Xin gửi email về Vietweb@rfa.org

Trong lúc đồng bào miền Trung kinh hoàng chạy loạn, tìm đường vượt biên ra nước ngoài hoặc vào Nam lánh nạn, thì tình hình dân chúng ngay tại Sài Gòn ra sao? Ông Lâm, một người miền Nam lúc bấy giờ tham gia trong lữ đoàn 2, binh chủng nhảy dù thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà, thuật lại:

Cựu chiến sĩ quân lực Cộng hoà ở miền Nam: Ngày 30/4, lúc 11:15 phút, trên đường từ xa lộ Biên Hoà về thành phố, tôi thấy binh sĩ chết la liệt. Mấy anh lính chiến sĩ Việt nam cộng hoà nhìn thê lương lắm. Họ sợ quá cởi bỏ hết quần áo lính quăng giữa đường, chỉ mặc mỗi cái quần đùi tìm đường chạy về nhà thôi. Khắp nơi, mọi người hoang mang, tháo chạy.

Chiều khoảng 2h rưỡi, bộ đội kéo về khu vực Lăng Ông Bà Chiểu, cười ha híp, súng ống đi nghênh ngang. Còn chiến sĩ Việt Nam cộng hoà trốn chui trốn nhủi như rắn mất đầu, không ai can thiệp, rất khổ sở...

Trà Mi: Thưa ông, ngoài số binh sĩ giữa 2 bên thì quang cảnh xung quanh, bà con dân chúng, nhà cửa người ta như thế nào?

Cựu chiến sĩ quân lực Cộng hoà ở miền Nam: Dân chúng thấy Việt cộng vô rất buồn, khóc lóc, bỏ của chạy lấy người, xe hơi nhà lầu bỏ hết..Họ tháo chạy về hướng phi trường hoặc hướng ra Vũng Tàu hy vọng tìm đường thoát thân.

Trà Mi: Trong lịch sử ở Việt Nam thì người ta hay nói là dân chúng reo mừng vui chiến thắng thì ông có nhìn thấy điều đó xảy ra ở ngay Sài Gòn trong ngày 30/4 không?

Cựu chiến sĩ quân lực Cộng hoà ở miền Nam: Chuyện đó bịa đặt, không đúng. Reo mừng giải phóng là những người miền Bắc, hoặc những người ăn theo ở trong Nam, chứ những người cựu ở trong thành phố là bất mãn lắm, không ai đồng ý người Cách Mạng vô Nam, nói xin lỗi chứ vô vơ vét, hà hiếp đồng bào thôi chứ không phải giải phóng, rõ ràng như vậy. Ai cũng đau thương, mất mát….

Tại miền Bắc

Giữa lúc đồng bào tại các khu vực từ miền Trung vào đến Sài Gòn tan tác tháo chạy khi quân giải phóng tràn vào, từ bầu không khí từ phía bên kia vĩ tuyến 17 như thế nào?

VnWarTank200.jpg
Bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn hôm 30-4-1975. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn, nhà cách mạng lão thành gia nhập bộ đội từ năm 15 tuổi trong thời kháng chiến chống Pháp, và là người từng có mặt trên các chiến trường ác liệt như Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 Nam-Lào kể lại:

Cựu đại tá Phạm Triệu Huấn từ Hà Nội: Ở phía Bắc thì rất vui mừng. Thống nhất đất nước phải nói là nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân miền Bắc và những người lính như chúng tôi….

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

Quý vị vừa cùng Trà Mi lật lại trang sử đúng vào ngày này 31 năm về trước, qua câu chuyện trao đổi với các chứng nhân lịch sử từ 3 miền đất nước tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trên đất nước Việt Nam trong ngày 30/4/1975.

Quê hương và cuộc sống của người dân Việt đã thay đổi như thế nào trong quãng thời gian tiếp theo sau biến cố này? Mời quý vị đón theo dõi phần tiếp theo trong chương trình sau.

Theo dòng câu chuyện:

- Làm thế nào để hàn gắn hố sâu ngăn cách trong xã hội Việt Nam sau năm 75?

- Cuộc sống của người dân sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975